Ông Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử năm 2024, trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. (Nguồn: Newsnation)
Mạnh tay áp thuế
Mỹ là một cường quốc công nghệ, chi nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác cho nghiên cứu và phát triển. Trong 5 năm qua, nước Mỹ cũng giành được nhiều giải Nobel hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Những phát minh và thành công kinh tế của Mỹ khiến cả thế giới phải ghen tị. Nhưng phần còn lại của thế giới cần phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh phụ thuộc quá nhiều vào quốc gia này.
Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng thuyết phục. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính tới 14h40 do trang 270 to Win cập nhật, ông Trump đã giành 280 phiếu đại cử tri, vượt mức tối thiểu cần thiết - 270 phiếu theo luật định và qua đó, đánh bại ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump thực sự là một chính sách lưỡng đảng. Ít nhất là kể từ chính sách độc lập về năng lượng của cựu Tổng thống Barack Obama, Washington đã tập trung vào vấn đề trong nước là duy trì quyền uy tối cao về công nghệ trong khi chấm dứt việc chuyển các công việc liên quan tới ngành công nghiệp ra nước ngoài.
Một trong những lựa chọn chính mà ông Trump đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình là chấp nhận việc người tiêu dùng Mỹ phải trả mức giá cao hơn để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước bằng cách áp dụng mức thuế quan cao đối với hầu hết mọi đối tác thương mại.
Ví dụ, chính sách thuế quan năm 2018 của Tổng thống Trump áp với máy giặt nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới đã khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm 12% khi mua những sản phẩm này.
Tổng thống Joe Biden sau đó đã tăng một số mức thuế của người tiền nhiệm, như lên đến 100% đối với xe điện, 50% đối với pin mặt trời và 25% đối với pin nhập từ Trung Quốc.
Vào thời điểm khẩn cấp về khí hậu, đây là một lựa chọn rõ ràng để làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm bảo vệ ngành sản xuất của nước Mỹ.
Trong khi ông Biden ký một thỏa thuận “ngừng bắn” với châu Âu trong cuộc chiến thuế quan, thì họ lại bắt đầu một cuộc so găng có lẽ còn gây thiệt hại hơn bằng cách phát động chạy đua trợ cấp.
Ví dụ, Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ trợ cấp 369 tỷ USD cho các lĩnh vực như xe điện hoặc năng lượng tái tạo. Đạo luật Chips đã cam kết chi 52 tỷ USD để trợ cấp cho việc sản xuất chất bán dẫn và chip máy tính.
Thế giới đơn độc và Mỹ sẽ không đến cứu?
Chính sách công nghiệp của chính phủ Mỹ có thể hướng nội, nhưng nó có hậu quả rõ ràng đối với phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc, sau nhiều thập niên tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, giờ đây phải giải quyết các vấn đề lớn về tình trạng dư thừa công suất. Quốc gia này hiện đang cố gắng khuyến khích tiêu dùng trong nước nhiều hơn và đa dạng hóa các đối tác thương mại.
Trong khi đó, châu Âu, mặc dù có hạn chế về ngân sách, vẫn chi rất nhiều tiền vào cuộc đua trợ cấp. Đức, quốc gia đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm và nhiều nghi ngờ về mô hình phát triển ngành công nghiệp, cam kết sẽ hỗ trợ tương đương các khoản trợ cấp của Mỹ, chẳng hạn như cấp 900 triệu Euro cho nhà sản xuất pin Northvolt của Thụy Điển để tiếp tục sản xuất tại quốc gia Tây Âu.
Tất cả các khoản trợ cấp đó được cho là đang gây tổn hại đến nền kinh tế thế giới và có thể dễ dàng tài trợ cho các nhu cầu cấp thiết như điện khí hóa toàn bộ lục địa châu Phi bằng các tấm pin mặt trời. Trong khi đó, Trung Quốc đã thay thế Mỹ và châu Âu trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi, theo đuổi lợi ích của riêng mình đối với tài nguyên thiên nhiên.
Nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump có thể là cơ hội để sửa chữa các ý tưởng.
Ví dụ, người ta có thể lập luận rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó, có thể đã được tránh được nếu chính quyền ông Biden có động thái nào đó với cả hai phía Moscow và Kiev.
Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận thực tế rằng, vấn đề chiến lược là châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga, điều mà ông Trump đã từng cảnh báo rõ ràng với Đức trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Nhà Trắng.
Có một con đường rõ ràng phía trước: Châu Âu có thể giúp Trung Quốc giải quyết các vấn đề về công suất dư thừa bằng cách đàm phán chấm dứt cuộc chiến thuế quan đối với tấm pim mặt trời và ô tô điện của quốc gia Đông Bắc Á.
Đổi lại, châu Âu sẽ giành lại một số chủ quyền bằng cách tự sản xuất nhiều năng lượng sạch hơn thay vì nhập khẩu lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) kỷ lục từ Mỹ. Lục địa già cũng có thể học được một vài điều từ việc liên kết sản xuất với các công ty Trung Quốc và Bắc Kinh có thể sử dụng đòn bẩy to lớn của mình đối với Nga để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Trung Quốc đã thay thế Mỹ và châu Âu trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi. (Nguồn: Getty Images)
Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực mà mình làm tốt nhất: ký kết các thỏa thuận thương mại và sử dụng chúng như một cách để giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới.
Vấn đề này không chỉ liên quan đến châu Âu và Trung Quốc. Sau nhiều thập niên liên tục cải thiện mọi mặt chính của đời sống người dân, thế giới đang “cài số lùi”.
Số người phải đối mặt với nạn đói đang gia tăng, có nguy cơ trở lại mức độ của năm 2008-2009. Chiến tranh đang hoành hành ở Gaza, Sudan, Syria và Lebanon. Thế giới chưa từng chứng kiến nhiều thương vong dân sự như vậy kể từ năm 2010.
Dù bất cứ điều gì xảy ra, chính quyền ông Trump cũng khó có thể đảo ngược chính sách “can thiệp ít hơn” của nước Washington. Chính quyền này cũng khó có thể dẫn đầu bất kỳ sáng kiến lớn nào về hòa bình, biến đổi khí hậu hay tự do hóa thương mại. Thế giới đơn độc và Mỹ sẽ không đến cứu.
Không ai biết điều gì sẽ xảy ra với nước Mỹ. Có thể sự trở lại của ông Trump chủ yếu sẽ là sự tiếp nối của 10 năm qua. Có thể thuế quan, cấm vận hoặc từ bỏ các thể chế sẽ khiến nền kinh tế này trở nên kém liên quan hơn tới phần còn lại. Nhưng đây là điều mà người Mỹ đã lựa chọn và phần còn lại của thế giới chỉ đơn giản là phải sống chung với nó.
Trong thời gian chờ đợi, điều duy nhất mà thế giới có thể làm là học cách làm việc cùng nhau tốt hơn mà không trở nên quá phụ thuộc vào nhau.
(theo The Conversation)
Hải An