Kênh đào Panama là tuyến vận tải đường biển quan trọng của thế giới. Ảnh minh họa Reuters.
Trong một bài đăng tối muộn 21/12 (giờ địa phương) trên Truth Social, ông Trump cũng cảnh báo rằng ông sẽ không để kênh đào rơi vào "tay kẻ xấu", ẩn ý về ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc đối với tuyến đường này, theo Reuters.
"Các khoản phí mà Panama tính thật nực cười, đặc biệt là khi biết đến sự hào phóng phi thường mà Mỹ đã dành cho Panama. Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức và pháp lý, của cử chỉ hào phóng này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama được trả lại cho chúng tôi, đầy đủ và không cần thắc mắc", ông Trump nhấn mạnh.
Bài đăng này là một động thái cực kỳ hiếm hoi của một nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông có thể thúc đẩy một quốc gia có chủ quyền giao lại lãnh thổ. Điều này cũng có thể đánh dấu sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời ông Trump, người trước đây không hề né tránh việc cứng rắn với các đồng minh và đối tác.
Mỹ là nước đi đầu trong xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh tuyến đường này trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, chính phủ Mỹ đã trao toàn bộ quyền kiểm soát kênh đào cho Panama vào năm 1999 sau một thời gian quản lý chung.
Duy Tiến