Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 16-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vừa trực tiếp đàm phán về thuế đối ứng với phái đoàn thương mại Nhật tại Washington DC trong cùng ngày, hãng Boomberg đưa tin.
“Vinh dự lớn khi vừa gặp phái đoàn thương mại Nhật. Đó là một tiến triển lớn!” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, song không cung cấp chi tiết về cuộc trao đổi.
Tham gia đàm phán với phái đoàn Nhật còn có Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, cùng nhiều quan chức khác.
Ông Ryosei Akazawa - người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Nhật về chuyện thuế đối ứng với Mỹ. Ảnh: KYODO NEWS
Dẫn đầu phái đoàn Nhật là ông Ryosei Akazawa, đồng minh của Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba. Ông Akazawa mới được bổ nhiệm vào nội các Nhật cuối năm ngoái với vai trò Bộ trưởng phục hồi kinh tế.
Theo các nguồn tin am hiểu công tác chuẩn bị của Tokyo, phía Nhật không nghĩ rằng Tổng thống Trump tham gia vào cuộc đàm phán. Phía Nhật chỉ coi chuyến đi Mỹ lần này là nhiệm vụ khảo sát sơ bộ và chỉ kỳ vọng giới hạn nội dung trao đổi ở phạm vi thương mại và đầu tư.
Sau cuộc gặp, ông Akazawa không tiết lộ nhiều chi tiết, chỉ cho biết hai bên không đưa vấn đề tỉ giá hối đoái – lĩnh vực mà ông Trump từng cáo buộc Nhật thao túng nhằm tạo lợi thế thương mại – vào chương trình nghị sự. Ông Akazawa không bình luận cụ thể về nội dung đàm phán nhưng nhấn mạnh rằng ông đã đề nghị Mỹ hủy bỏ các mức thuế đối với Nhật.
Hai bên đã thống nhất tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào cuối tháng 4. Theo ông Akazawa, trong cuộc gặp, Tổng thống Trump khẳng định việc đạt được thỏa thuận với Nhật là “ưu tiên hàng đầu”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói rằng việc Nhật đi đầu đàm phán là lợi thế, trong bối cảnh hơn 75 quốc gia đã đề nghị đối thoại sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng hôm 2-4.
Ông Bessent hy vọng đạt được các thỏa thuận bao trùm về thuế quan, rào cản phi thuế quan và tỉ giá hối đoái, dù phía Nhật đã vận động để tách riêng vấn đề tỉ giá khỏi nội dung đàm phán. Khả năng Nhật đầu tư vào dự án khí đốt trị giá hàng tỉ USD tại bang Alaska cũng có thể được đưa vào chương trình đàm phán, theo ông Bessent.
Mức thuế đối ứng ban đầu Mỹ áp lên hàng xuất khẩu của Nhật sang Mỹ là 24%, song mức này hiện được tạm hoãn trong vòng 90 ngày, trong thời gian này mức thuế đối ứng hàng Nhật phải chịu khi xuất sang Mỹ là 10%. Bên cạnh đó, Nhật phải chịu mức thuế 25% đối với ô tô - mặt hàng trụ cột của nền kinh tế Nhật vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Theo giới quan sát, việc Nhật là một trong những quốc gia đầu tiên chính thức khởi động đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng được xem là phép thử sớm để đánh giá liệu Washington có nhượng bộ hay nhượng bộ mức nào về vấn đề này.
DƯƠNG KHANG