Theo hãng thông tấn ANSA, nếu việc rút quân diễn ra, số lượng quân nhân Mỹ ở châu Âu sẽ giảm từ khoảng 100.000 xuống còn 80.000.
Nhiều nguồn tin khác cũng cho biết ông Donald Trump "liên tục" bày tỏ mong muốn giảm quy mô hiện diện quân sự của Mỹ trong những cuộc trò chuyện gần đây với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)
“Đối với những binh sĩ Mỹ còn lại, ông Donald Trump muốn có sự đóng góp tài chính từ các nước châu Âu, vì những người lính này có tác dụng răn đe và chi phí không thể chỉ do người nộp thuế ở Mỹ gánh chịu”, ANSA đưa tin.
Hồi đầu tháng 1, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh quốc gia thành viên NATO ở châu Âu nên chi 5% GDP cho quốc phòng, vượt quá mục tiêu hiện tại là 2%. "Họ có đủ khả năng chi trả", ông Donald Trump nói.
Tổng thống Mỹ cũng cho rằng Brussels "ngang hàng" với Washington khi nói đến sự hỗ trợ mà nước này dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Ngoài ra, ông Donald Trump còn cam kết áp thuế đối với khối này, do thặng dư thương mại với Mỹ. "EU rất tệ đối với chúng tôi", nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố.
Hôm 20/1, sau khi tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp.
Các sắc lệnh tập trung vào những vấn đề “nóng” trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vừa qua của ông Trump như nhập cư, thuế quan, công nghệ và khai thác dầu mỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết thêm ông cũng có thể áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga nếu Tổng thống Nga từ chối đàm phán về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, ông Donald Trump không đưa ra thông tin chi tiết về những biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ áp dụng.
Chính quyền ông Donald Trump đang xem xét vấn đề gửi vũ khí cho Ukraine. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Liên minh châu Âu nên hành động nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm ông từng gây sức ép với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để kêu gọi can thiệp nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Kông Anh (Nguồn: RT)