Theo Reuters, ngày 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ công bố áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ nhôm, thép vào Mỹ. Mức thuế mới sẽ được chính thức công bố trong ngày 10/2 (theo giờ Mỹ).
Ông cũng cho biết sẽ công bố các mức thuế nhập khẩu đối ứng vào ngày 11 hoặc 12/2. Thuế này sẽ có hiệu lực gần như ngay lập tức, áp dụng cho tất cả các quốc gia và tương đương với mức thuế mà mỗi nước đang áp đối với hàng Mỹ. “Vấn đề đơn giản là, nếu họ đánh thuế chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh thuế lại họ”, ông Trump nói về kế hoạch đánh thuế đối ứng.
Theo Hiệp hội Sắt Thép Mỹ, nước này nhập khẩu thép nhiều nhất từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm. Nhưng sau đó, ông miễn thuế với một số đối tác thương mại, gồm Canada, Mexico và Brazil. Thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ mở rộng diện miễn thuế sang Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Tác động đa chiều đến nhiều doanh nghiệp thép Việt
Đánh giá về tác động của chính sách áp thuế của tân Tổng thống Mỹ lên một số doanh nghiệp thép Việt Nam, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) chịu ảnh hưởng trực tiếp khá thấp. Nguyên nhân do tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 30% tổng doanh thu, trong đó xuất sang Mỹ chiếm khoảng 5-10% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, nhìn chung doanh thu xuất khẩu thị trường Mỹ chiếm 1,5-3,0% tổng doanh thu của HPG.
Thực tế, Hòa Phát xuất khẩu thép xây dựng, thép chất lượng cao để làm thép rút dây, lõi que hàn sang 30 quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Srilanka. Với thép xây dựng, tập đoàn xuất khẩu ra Đông Nam Á là chính. Còn thị trường xuất khẩu chính của HRC của Hòa Phát là EU, Mỹ, Đông Nam Á, Mexico.
Tuy nhiên, Hòa Phát có thể chịu tác động gián tiếp khi CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) và CTCP Thép Nam Kim (mã: NKG), là 2 đối tác lớn tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) lớn của Hòa Phát, đồng thời có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao – gặp khó khăn về thuế quan dẫn tới suy giảm nhu cầu mua HRC đầu vào.
Ảnh: ACBS tổng hợp.
Đối với sản phẩm tôn mạ, ACBS đánh giá NKG chịu tác động lớn hơn HSG vì tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn (chiếm 40-60% doanh thu và thị trường Mỹ đứng thứ 3 sau châu Á và châu Âu). Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 40-50% tổng doanh thu của HSG, và thị trường Mỹ chiếm khoảng 15-20% doanh thu xuất khẩu.
Tại thị trường nội địa, HSG và NKG vừa được hưởng lợi từ việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá lên tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng lại có thể gặp bất lợi nếu sắp tới, Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ.
Đối với Tôn Đông Á (mã: GDA), theo ước tính của VCBS, EU và Mỹ chiếm gần 80% tiêu thụ của Tôn Đông Á vì vậy các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tác động tới khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp trong tương lai.
Ngoài ra, đội ngũ phân tích phân tích cho rằng rủi ro chính của Tôn Đông Á tới từ việc tiêu thụ quá tập trung vào Mỹ và EU và duy trì tỷ trọng kênh xuất khẩu quá lớn trên tổng tiêu thụ của doanh nghiệp (trên 65% tiêu thụ tôn mạ tới từ kênh xuất khẩu - so với mức 40-50% của HSG và NKG).
Trang Mai