Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One ngày 4/7, Tổng thống Trump cho biết, ông đã thảo luận với Tổng thống Nga Putin về khả năng áp đặt thêm biện pháp trừng phạt đối với Moscow trong cuộc điện đàm diễn ra một ngày trước đó.
Người đứng đầu Nhà Trắng thừa nhận rằng Moscow đã ứng phó hiệu quả trước các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có của phương Tây, đồng thời gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin là “một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp” trong cách xử lý các áp lực từ bên ngoài.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại họp báo ở Nhà Trắng hôm 13/2/2025. Ảnh: Xinhua
“Tôi cho rằng Tổng thống Putin không hài lòng với những biện pháp hiện tại, song nhà lãnh đạo Nga đã xử lý sức ép từ các lệnh cấm vận. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này thực sự rất nghiêm ngặt,” ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ cho biết ông Putin nhận thức rõ khả năng Washington sẽ tiếp tục gia tăng sức ép trong thời gian tới. “Ông ấy là một người chuyên nghiệp. Có thể điều đó sẽ xảy ra”, Tổng thống Trump nhận định.
Theo Cố vấn Điện Kremlin Yury Ushakov, cuộc điện đàm kéo dài khoảng một giờ giữa ông Putin và Tổng thống Trump ngày 3/7 đã đề cập đến nhiều vấn đề, bao gồm xung đột Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông và triển vọng hợp tác Nga - Mỹ.
Ông Ushakov cho biết ông Trump đã bày tỏ mong muốn các hành động thù địch sớm chấm dứt. Phía Moscow khẳng định sẵn sàng theo đuổi giải pháp chính trị, nhưng đồng thời nhấn mạnh sẽ không từ bỏ những mục tiêu chiến lược, trong đó có việc giải quyết các nguyên nhân cốt lõi dẫn tới xung đột. Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Trump bày tỏ “không hài lòng” trước tiến trình hòa bình đang chững lại.
Trong diễn biến liên quan, các nhà lập pháp Mỹ gần đây đã trình lên Quốc hội một dự luật nhằm áp mức thuế 500% đối với hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia vẫn tiếp tục mua dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng của Nga.
Dự luật do Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề xuất và nhận được sự ủng hộ từ ít nhất 81 thượng nghị sĩ khác. Ngoài ra, văn kiện này cũng đề xuất mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm cả các khoản nợ công.
Dự luật này được đề xuất lần đầu vào tháng 3, nhưng việc đưa ra Thượng viện bỏ phiếu bị trì hoãn do Nhà Trắng phản đối việc gia tăng áp lực trừng phạt với Nga vào thời điểm đó. Theo kế hoạch, văn kiện này sẽ được trình lên Thượng viện Mỹ vào tháng 8 tới.
Theo tờ Politico, Đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff đang thúc đẩy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt năng lượng của Mỹ đối với Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum lại kêu gọi một chiến lược cứng rắn hơn – đẩy Moscow ra khỏi thị trường toàn cầu để thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ.
Sự bất đồng này phản ánh những căng thẳng ngày càng tăng trong đội ngũ của ông Trump, trong bối cảnh tin đồn về khả năng thiết lập lại quan hệ năng lượng Mỹ-Nga, liên quan đến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) và sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ.
Tờ Politico cũng lưu ý rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã vướng vào những cuộc tranh luận nội bộ ngày càng gay gắt về lập trường tương lai đối với Nga, được thúc đẩy bởi các báo cáo về khả năng nối lại hợp tác năng lượng.
Moscow được cho là đang đàm phán với Washington để khởi động lại đường ống khí đốt Nord Stream với sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ, điều này đang gây ra sự lo ngại ở Brussels.
Một quan chức Liên minh châu Âu giấu tên tiết lộ rằng cả ông Trump và Putin dường như muốn chia cắt thị trường năng lượng châu Âu và thiết lập các phạm vi ảnh hưởng.
Từ năm 2014, Mỹ đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi khủng hoảng Ukraine bùng phát. Kể từ bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2/2022, các biện pháp trừng phạt đã được mở rộng mạnh mẽ, bao gồm các lĩnh vực tài chính, năng lượng và đóng băng tài sản.
Giới chức Nga nhiều lần lên tiếng phản đối các biện pháp này, chỉ trích là “bất hợp pháp theo luật quốc tế” và nhấn mạnh nền kinh tế Nga đã thể hiện được khả năng thích ứng, trong đó có việc tăng cường sản xuất nội địa và thay thế nhập khẩu.
Nguyễn Phương