Ốp lưng "da người" phản ứng dưới nắng. Ảnh: Virgin Media O2.
Từ những chiếc phụ kiện đầy màu sắc, thân thiện với môi trường, gần đây thị trường đã ra mắt chiếc ốp điện thoại làm từ da người. Sản phẩm có tên Skincase, là ý tưởng hợp tác giữa nhà mạng O2 của Anh, nhà nghiên cứu Marc Teyssier và Tổ chức Da liễu Anh Quốc (The British Skin Foundation).
Nghe rùng rợn nhưng thực tế chiếc ốp không làm từ da người thật. Chất liệu tổng hợp ở phía ngoài được thiết kế để mang lại cảm giác giống, và phản ứng với môi trường như chính làn da của con người.
Về cơ bản, Skincase sẽ “cháy nắng” khi tiếp xúc với tia UV, mô phỏng những tổn hại mà ánh mặt trời gây ra cho cơ thể chúng ta. Khi đó, người dùng cần bôi kem chống nắng trở lại. Để tạo ra chiếc ốp lưng này, Teyssier đã kết hợp kỹ thuật in 3D với sợi nhựa dẻo và silicone.
Skincase được thiết kế với ba tông màu da khác nhau. Mỗi phiên bản sẽ phản ứng với tia UV bằng cách thay đổi màu sắc, giống hệt như làn da người thật khi tiếp xúc với ánh nắng. Bề mặt ốp được phủ lớp composite đặc biệt có khả năng phản ứng với tia cực tím, giúp mô phỏng chân thực về tác động của ánh nắng mặt trời, độ nguy hại của tia UV.
Marc Teyssier trước đây từng tạo ra một loại da tổng hợp có thể dán lên điện thoại. Khi lần đầu ra mắt công nghệ này với công chúng vào năm 2019, ông chia sẻ rằng mình chế tạo một phụ kiện có thể cảm nhận xúc giác của con người và thậm chí phản hồi lại cảm giác đó, như một cách mang lại sự an ủi.
Thông điệp nhà sản xuất hướng đến nâng cao nhận thức về sức khỏe cho người dùng. Trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao tại nhiều khu vực trên thế giới trong mùa hè, các tổ chức mong muốn tuyên truyền tác hại của việc tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời.
O2 cho biết Skincase được tạo ra nhằm giảm thiểu sự chênh lệch nghiêm trọng giữa nhận thức và hành vi của người dùng trong việc bảo vệ da khỏi ánh nắng. Nhà mạng này chỉ ra rằng hơn một nửa người Anh (56%) kiểm tra điện thoại ba lần trở lên trong khung giờ nắng gắt nhất, từ 11-16h.
Tuy nhiên, chỉ 20% dân số bôi lại kem chống nắng với tần suất tương tự. Đáng lo ngại hơn, 9% hoàn toàn không dùng kem chống nắng trong những giờ cao điểm mà tia UV hoạt động mạnh nhất.
“Tôi luôn cố gắng tạo ra những dự án kết nối giữa cuộc sống số và sức khỏe thể chất của con người. Skincase là ví dụ điển hình cho cách công nghệ có thể được tận dụng để nâng cao nhận thức về sức khỏe và khuyến khích sự thay đổi hành vi theo hướng tích cực”, Teyssier chia sẻ
Người dùng sẽ không thể mua được ngay vì đây là một sản phẩm giới hạn. Theo Techradar, Skincase được tạo ra để khơi gợi cuộc thảo luận, như một lời nhắc nhở rằng mọi người nên quan tâm đến làn da của mình nhiều như cách họ quan tâm đến điện thoại.
Nhật Tường