Theo các báo cáo, cách tiếp cận của ông Trump có thể bao gồm việc đưa ra một đề nghị táo bạo và gây tranh cãi như ngăn chặn nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine và cho phép Nga duy trì quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ của Ukraine. Đổi lại, ông sẽ tìm cách để Nga rút khỏi các vùng tranh chấp khác.
Chiến lược tiềm năng này đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích, đặt ra những câu hỏi quan trọng về tương lai của Ukraine và tính toán chính trị của Nga, cũng như rộng hơn là sự cân bằng của an ninh toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Anadolu, ông Sergey Markov - Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị Nga có trụ sở tại Moscow, đồng thời là cựu cố vấn cho Tổng thống Vladimir Putin đã phác thảo những gì ông coi là các điều kiện không thể thương lượng của Nga đối với hòa bình.
"Trước hết, sẽ không có chuyện quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ Nga", ông Markov khẳng định. Theo ông: "Có khả năng quân đội Nga sẽ rút khỏi một số khu vực của Kharkov, Sumy và Mykolaiv - những nơi mà họ kiểm soát một phần, nhưng việc rút khỏi Donetsk. Lugansk, Zaporizhzhia, Kherson và Crimea là hoàn toàn không thể”.
Ông Markov cũng cho rằng Ukraine sẽ cần phải rút quân khỏi các khu vực Kherson và Zaporizhzhia – những vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố chủ quyền nhưng chưa kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, ông thừa nhận một số khía cạnh có thể đàm phán được.
“Theo quan điểm của tôi, khía cạnh này có thể đàm phán được, xét đến nguyên tắc của Tổng thống Putin là "xem xét đến các thực tế trên thực địa". Nói cách khác, vị thế của quân đội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bất kỳ thỏa thuận nào", ông Markov giải thích.
Các yêu cầu chính của Nga: Trung lập và phi quân sự hóa
Một trụ cột cốt lõi trong các yêu cầu của Nga là Ukraine phải chính thức thông qua tình trạng trung lập vĩnh viễn - một lập trường chứng kiến sự chấp nhận hạn chế của phương Tây.
"Phương Tây đã ra tín hiệu sẵn sàng hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine nhưng điều này không đáp ứng được kỳ vọng của Nga", ông Markov nói. Ông cho biết: "Nga nhấn mạnh vào việc đưa tình trạng trung lập vào Hiến pháp Ukraine và chính thức hóa nó thông qua các thỏa thuận với các bên quốc tế chủ chốt. Cách tiếp cận này tương tự như "mô hình Áo", theo đó, Áo đã tuyên bố trung lập sau Thế chiến II".
Một yêu cầu quan trọng khác là phi quân sự hóa Ukraine. Ông Markov giải thích thêm rằng điều này sẽ bao gồm các hạn chế nghiêm ngặt về số lượng và lực lượng quân sự cũng như loại vũ khí mà Ukraine sở hữu, cùng với các lệnh hạn chế về khoảng cách mà chúng có thể được triển khai so với biên giới Nga.
"Chẳng hạn, nếu các hệ thống tên lửa phóng loạt có tầm bắn 50km thì chúng phải được bố trí cách biên giới ít nhất 60km. Tương tự vậy, các tên lửa có tầm bắn 200km không được bố trí cách biên giới gần hơn 250km", ông Markov cho hay.
Để thực hiện các biện pháp này, ông Markov nhấn mạnh nhu cầu giám sát quốc tế, bao gồm cả các cuộc thanh tra với sự tham gia của các quan chức quân sự Nga.
"Nguyên tắc phi quân sự hóa này cũng có thể mở rộng sang cam kết của các nước NATO về việc không cung cấp vũ khí cho Ukraine trong khi các thiết bị đã được chuyển giao thậm chí có thể cần phải rút lại", ông nói. Tuy nhiên, ông Markov thừa nhận, yêu cầu này có thể sẽ đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ.
"Mặc dù phương Tây có phần chấp nhận tình trạng trung lập của Ukraine và công nhận một số vùng lãnh thổ là một phần của Nga nhưng họ hoàn toàn không chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu phi quân sự hóa. Viễn cảnh NATO ngừng mọi nguồn cung vũ khí cho Ukraine sẽ đặc biệt gây tranh cãi".
Các yêu cầu phi quân sự: Phi phát xít hóa và các quyền về ngôn ngữ
Ngoài những lo ngại về quân sự, Nga đang chuẩn bị đưa ra những yêu cầu phi quân sự quan trọng. Một trong số đó là yêu cầu mà Nga gọi là "phi phát xít hóa", theo đó, ông Markov giải thích là sẽ liên quan đến việc phá bỏ những gì Nga coi là sự tôn vinh của Ukraine với những nhân vật trong lịch sử đã hợp tác với Đức Quốc xã. Ông cũng nhấn mạnh đến nhu cầu giải tán và cấm các đơn vị quân đội "công khai trưng bày các biểu tượng của Đức Quốc xã và tuân theo các hệ tư tưởng cực đoan".
Một yêu cầu quan trọng khác liên quan đến việc khôi phục các quyền lợi của tiếng Nga tại Ukraine.
"Tiếng Nga nên được coi là ngôn ngữ chính thức thứ hai với các điều khoản về giáo dục và phương tiện truyền thông bằng tiếng Nga", ông Markov nhận định.
Ngoài ra, theo ông Markov: "Nga muốn các nhóm chính trị ủng hộ quan hệ hữu nghị với Moscow được hoạt động tự do và vấn đề này có thể sẽ được đưa ra bàn đàm phán".
Các yêu cầu quốc tế: Dỡ bỏ lệnh trừng phạt và NATO rút lui
Ông Markov nhấn mạnh, các yêu cầu của Nga không chỉ giới hạn ở Ukraine mà còn mở rộng ra các bên liên quan quốc tế, trong đó việc dỡ bỏ trừng phạt là một yêu cầu quan trọng.
"Mặc dù không chắc những yêu cầu này sẽ được đáp ứng đầy đủ nhưng một số yếu tố, chẳng hạn như lệnh cấm liên lạc hàng không và các biện pháp hạn chế khác, phải được đảo ngược", ông Markov cho hay.
Nga cũng có thể khôi phục lại các yêu cầu ban đầu mà ông Putin đưa ra vào năm 2021, được gọi là "tối hậu thư cho NATO", bao gồm việc giảm sự hiện diện quân sự của NATO xuống mức trước năm 1991 và dừng triển khai tên lửa tầm trung gần biên giới Nga.
Ông cũng nói thêm rằng Moscow cũng có thể yêu cầu NATO rút các lực lượng quân sự được triển khai gần biên giới của mình sau năm 2014, cụ thể hơn là các lực lượng được triển khai sau năm 2022.
"Điều này cũng bao gồm lệnh cấm triển khai tên lửa tầm trung ở khoảng cách có thể nhắm vào lãnh thổ Nga", ông Markov giải thích.
Vai trò của ông Trump và những rào cản pháp lý
Mặc dù ông Trump đã cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ khả năng thực hiện của ông. Nhà phân tích người Nga Andrei Sitov đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thực hiện cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử: "Tôi nghi ngờ việc ông Trump có đủ quyết tâm và nguồn lực để thực hiện mọi cam kết trong chiến dịch tranh cử, bao gồm cả cam kết chấm dứt xung đột ở Ukraine "trong một ngày".
Ông Sitov cho rằng ông Trump có thể coi cuộc xung đột kéo dài này là thất bại của chính quyền trước thay vì là thách thức đối với năng lực cá nhân của ông.
Về sự phức tạp pháp lý của bất kỳ hiệp ước hòa bình nào trong tương lai, ông Markov lập luận rằng thỏa thuận phải được ký bởi "chính quyền hợp pháp" của Ukraine nhưng Nga không công nhận Tổng thống Zelensky như vậy.
"Điều này không phải vì ông Putin không thích ông Zelensky. Đây là vấn đề pháp lý. Nếu ông Zelensky không phải là nguyên thủ quốc gia hợp pháp thì bất kỳ thỏa thuận nào ông ấy ký đều có thể bị Tòa án Hiến pháp Ukraine vô hiệu hóa", ông Markov giải thích.
Nhiệm kỳ 5 năm của ông Zelensky kể từ tháng 3/2019 đã kết thúc vào năm ngoái nhưng Ukraine vẫn chưa tổ chức cuộc bầu cử mới vì xung đột đang diễn ra.
Đầu tháng này, ông Zelensky đã nhắc lại trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng Ukraine sẽ không tổ chức bầu cử trong tình trạng thiết quân luật - được áp dụng từ tháng 2/2022, ngay cả khi Moscow coi đó là điều kiện để đàm phán. Trong trường hợp như vậy, ông Markov đề xuất hiệp ước phải được người đứng đầu Quốc hội Ukraine ký hoặc được xác nhận bằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp khẳng định tính hợp pháp của ông Zelensky.
"Nga không yêu cầu ông Zelensky từ chức. Đây không phải là vấn đề sở thích cá nhân mà là đảm bảo tính lâu dài về mặt pháp lý của thỏa thuận", ông Markov nói. Theo ông, Moscow cũng sẽ tìm kiếm sự công nhận hợp pháp quốc tế đối với "các vùng lãnh thổ mới được sáp nhập" của mình.
Thừa nhận rằng khả năng phương Tây công nhận hoàn toàn là không thể, ông Markov khẳng định rằng Moscow muốn có một thỏa thuận có thể khẳng định tình trạng thực tế của các khu vực này.
Ông giải thích: "Điều này sẽ bao gồm các điều khoản đảm bảo rằng các nước phương Tây không áp dụng hình phạt chính trị hoặc hành chính đối với công dân Nga cư trú tại các khu vực này, đặc biệt là Crimea và Sevastopol”.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Anadolu