Ông Trump vừa nóng vừa lạnh với Trung Quốc, Ấn Độ

Ông Trump vừa nóng vừa lạnh với Trung Quốc, Ấn Độ
một ngày trướcBài gốc
Cách tiếp cận vừa nóng vừa lạnh
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã “dấn thân” vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Vào tháng 11/2024, Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ tăng mạnh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc, bắt đầu từ ngày đầu tiên ông nhậm chức. Ông Trump cho biết hàng hóa Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn - tăng 10% so với mọi mức thuế quan hiện hành.
Điều này có thể mang lại lợi thế cho Ấn Độ. "Nhiều công ty có nhà máy và văn phòng tại Trung Quốc, chịu ảnh hưởng bởi mức thuế quan cao hơn sẽ có xu hướng đa dạng hóa chuỗi sản xuất của họ sang Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc", Giám đốc viện nghiên cứu Observer Research Foundation (ORF) tại Ấn Độ - ông Nilanjan Ghosh phân tích với tờ India Today. Ngoài ra, chuyên gia địa chính trị Farid Zakaria cho biết ông tin rằng chính quyền Trump 2.0 sẽ là "cơ hội vàng" để Ấn Độ chấm dứt tình trạng độc quyền sản xuất của Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Trump từng ca ngợi Thủ tướng Narendra Modi là "người đàn ông tốt", nhưng ông cũng đã đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng hóa Ấn Độ. Phát biểu với các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào tháng 12/2024, Tổng thống đắc cử Trump chỉ trích mức thuế cao của Ấn Độ, trong đó có việc đánh thuế 100% đối với một số sản phẩm của Mỹ, và cảnh báo về trả đũa nếu hành vi này vẫn tiếp diễn. "Tôi luôn nói rằng, nếu họ đánh thuế chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh thuế họ cùng một mức", ông Trump nhận xét, ám chỉ lập trường cứng rắn hơn đối với Ấn Độ.
Khi ngày tuyên thệ nhậm chức 20/1 đang đến gần, ông Trump dường như đã dịu giọng hơn đôi phần về Trung Quốc, quốc gia vốn đóng vai trò quan trọng trong lợi ích kinh doanh của tỷ phú Elon Musk. Tỷ phú Musk được cho có tiềm năng gây ảnh hưởng đến chính sách liên quan đến Bắc Kinh trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Trump. Vào tháng 11/2024, ông Trump tuyên bố sẽ thành lập một bộ mới có tên là Bộ Hiệu quả Chính phủ, nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của chính phủ trong nhiệm kỳ thứ hai. Tỷ phú Elon Musk và cựu ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy sẽ lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ.
Kênh CNBC (Mỹ) đưa tin, bản thân tỷ phú Musk cũng hợp tác nhiều với các quan chức cấp cao ở Trung Quốc, nơi Tesla trở thành nhà sản xuất ô tô hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài đầu tiên ở quốc gia tỷ dân vào năm 2018. Trong chuyến thăm vào tháng 4/2024, CEO Tesla và SpaceX đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ông Lý Cường đề cập Tesla là ví dụ về hợp tác thương mại thành công giữa Bắc Kinh và Washington.
Vào tháng 11/2024, ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump cho biết sẽ "cứu" mạng xã hội TikTok do Trung Quốc sở hữu. Chính ông từng tìm cách cấm TikTok tại Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Trump đã gửi lời mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự lễ nhậm chức của ông. Bắc Kinh không chấp nhận cũng không công khai từ chối lời mời. Một số nhà phân tích cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình khó có thể xuất hiện tại lễ nhậm chức của ông Trump.
Quan hệ 3 bên
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao BRICS ở Kazan, Nga, ngày 23/10/2024. Ảnh: ANI/TTXVN
Về phần mình, Ấn Độ đang cố gắng vượt qua tình trạng không chắc chắn về cách tiếp cận của ông Trump đối với Trung Quốc. Thủ tướng Modi dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) - bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - vào năm 2025. New Delhi mong muốn ông Trump đến Ấn Độ trong dịp này.
Đáng chú ý, Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong năm nay, nơi Thủ tướng Modi có thể xuất hiện.
Ngày 15/6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ tại thung lũng Galwan ở Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột này. Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều nhiều lần cáo buộc nhau xâm phạm lãnh thổ.
Sau sự kiện năm 2020, Ấn Độ cấm 250 ứng dụng do các doanh nghiệp Trung Quốc tạo ra, trong đó có TikTok, tăng cường giám sát các khoản đầu tư và dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại nước này, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Nhưng khi đầu tư nước ngoài chậm lại, Bộ Tài chính Ấn Độ vào năm 2024 đã đưa ra lý lẽ khuyến khích Trung Quốc đầu tư trở lại. Ấn Độ sẽ tái hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, vì quan hệ thương mại và đầu tư với Bắc Kinh phục vụ cho mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất của New Delhi.
Thủ tướng Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm chính thức đầu tiên sau 5 năm vào tháng 10/2024, tại thành phố Kazan của Nga, một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đang trên đà cải thiện.
Diễn biến của mối quan hệ tam giác Trung Quốc-Ấn Độ-Mỹ trong thời gian tới sẽ là một trong những diễn biến gây chú ý nhất của khu vực và toàn cầu.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera, CNN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/ong-trump-vua-nong-vua-lanh-voi-trung-quoc-an-do-20250106214630172.htm