Các nhà lãnh đạo phương Tây cho biết Triều Tiên đã cử khoảng 10.000 binh lính để hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga, đồng thời cảnh báo rằng sự tham gia của Triều Tiên vào cuộc chiến ở châu Âu có thể gây xáo trộn trong mối quan hệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản và Úc.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 29.10 tuyên bố rằng việc hàng nghìn binh lính Triều Tiên dự kiến tăng cường cho quân đội Nga tại tiền tuyến ở Ukraine đang đẩy cuộc chiến kéo dài gần ba năm này vượt ra ngoài biên giới của các bên tham chiến.
Ông tiết lộ đã trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và thông báo rằng 3.000 binh lính Triều Tiên hiện đang có mặt tại các căn cứ quân sự gần tiền tuyến của Ukraine, đồng thời hy vọng con số này sẽ tăng lên 12.000 trong thời gian tới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cùng ngày cho biết một số lượng binh lính Triều Tiên tương đối nhỏ hiện đang có mặt tại khu vực Kursk của Nga, để hỗ trợ đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine, và dự kiến sẽ có thêm vài nghìn binh sĩ Triều Tiên đang trên đường đến khu vực này.
Hàn Quốc, quốc gia đang duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về những diễn biến mới nhất, đã cảnh báo vào tuần trước rằng họ có thể gửi vũ khí cho Ukraine để đáp trả sự tham gia của Triều Tiên.
Trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết: "Chỉ có một kết luận duy nhất - cuộc chiến này đã được quốc tế hóa và vượt ra ngoài biên giới của Ukraine và Nga”.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết ông và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đồng ý tăng cường hợp tác giữa hai nước, bao gồm việc trao đổi thêm thông tin tình báo và đưa ra các phản ứng cụ thể đối với sự can dự của Bình Nhưỡng.
Thêm sự hỗ trợ quân sự của Mỹ
Tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã gặp Andriy Yermak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky, vào ngày 29.10 để thảo luận về sự hiện diện của quân đội Triều Tiên, cũng như đợt viện trợ vũ khí sắp tới mà Mỹ dự kiến sẽ chuyển đến Kyiv nhằm giúp Ukraine tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng.
Sullivan và Yermak đã chia sẻ mối lo ngại về khả năng quân đội Triều Tiên có thể được triển khai đến khu vực Kursk của Nga. Họ đã thảo luận về những tác động tiềm ẩn mà động thái này có thể gây ra đối với diễn biến cuộc chiến.
Theo các quan chức Mỹ, trong cuộc họp kéo dài hai giờ tại Nhà Trắng, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã thông báo cho Andriy Yermak về kế hoạch của Tổng thống Joe Biden bao gồm việc cung cấp thêm hệ thống pháo binh, đạn dược, hàng trăm xe bọc thép và nhiều trang thiết bị khác cho Ukraine trước khi Tổng thống Biden rời nhiệm sở vào tháng 1.
Vào cuối năm nay, chính quyền Mỹ dự định cung cấp cho Ukraine thêm 500 tên lửa Patriot và ARAAM để tăng cường hệ thống phòng không, theo các quan chức Mỹ.
Đáng chú ý, Tổng thống Biden hôm 29.10 cũng bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của quân đội Triều Tiên ở khu vực Kursk của Nga. “Tôi lo ngại về điều đó”, ông nói.
Khi được hỏi liệu Ukraine có nên đáp trả nếu binh lính Triều Tiên tiến vào nước này, ông Biden trả lời: "Nếu họ xâm nhập vào Ukraine, thì có”.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Triều Tiên cũng đang thúc đẩy quan hệ với Nga. Ngày 29.10, Bộ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui đã có chuyến thăm đến nước này. Theo truyền thông nhà nước Nga, bà Choe đã đến vùng Viễn Đông của Nga và đang trên đường đến Moscow. Đây là chuyến thăm thứ hai của bà Choe trong vòng 6 tuần qua. Mặc dù Điện Kremlin xác nhận rằng Tổng thống Vladimir Putin không có kế hoạch gặp bà, nhưng chuyến thăm này vẫn được coi là dấu hiệu của mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai quốc gia.
Vai trò cụ thể của quân đội Triều Tiên tại Nga hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, theo báo cáo từ nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, lực lượng này không chỉ mang tính tượng trưng mà còn đóng vai trò hỗ trợ quân đội Nga. Dù chỉ chiếm chưa đến 1% tổng quân số, nhưng việc huy động binh lính Triều Tiên được coi là một biện pháp của Nga để bổ sung nhân lực mà không cần triển khai thêm từ lực lượng nội địa.
Báo cáo từ CSIS cũng cho biết Nga đang rất cần tăng cường nhân lực và sự tham gia của quân đội Triều Tiên là một giải pháp phù hợp trong tình hình hiện tại. Điều này cho thấy Nga đang cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự mà không cần phải thực hiện huy động quân đội nội địa, điều có thể gây ra những hậu quả chính trị khó lường trong nước.
Trong khi đó, các cuộc tấn công của Nga tại Ukraine vẫn tiếp tục leo thang. Máy bay không người lái, tên lửa và bom của Nga đã tấn công các thành phố lớn nhất của Ukraine là Kyiv và Kharkiv vào ban đêm gây thiệt hại về người. Cuộc tấn công này là một phần của chiến dịch quân sự kéo dài, nhắm vào các khu vực dân sự của Ukraine và gây ra hàng nghìn thương vong từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu.
Ngoài ra, các lực lượng Nga cũng đang đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các tuyến phòng thủ của Ukraine ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng quân đội của họ đã chiếm được thị trấn Hirnyk cùng với các ngôi làng Katerynivka và Bohoiavlenka. Đây là những nỗ lực mới nhất của Moscow nhằm mở rộng kiểm soát lãnh thổ tại khu vực này.
Hoàng Vũ