Ông Trump sốt ruột khi Nga, Ukraine và EU chưa sẵn sàng xuống thang

Ông Trump sốt ruột khi Nga, Ukraine và EU chưa sẵn sàng xuống thang
một ngày trướcBài gốc
Chưa ai sẵn sàng cho hòa bình
Khi các đại diện Mỹ và Nga ngồi vào bàn đàm phán ở Istanbul ngày 10/4, họ nhanh chóng tuyên bố rằng cuộc gặp lần này là nhằm nối lại hoạt động của các phái bộ ngoại giao, thay vì xoay quanh xung đột ở Ukraine như đã dự định. Vấn đề nằm ở chỗ, ngoài ông Trump, dường như chưa bên nào thực sự sẵn sàng cho một thỏa thuận ngừng bắn vào lúc này.
Với Ukraine, lựa chọn ngày càng bị thu hẹp. Dù đang bám trụ trên chiến trường bất chấp các đòn tấn công quyết liệt từ phía quân Nga, Kiev vẫn thiếu một đòn bẩy chiến lược nhằm đạt được những mục tiêu cốt lõi: khôi phục nguyên trạng lãnh thổ trước năm 1991 (bao gồm bán đảo Crimea) và trở thành thành viên chính thức của NATO với các đảm bảo an ninh vững chắc. Trái ngược với người tiền nhiệm Joe Biden, ông Trump thẳng thừng tuyên bố những mục tiêu đó là không thực tế.
Tổng thống Trump cũng yêu cầu Kiev cho phép Mỹ tiếp cận các mỏ đất hiếm của Ukraine như một hình thức "đền đáp" cho sự hỗ trợ của nước này kể từ đầu xung đột. Điều này đã đặt nhà lãnh đạo Kiev Zelensky vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: hoặc chấp nhận nhượng bộ cả Washington và Moscow để đổi lấy hòa bình, hoặc tiếp tục sa lầy trong cuộc chiến tiêu hao với hy vọng mong manh về một "chiến thắng toàn diện".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Châu Âu, vốn từng là bên cổ vũ nhiệt thành cho giải pháp hòa bình, giờ đây dường như cũng không mặn mà hơn Ukraine trong việc tiến tới một thỏa thuận. Các nhà lãnh đạo EU đang phải đối mặt với thách thức tăng chi tiêu quốc phòng nhằm nâng cao cơ chế tự phòng thủ trước viễn cảnh Mỹ “rút chân” khỏi khu vực. Đó là chưa kể trong nội bộ nhiều nước châu Âu vẫn tồn tại những bất đồng chưa thể giải quyết về cách thức tiếp cận cuộc chiến ở Ukraine.
Trong khi đó, Nga không có gì để mất nếu xung đột kết thúc vào thời điểm này, khi Moscow đang giữ nhiều ưu thế trên chiến trường lẫn trong mối quan hệ với Washington. Mỹ đang xem xét khả năng nới lỏng trừng phạt với Nga, để ngỏ khả năng mời Điện Kremlin trở lại nhóm G7 – diễn đàn của 7 nền công nghiệp tiên tiến, trong khi Nga vẫn nắm quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng của Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin chưa vội đồng ý hoàn toàn với những gì Mỹ đưa ra về Ukraine. Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Nga là cố vấn FSB Sergey Beseda hay Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Grigory Karasin đều nhận định rằng tiến trình hòa đàm vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, dù các cuộc gặp song phương, tiêu biểu là các hội nghị ở Riyadh vào tháng 2/2025 và tháng 3/2025, vẫn được đánh giá là những dấu mốc ngoại giao quan trọng.
Kế hoạch của Nga
Theo nhà báo Nina Khrushcheva, một phần nguyên nhân khiến Nga vẫn lưỡng lự là do Ukraine và EU đều bị gạt ra ngoài bàn đàm phán. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, ông Putin vẫn đang thăm dò xem giới hạn cuối cùng của ông Trump là gì. Trong khuôn khổ một thỏa thuận an ninh hàng hải mới ở Biển Đen, Nga đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với các nhà xuất khẩu nông sản và một số ngân hàng quốc doanh, bao gồm cả Rosselkhozbank. Chỉ khi những điều kiện này được đáp ứng và Điện Kremlin cảm nhận rõ mức độ nhượng bộ của Nhà Trắng, Nga mới có thể tiến gần đến một lệnh ngừng bắn với Ukraine.
Để chuẩn bị tương lai nay, Nga đang tiến hành các bước đi mang tính chiến lược. Gần đây, Điện Kremlin đã bổ nhiệm ông Kirill Dmitriev – cựu Giám đốc Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs và là người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, làm đặc phái viên thương mại ở Mỹ. Không chỉ ngợi ca ông Trump vì đã "ngăn chặn Thế chiến III", ông Dmitriev còn vẽ ra một viễn cảnh hợp tác kinh tế hấp dẫn: từ việc Mỹ được tiếp cận khoáng sản đất hiếm và tài nguyên Bắc Cực của Nga đến các thương vụ hợp tác chung trên sao Hỏa và Mặt trăng.
Bên cạnh đó, theo ông Neil Melvin, Giám đốc an ninh quốc tế tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (Rusi), Điện Kremlin cũng có thể chủ động đưa ra đề xuất hỗ trợ Washington trong các vấn đề phức tạp như việc tháo gỡ “nút thắt” hạt nhân ở Iran.
Dù không có chi tiết cụ thể nào được công bố, ông Dmitriev khẳng định hai bên đã đạt được "ba bước tiến" trong việc cải thiện quan hệ. Nói cách khác, ông tin rằng chính quyền Trump đang bị hấp dẫn bởi các cơ hội đầu tư tại Nga và sẵn sàng gạt bỏ những rào cản do cuộc xung đột hiện nay gây ra. Chỉ vài ngày sau, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đã tới Saint Petersburg để gặp ông Dmitriev và sau đó là hội đàm với ông Putin về vấn đề Ukraine.
Kế hoạch của Điện Kremlin dường như đã đi đúng hướng. Xuất thân là một doanh nhân, người đứng đầu Nhà Trắng thường xuyên bày tỏ sự hứng thú với những thỏa thuận kinh doanh có lợi cho nước Mỹ. Bà Nina Khrushcheva kể lại rằng, trong một cuộc trò chuyện tình cờ vào năm 1996, ông Trump từng đề cập đến mong muốn đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tới Nga và xây dựng một Tháp Trump ngay tại thủ đô Moscow.
Sự kiên nhẫn của Mỹ đến giới hạn?
“Có một nguy cơ đáng lưu ý rằng Nga đang tìm cách đề xuất với Mỹ những ‘lợi ích chiến lược’ trong quan hệ song phương rộng lớn hơn. Nếu ông Putin chủ động đặt lên bàn một gói thỏa thuận mang tính toàn diện – trong đó Ukraine chỉ đóng vai trò thứ yếu, với kỳ vọng rằng Mỹ sẽ âm thầm từ bỏ cam kết với Kiev, thì đó là một rủi ro mà chúng ta cần đặc biệt cảnh giác trong giai đoạn đàm phán hiện nay”, ông Neil Melvin nhận định.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt. Ảnh: Reuters
“Luôn tồn tại khả năng Nga sẽ tự định vị mình như một đối tác ngang hàng với Mỹ trong trật tự toàn cầu và Ukraine sẽ bị gạt sang một bên như một phần phụ trong một cuộc mặc cả địa chính trị lớn hơn”, ông Melvin nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Melvin, việc Nga đến thời điểm này vẫn chưa đạt được các mục tiêu ban đầu đã làm nảy sinh các dấu hiệu cho thấy “cán cân đang bắt đầu chuyển dịch, dù còn dè dặt, về phía ủng hộ Ukraine”.
Dù vậy, vấn đề quan trọng trước mắt là thời gian không còn đứng về phía cả hai bên tham chiến. Nhà Trắng ngày 1/4 cho biết Tổng thống Donald Trump đang mất kiên nhẫn với cả Nga lẫn Ukraine trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy ông Trump đang “đổi giọng” với Nga, sau một thời gian dài Mỹ tìm cách “hâm nóng” trở lại mối quan hệ với Moscow.
“Tổng thống Trump thất vọng với lãnh đạo của cả 2 bên. Ông ấy muốn chấm dứt cuộc xung đột này khi nó đã diễn ra quá lâu và rất nhiều người thiệt mạng. Đội ngũ của chúng tôi tiếp tục tiếp xúc với cả phía Nga và Ukraine và Tổng thống Trump ngày nào cũng quan tâm tới chủ đề này", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói.
Ông chủ Nhà Trắng ngày 13/4 nhấn mạnh rằng, tiến trình đàm phán có thể nhanh chóng đi đến điểm kết nếu các bên “ngừng nói suông và bắt đầu hành động”. Bình luận được ông Trump đưa ra chỉ một ngày sau khi ông tỏ ra thất vọng với Nga và thúc giục nước này nhanh chóng "có bước tiến mới" hướng tới một thỏa thuận hòa bình.
Diệp Thảo/VOV.VN (Tổng hợp) Theo The Kiev Independent, RT
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-sot-ruot-khi-nga-ukraine-va-eu-chua-san-sang-xuong-thang-post1192776.vov