OPEC+ đối mặt thách thức lớn trong việc giữ ổn định thị trường dầu mỏ. Hình minh họa
Theo dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu trong quý IV/2025 sẽ giảm khoảng 230.000 thùng/ngày, trong khi nguồn cung từ các nước ngoài OPEC+ vẫn tiếp tục tăng.
Để giữ giá dầu ổn định, OPEC+ có thể buộc phải đưa ra các biện pháp mới, trong đó có khả năng là cắt giảm thêm sản lượng và hạn chế xuất khẩu.
Sau giai đoạn biến động mạnh trong tháng 6, giá dầu Brent hiện đã ổn định trong biên độ hẹp, dao động quanh mức 70 USD/thùng.
Hiện nay, nhu cầu theo mùa đang góp phần nâng đỡ giá dầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng lọc dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 3,7 triệu thùng/ngày từ tháng 5 đến tháng 8. Bên cạnh đó, nhu cầu dùng dầu cho phát điện cũng được dự báo tăng gấp đôi, lên khoảng 900.000 thùng/ngày trong cùng kỳ.
“Lượng tồn kho thấp tại một số khu vực trên thế giới cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu”, bà Barbara Lambrecht, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Commerzbank AG nhận định.
Mối lo về gián đoạn nguồn cung tạm thời hạ nhiệt, trong bối cảnh Nga chỉ còn 50 ngày để kết thúc chiến dịch quân sự ở Kiev, nếu muốn tránh bị áp thuế trừng phạt. Tuy nhiên, cán cân cung - cầu toàn cầu vẫn rất mong manh.
Theo Rystad Energy, lượng tồn kho dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh, trung bình 1,5 triệu thùng/ngày trong quý IV/2025 và 1,7 triệu thùng/ngày trong quý I/2026. Việc tồn kho tăng có thể khiến OPEC+ phải điều chỉnh chính sách để duy trì cấu trúc giá backwardation.
Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là điều này xảy ra đúng lúc nhu cầu tiêu thụ dầu đang giảm tốc.
OPEC đang đối mặt với bài toán khó
Dự báo cho thấy tháng 9 có thể sẽ chứng kiến tình trạng tích trữ dầu kéo dài - điều chưa từng xảy ra kể từ quý I/2023.
Theo Rystad Energy, trong quý IV/2025, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 230.000 thùng/ngày so với quý trước, chủ yếu do mùa du lịch hè ở Bắc bán cầu kết thúc. Điều này có thể khiến biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu bị thu hẹp, do giá các sản phẩm dầu giảm theo.
Trong khi đó, nguồn cung lại không giảm tương ứng. Sản lượng toàn cầu được dự báo sẽ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày trong quý IV, trong đó phần lớn đến từ các quốc gia ngoài OPEC+ (khoảng 800.000 thùng/ngày).
Điều này khiến OPEC+ gặp khó trong việc giữ giá dầu ở mức ổn định và duy trì cấu trúc backwardation, trong khi vẫn phải ngăn ngừa tình trạng tích trữ dầu thô.
Theo Rystad, OPEC+ có thể sẽ phải đưa ra chính sách mới, ví dụ như tiếp tục cắt giảm sản lượng và xuất khẩu đến hết năm, nhằm kiểm soát lượng cung vượt quá cầu.
Ông Janiv Shah, Phó Chủ tịch phụ trách phân tích thị trường hàng hóa của Rystad Energy, nhận định: “Nếu nhu cầu mùa hè không đạt kỳ vọng và tình hình ở Nga chưa được giải quyết, OPEC+ sẽ phải đối mặt với thách thức mới để giữ ổn định giá và cấu trúc backwardation. Lúc này, việc cắt giảm sản lượng và xuất khẩu có thể không còn là giải pháp đủ hiệu quả”.
Thị trường đã phản ánh trước quyết định của OPEC+
Thị trường phần lớn đã lường trước động thái mới của OPEC+ khoảng 10 ngày trước, khi nhóm này quyết định đẩy nhanh tiến trình nới lỏng cắt giảm sản lượng. Nhiều bên đã kỳ vọng mức tăng sản lượng vào khoảng 411.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, thông tin OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày chỉ khiến giá dầu giảm nhẹ. Lý do là phần lớn lượng dầu thô bổ sung không được đưa ra thị trường quốc tế, nên số thùng thực sự lưu thông vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến thị phần toàn cầu không đáng kể.
Theo Rystad, nhu cầu gia tăng tại châu Âu và Bắc Mỹ chủ yếu được đáp ứng bằng nguồn cung thay thế và việc rút dầu từ kho dự trữ.
Trong mùa hè, nhu cầu dầu tại Trung Đông tăng mạnh, đặc biệt là để đốt trực tiếp, với mức hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và 8 - theo dữ liệu từ công ty phân tích năng lượng Rystad có trụ sở tại Na Uy.
Ngoài ra, dầu nhiên liệu cũng được sử dụng để phát điện, khi khu vực này trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục, với nền nhiệt tại Riyadh lên tới 50°C.
Ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine
Một số biến động ngắn hạn trên thị trường có thể đến từ nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy kết thúc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Việc xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga có thể bị gián đoạn nếu không đạt được thỏa thuận chung, khiến nguồn cung giảm trong thời gian ngắn, trước khi thị trường ổn định trở lại.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Liên minh châu Âu đã phê duyệt gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga. Trong đó có biện pháp nhắm vào Nayara Energy - công ty tại Ấn Độ chuyên xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu từ dầu Nga - như một phần phản ứng với xung đột ở Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt với những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu và sản phẩm dầu từ Nga, nếu Moscow không ký kết thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày.
“Theo tôi, điểm đáng chú ý nhất trong gói trừng phạt này là việc EU có thể cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế có nguồn gốc từ dầu Nga, dù được xử lý ở nước thứ ba”, ông Warren Patterson - Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING Group - nhận định trong một báo cáo.
Từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh nhập khẩu dầu thô từ Nga. Hai nước này hiện chiếm khoảng 15% lượng dầu diesel được EU nhập khẩu bằng đường biển và đóng vai trò cung cấp chính cho nhóm sản phẩm trung bình của châu Âu.
Ông Patterson cho rằng: “Nếu lệnh cấm được thực hiện nghiêm ngặt, thị trường sản phẩm dầu tại châu Âu - vốn đã rất căng - sẽ càng bị thắt chặt hơn”.
Theo Rystad, nếu Nga bị áp thêm các mức thuế thứ cấp, có thể ảnh hưởng tới khoảng 3,5 triệu thùng dầu/ngày đang xuất sang Ấn Độ và Trung Quốc, khiến cán cân thị trường toàn cầu bị đảo lộn.
Đây là nguồn cung rất quan trọng đối với an ninh năng lượng và chi phí nhập khẩu của cả Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu mất nguồn dầu này, cả nhu cầu lẫn giá dầu từ khu vực Trung Đông sẽ tăng lên đáng kể.
Nh.Thạch
AFP