Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 11-5 tuyên bố “sẽ đợi [Tổng thống Nga Vladimir] Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ” vào ngày 15-5 để đối thoại trực tiếp để kết thúc chiến sự với giữa Nga và Ukraine, đài France 24 đưa tin.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Putin sáng cùng ngày đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) bắt đầu từ ngày 15-5.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X tối 11-5, ông Zelensky nói rằng Kiev “mong đợi một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và lâu dài” ngay từ ngày 12-5 “để cung cấp cơ sở cần thiết cho ngoại giao”.
Ông Zelensky cho biết đích thân ông sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ và chờ đợi cuộc đối thoại với ông Putin, đồng thời hy vọng rằng “Nga sẽ không viện cớ” tránh gặp mặt.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky trong thông điệp video tối 11-5, tuyên bố rằng ngày 15-5, ông "sẽ đợi [Tổng thống Nga Vladimir] Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ" để đối thoại trực tiếp. Ảnh: X
Sau đó, trong thông điệp bằng video đêm 11-5, ông Zelensky nêu ra điều kiện để nối lại đàm phán trực tiếp với Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ là “một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện, kéo dài đủ lâu” để hai bên tiến hành các nỗ lực ngoại giao.
Ông Zelensky lưu ý rằng Kiev “đã đề xuất điều này từ lâu” và “toàn thế giới đang kêu gọi điều này”. Ông nói rằng chính phủ Ukraine hoàn toàn không phản đối đàm phán và “sẵn sàng cho bất kỳ định dạng” đàm phán nào.
Ông Zelensky đề nghị “phản hồi rõ ràng” từ Nga, đồng thời cảnh báo rằng các đối tác của Kiev đã nói đang “chuẩn bị tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu ông Putin từ chối thỏa thuận ngừng bắn”.
Hai tuyên bố này của ông Zelensky phần lớn lặp lại nội dung một thông điệp mà ông đăng trên mạng xã hội Telegram vào cuối giờ sáng ngày 11-5. Tuy nhiên, hai tuyên bố vào tối cùng ngày là lần đầu tiên ông Zelensky xác nhận ý định tới Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại trực tiếp với ông Putin.
Nga chưa phản hồi các tuyên bố này của ông Zelensky.
Tuy nhiên, Moscow đã liên tục từ chối một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày do Mỹ và châu Âu đề xuất với lý do lo ngại Kiev sẽ tận dụng thời gian như vậy để tái vũ trang, tái tập hợp lực lượng.
Đồng thời, lệnh cấm đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Putin vẫn còn hiệu lực ở Ukraine.
Nga đã nhiều lần chỉ trích và yêu cầu Ukraine bãi bỏ lệnh cấm đàm phán với ông Putin, lưu ý rằng một khi lệnh cấm còn hiệu lực thì các đối thoại giữa Moscow và Kiev sẽ bị coi là “bất hợp pháp”.
Cuối tháng 1-2025, ông Zelensky từ chối yêu cầu của Moscow, giải thích rằng lệnh cấm trên nhằm ngăn chặn các cuộc thảo luận mà Kiev cho là vì mục tiêu “ly khai” đang diễn ra bên ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.
HOÀN ĐỨC