Ngay từ nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên (2017-2021), ông Donald Trump đã gây sức ép lên các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Giờ đây, ngay trước khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, nhà lãnh đạo này tiếp tục thúc đẩy vấn đề trên, tạo áp lực đáng kể cho các nước NATO ở châu Âu.
“5%, không phải 2%”
Ngày 7-1, tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi được quốc hội Mỹ chứng nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2024, vị tổng thống đắc cử đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn về loạt vấn đề đối ngoại. Trong đó, đáng chú ý là việc ông Trump yêu cầu các nước thành viên NATO chi 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.
“Tôi nghĩ mức chi tiêu trong NATO nên là 5%. Mỗi quốc gia với một quân đội thông thường sẽ ở mức 4%. Tôi nghĩ họ nên ở mức 5%, không phải 2%. Điều đó hoàn toàn hợp lý” - ông Trump nói, nhắc lại rằng chính ông đã buộc các thành viên NATO đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng bằng 2% GDP trong nhiệm kỳ trước của ông.
“Châu Âu chỉ đóng góp một phần nhỏ so với số tiền mà chúng tôi phải chi. Chúng ta có một đại dương ngăn cách, đúng không? Tại sao chúng tôi phải bỏ ra nhiều hơn hàng tỉ USD so với châu Âu?” - ông Trump bày tỏ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tổ chức họp báo tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida (Mỹ) ngày 7-1. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Tại một sự kiện vận động tranh cử vào tháng 2-2024, ông Trump đã gây ra một làn sóng phản đối khi tiết lộ rằng ông đã nói với lãnh đạo một nước NATO rằng nếu một quốc gia thành viên NATO không trả “hóa đơn”, ông sẽ “khuyến khích” Nga “muốn làm gì thì làm”.
Trong cuộc họp báo vừa qua, ông Trump đã nhắc lại câu chuyện trên, nói thêm rằng nhà lãnh đạo mà ông đề cập là một “thủ tướng”. “Họ không thanh toán hóa đơn. Tôi đã nói: ‘Chúng tôi sẽ không bảo vệ các bạn vì các bạn không trả tiền’” - ông Trump kể lại.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã thể hiện rõ sự không hài lòng khi cho rằng Washington đang bị các đồng minh NATO “lợi dụng” và cam kết buộc châu Âu phải gánh phần trách nhiệm công bằng hơn.
Theo các chuyên gia, những tuyên bố của ông Trump khi đó đã gây chấn động các đồng minh NATO theo cách mà ngay cả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 cũng không thể so sánh.
“Không ai hiểu NATO hơn tôi. Bạn biết đấy, ngay từ những ngày đầu, dù chưa biết nhiều về NATO, tôi vẫn đưa ra những quyết định đúng đắn” - ông Trump nói tại cuộc họp báo.
Một quan điểm khác mà ông Trump đưa ra trong cuộc họp báo ngày 7-1 cũng làm các nước NATO quan ngại, đó là việc vị tổng thống đắc cử nói rằng ông thông cảm với lập trường của Nga liên quan việc Ukraine không nên là một phần của NATO.
“Nga từ rất nhiều năm về trước, rất lâu trước thời của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin, đã cảnh báo rằng đừng để NATO dính líu đến Ukraine. Nhưng ở đâu đó trên đường đi, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Ukraine có thể gia nhập NATO. Vâng, khi đó Nga có ‘ai đó’ ngay trước cửa nhà họ và tôi có thể hiểu cảm giác của họ” - ông Trump nói thêm.
Liệu NATO có thể đáp ứng yêu cầu của ông Trump?
Các thành viên NATO không lập tức bình luận phát ngôn mới nhất của ông Trump, tuy nhiên khả năng để các nước NATO ở châu Âu đáp ứng kỳ vọng của ông Trump về mức chi tiêu quốc phòng 5% dường như không thể.
Theo hãng tin Bloomberg, hiện không có thành viên nào của NATO chi 5% GDP cho quốc phòng, kể cả Mỹ. Có sự khác biệt lớn giữa chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO. Mỹ đóng góp 3,4% GDP và khoảng 16% ngân sách hàng năm của khối. Ba Lan đứng đầu, đóng góp 4,1% GDP và Warsaw hồi năm ngoái đã cam kết chi kỷ lục 186,6 tỉ zloty (45 tỉ USD) cho quốc phòng. Trong khi đó, Đức - quốc gia cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất của Liên minh châu Âu cho Ukraine - chỉ chi 2,1% GDP, tương đương 72 tỉ euro (75 tỉ USD) cho quốc phòng.
Vào năm 2014, các thành viên NATO đã tái cam kết với nguyên tắc 2% sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều không đáp ứng được nguyên tắc đó. Đến năm 2024, NATO đã đạt được một cột mốc khi 23/32 thành viên dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu 2%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các nước NATO tại Thượng đỉnh NATO 2018 ở thủ đô Brussels (Bỉ). Ảnh: GETTY IMAGES
Trong bối cảnh hiện tại khi thế giới đứng trước nhiều cuộc khủng hoảng và xung đột, NATO có mong muốn tăng chi tiêu quốc phòng. Tháng trước, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đưa ra lời kêu gọi các đồng minh quay trở lại “tư duy chiến tranh” và “tăng tốc” chi tiêu quốc phòng.
Ông Rutte nói rằng động thái này nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng, nhưng giới quan sát nhận định đây cũng là phản ứng phòng ngừa trước những yêu cầu dự kiến của chính quyền sắp tới ở Mỹ.
“Đến năm 2023, các đồng minh NATO đã đồng ý đầu tư ít nhất 2% cho quốc phòng. Tôi muốn nói rằng chúng ta sẽ cần nhiều hơn 2%. Nếu chúng ta không cùng nhau chi tiêu nhiều hơn ngay bây giờ để ngăn chặn chiến tranh, chúng ta sẽ phải trả giá cao hơn rất, rất nhiều để chống lại chiến tranh” - ông Rutte nói tại cuộc họp báo ngày 12-12-2024.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng dù các nước NATO có mong muốn tăng chi tiêu quốc phòng, việc đạt được mục tiêu này cũng không hề dễ dàng. Hiện châu Âu phải đứng trước sự lựa chọn: ưu tiên tăng trưởng kinh tế, xây dựng bệnh viện và nhà ở mới,...hay ưu tiên quốc phòng. Lựa chọn này tương đương với việc chọn đáp ứng nhu cầu của người dân hay chọn ngăn chặn nguy cơ bị Mỹ bỏ rơi.
Theo ông Marcus Faber - người đứng đầu ủy ban quốc phòng tại quốc hội Đức, các quốc gia NATO sẽ phải thống nhất về một mục tiêu mới. Tuy nhiên, ông Fabe lưu ý rằng mục tiêu mới chỉ có thể là 3% chứ không thể là 5%. “Và tất nhiên, vấn đề này sẽ được quyết định và nhất trí thông qua sự đồng thuận chứ không do một quốc gia quyết định” - ông Faber nói với Bloomberg.
Các nước phản ứng việc ông Trump đòi sáp nhập Canada, Greenland và kiểm soát kênh đào Panama
Tại cuộc họp báo ngày 7-1, ông Trump nhắc lại ý định sáp nhập Canada vào Mỹ, mua lại đảo Greenland của Đan Mạch và đòi lại quyền kiểm soát kênh đào Panama - những quan điểm đang gây tranh cãi.
Bình luận việc ông Trump muốn sáp nhập Canada vào Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói: “Không có một cơ hội nào cho phép Canada trở thành một phần của Mỹ. Người lao động và cộng đồng ở cả hai nước đều được hưởng lợi khi trở thành đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Panama - ông Javier Martínez-Acha khẳng định chủ quyền của Panama đối với Kênh đào Panama.
“Kênh đào của chúng tôi có sứ mệnh phục vụ nhân loại và thương mại. Đó là một trong những giá trị lớn mà chúng tôi mang lại cho thế giới: Đảm bảo cộng đồng quốc tế không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào. Những bàn tay duy nhất kiểm soát kênh đào là người Panama” - CNN dẫn lời ông Martínez-Acha.
Nghị sĩ Đan Mạch Aaja Chemnitz, đến từ Greenland, bác bỏ quan điểm rằng người dân Greenland theo phong trào MAGA (“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”).
“Tôi nghĩ rằng phần lớn người dân Greenland thực sự khá khó chịu khi có quá nhiều sự tập trung vào Greenland và rằng Mỹ thể hiện sự thiếu tôn trọng khi muốn mua Greenland hoặc kiểm soát Greenland. Đó không phải là điều mà người dân Greenland mong muốn” - bà Chemnitz nhấn mạnh.
THẢO VY