Ông Trump sẽ làm gì với Bộ Hiệu quả chính phủ do tỷ phú Elon Musk đứng đầu?

Ông Trump sẽ làm gì với Bộ Hiệu quả chính phủ do tỷ phú Elon Musk đứng đầu?
11 giờ trướcBài gốc
Khi công bố về nhân sự lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) hôm 12/11, Tổng thống đắc cử Trump cho biết mục đích của bộ phận này là xóa bỏ tệ quan liêu trong bộ máy của chính phủ, cắt giảm các quy định không cần thiết, cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang.
DOGE sẽ chịu trách nhiệm tham vấn cho những người ở Nhà Trắng về việc cải tổ các cơ quan liên bang. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một bộ của chính phủ, do vậy, việc bổ nhiệm Tỷ phú Elon Musk và cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy làm lãnh đạo DOGE không cần Thượng viện phê chuẩn. Cả 2 vẫn có thể vừa làm việc ở lĩnh vực tư nhân và đảm đương vai trò tại DOGE.
DOGE sẽ hợp tác với Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng và công việc của họ sẽ kết thúc chậm nhất là vào ngày 4/7/2026 – dịp kỷ niệm 250 năm quốc khánh Mỹ.
Ông Trump và ông Musk tại một cuộc vận động tranh cử. Ảnh: Reuters
DOGE sẽ giúp Mỹ cắt giảm những gì?
Trong một cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Madison Square Garden, New York vào cuối tháng 10, ông Musk tuyên bố có thể giúp cắt giảm ít nhất 2.000 tỷ USD cho ngân sách liên bang.
Ngân sách liên bang cho năm tài chính 2024 của Mỹ là 6.750 tỷ USD, trong đó hơn 5.300 tỷ USD cho cho an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, quốc phòng và phúc lợi cựu chiến binh. Tất cả các hạng mục này đều có tính chất chính trị căng thẳng và rất khó thuyết phục Quốc hội cắt giảm ngân sách.
Cả ông Trump và oong Musk đều nói rằng DOGE sẽ đưa ra các khuyến nghị cắt giảm mạnh ngân sách liên bang.
Trong bài đăng trên X ngày 12/11, ông Musk cho hay, DOGE sẽ tiếp nhận các đề xuất và quan tâm từ người dân Mỹ về cách chi tiêu của chính phủ.
“Bất cứ khi nào công chúng nghĩ rằng chúng tôi đang cắt giảm ngân sách cho các vấn đề quan trọng hoặc chưa cắt giảm những khoản lãng phí, hãy để chúng tôi biết!”, ông Musk viết trên X.
Vị tỷ phú công nghệ cũng cho biết tất cả các hoạt động của DOGE “sẽ được đăng tải trực tuyến để đảm bảo minh bạch tối đa”.
“Chúng tôi cũng sẽ có bảng xếp hạng cho những khoản chi tiêu tiền thuế điên rồ nhất”, ông Musk cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội có quyền quyết định ngân sách liên bang. Quốc hội có thể tiếp nhận hoặc bỏ qua lời khuyên từ các cơ quan bên ngoài chính phủ như DOGE.
Ngoài việc cắt giảm ngân sách, mới đây ông Trump tuyên bố muốn bãi bỏ Bộ Giáo dục, trao cho các tiểu bang quyền kiểm soát lớn hơn đối với việc học hành. Ông cũng muốn cắt giảm mạnh “giới quyền lực ngầm” (ám chỉ giới tình báo Mỹ) - những viên chức liên bang lâu năm mà ông cho là đang bí mật theo đuổi chương trình nghị sự của riêng họ.
Tháng 3/2017, ông Trump lúc bấy giờ là tổng thống thứ 45 của Mỹ đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm cải thiện hiệu quả, hiệu suất và tăng cường tính minh bạch, đồng thời “loại bỏ hoặc tái tổ chức các cơ quan liên bang không cần thiết”. Sắc lệnh này chỉ đạo mỗi cơ quan nộp một kế hoạch để tái tổ chức. Ông đã ký một sắc lệnh hành pháp riêng để đặt ra lực lượng đặc nhiệm và cán bộ “cải cách quy định” trong các cơ quan.
Ông Trump đã không thành công khi cố gắng xóa bỏ ít nhất 19 cơ quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Ông từng kêu gọi xóa bỏ Tổng công ty đầu tư tư nhân nước ngoài và Tổng công ty phát thanh truyền hình đại chúng. Ông cũng đã tìm cách cắt giảm ngân sách cho công ty vận tải hành khách bằng đường sắt quốc gia (Amtrak), dịch vụ hàng không nông thôn và Special Olympics.
Kinh nghiệm của tỷ phú công nghệ?
Sau khi Elon Musk mua ứng dụng mạng xã hội Twitter, ông đã sa thải khoảng 3.700 nhân viên, tức một nửa lực lượng lao động. Doanh thu giảm khi các nhà quảng cáo cắt giảm chi tiêu và hàng trăm nhân viên khác từ chức sau đó.
Ông Musk đổi tên Twitter thành “X”, giá trị định giá của mạng xã hội này đã giảm mạnh dưới thời ông sở hữu.
Musk thành công hơn với SpaceX. Tên lửa Falcon 9 của công ty đã giúp cắt giảm chi phí phóng nhờ khả năng tái sử dụng. Điều này đã tạo ra các thị trường vệ tinh mới, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của chòm vệ tinh Starlink vốn đã đã phá vỡ ngành công nghiệp truyền thông vệ tinh từ trước đến nay và giúp định hình các chiến lược quân sự hiện đại. SpaceX hiện nay đã là một nhà thầu quốc phòng lớn.
“Tôi hy vọng ông ấy sẽ tìm kiếm những lĩnh vực mới để để làm những gì ông ấy đã làm tại SpaceX”, Steve Grundman, một trợ lý tại Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cho biết.
“Cách để tiết kiệm nhiều tiền là xóa bỏ mọi thứ, đóng mọi thứ", ông Grundman nói, nhưng cũng nhấn mạng rằng nhiệm vụ này rất phức tạp vì “sẽ không bao giờ tìm thấy thứ gì đó hoàn toàn vô dụng’.
Tiền lệ cho DOGE
DOGE có thể sẽ hoạt động theo Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang (FACA), một đạo luật năm 1972 đảm bảo các ủy ban cung cấp lời khuyên kịp thời, khách quan và công khai cho công chúng.
Tháng 2/1982, Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan tuyên bố ông sẽ thành lập một nhóm các chuyên gia trong khu vực tư nhân để đề xuất cách thức loại bỏ tình trạng kém hiệu quả và lãng phí. Tháng 6 năm đó, ông ban hành sắc lệnh hành pháp thành lập Ủy ban Grace do J. Peter Grace, cựu giám đốc điều hành của W.R. Grace & Co làm Chủ tịch.
Grace đã huy động tiền cho nỗ lực này thông qua một quỹ tài trợ. Khoảng 150 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã tình nguyện tham gia vào một ủy ban điều hành giám sát 36 nhóm đặc nhiệm của Ủy ban Grace.
Ủy ban Grace đã công bố báo cáo vào tháng 1/1984 với 2.500 khuyến nghị.
“Hầu hết các khuyến nghị, đặc biệt là những khuyến nghị yêu cầu Quốc hội ban hành luật, đều chưa bao giờ được thực hiện”, Thư viện Reagan cho biết.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-se-lam-gi-voi-bo-hieu-qua-chinh-phu-do-ty-phu-elon-musk-dung-dau-post1135391.vov