OPEC+ nhất trí bơm thêm 411.000 thùng dầu/ ngày trong tháng Sáu dù giá dầu Brent đang giảm xuống gần mức thấp nhất trong 4 năm. Ảnh: linkedin
Quyết định trên được ra sau cuộc họp hôm 3-5 sau khi liên minh này bất ngờ tăng sản lượng ở mức tương tự trong tháng trước. Sự kết hợp giữa nguồn cung tăng từ OPEC+ và mối lo ngại thuế quan của Mỹ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến giá dầu thô chuẩn Brent giảm gần 20% kể từ ngày 2-4 xuống còn 61 đô la Mỹ/thùng, gần mức thấp nhất trong bốn năm.
Cuối năm 2023, tám thành viên OPEC+ gồm Saudi Arabia và Nga hợp tác cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày theo một thỏa thuận tự nguyện. Các nước này nhất trí dần đảo ngược mức giảm này kể từ tháng 4-2025.
Mức tăng sản lượng theo kế hoạch tháng Sáu sẽ nâng tổng mức tăng trong quí 2 lên 960.000 thùng/ngày, tương ứng với đảo ngược 44% mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày.
Theo Jorge Léon, nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng Rystad, động thái của OPEC+ tiếp tục bơm thêm dầu vào thị trường dù giá đang giảm giá đánh dấu sự thay đổi cách tiếp cận.
“OPEC+ gây cú sốc lớn cho trường dầu mỏ. Quyết định tăng sản lượng hồi tháng trước là một lời cảnh tỉnh. Quyết định tăng sản lượng hôm nay là một thông điệp chắc chắn rằng OPEC+ dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia đang thay đổi chiến lược để giành lại thị phần sau nhiều năm cắt giảm sản lượng”, Jorge Léon nói.
Saudi Arabia, vốn đang phải vật lộn để cân bằng ngân sách quốc gia vì giá dầu thấp, vẫn chuyển sang chiến lược mới dù điều này có khả năng dẫn đến giá dầu thấp hơn trong phần còn lại của năm nay.
Jorge Léon suy đoán, Saudi Arabia có thể muốn đáp trả các thành viên OPEC+ không tuân thủ hạn ngạch sản xuất và cũng muốn lấy lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump, người tìm cách giảm giá dầu để kiềm chế lạm phát.
Trong ba năm qua, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng tổng cộng gần 6 triệu thùng/ngày để vực dậy giá dầu. Chiến lược này ban đầu giúp giữ giá dầu thô ở mức trên 90 đô la / thùng trong suốt phần lớn năm 2022. Nhưng hiệu quả của chiến lược đã suy yếu trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm, sản lượng dầu của Mỹ tăng và sự tuân thủ hạn ngạch sản xuất lỏng lẻo giữa các thành viên OPEC+.
Căng thẳng trong nội bộ liên minh này đang gia tăng, đặc biệt là liên quan tới Kazakhstan, quốc gia đã tăng sản lượng từ mỏ dầu Tengiz. Kazakhstan nhấn mạnh sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia hơn hạn ngạch sản xuất của OPEC+.
Để ứng phó, Saudi Arabia bắt đầu nới lỏng các hạn chế sản xuất. Sau khi cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày trong 3 năm qua, Saudi Arabia ngày càng thất vọng khi phải gánh phần lớn sản lượng cắt giảm trong khi các thành viên khác bao gồm Kazakhstan và Iraq, liên tục bơm vượt hạn ngạch cho phép.
Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa của SEB, lưu ý rằng sản lượng của OPEC+ trong tháng Tư giảm 200.000 thùng/ngày do lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela. Ông cho biết, mức tăng sản lượng theo kế hoạch trong tháng tới của liện minh này không đạt được nếu những nước vi phạm hạn ngạch trước đây như Kazakhstan, Iraq và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hạn chế sản xuất.
Giá dầu giảm mạnh đe dọa lợi nhuận của công ty dầu mỏ bao gồm nhiều nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, có mức hòa vốn khi giá dầu ở quanh mức 60 đô la Mỹ
Giá dầu thấp cũng gây tổn thương các thành viên của OPEC+ bao gồm cả Saudi Arabia. Vương quốc này đã buộc phải cắt giảm đầu tư vào các dự án trọng tâm trong kế hoạch chuyển đổi kinh tế của Thái tử Mohammed bin Salman, chẳng hạn như thành phố tương lai Neom. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng của các nước Trung Đông. Tổ chức này ước tính rằng, Saudi Arabia cần giá dầu trên 90 đô la/thùng để trang trải chi tiêu của chính phủ.
Theo Financial Times, Bloomberg
Chánh Tài