Biểu tượng của Hãng OpenAI. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Quyết định về cấu trúc hoạt động này đã trở thành một điểm nóng trong nội bộ OpenAI, một công ty tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Các nhà đầu tư lớn đã gây áp lực mạnh mẽ, thúc đẩy việc chuyển đổi nhằm đảm bảo lợi nhuận cao hơn cho khoản đầu tư của họ. Ngược lại, những người ủng hộ an toàn AI đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc theo đuổi lợi nhuận khổng lồ từ một công nghệ mạnh mẽ như AI mà không có sự giám sát chặt chẽ của một hội đồng quản trị phi lợi nhuận, vốn có nhiệm vụ hành động vì lợi ích của toàn xã hội thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận của cổ đông.
Trong email gửi tới toàn bộ nhân viên được đăng trên trang web chính thức của công ty, Giám đốc điều hành OpenAI - cha đẻ của ChatGPT, ông Sam Altman nêu rõ: “Chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng tổ chức phi lợi nhuận sẽ kiểm soát sau khi lắng nghe các nhà lãnh đạo dân sự, cũng như có cuộc thảo luận sâu rộng mang tính xây dựng với văn phòng người đứng đầu cơ quan Tư pháp bang Delaware và bang California".
Bất kỳ sự thay đổi về tư cách pháp nhân nào cũng đòi hỏi sự chấp thuận từ chính quyền bang California và Delaware, nơi OpenAI đặt trụ sở chính và đăng ký hoạt động tương ứng.
OpenAI có cấu trúc khác biệt, với sự kiểm soát thuộc về bộ phận phi lợi nhuận. Tuy nhiên, tháng 9 năm ngoái, công ty tuyên bố sẽ chuyển sang mô hình kinh doanh theo đuổi lợi nhuận. Giám đốc điều hành Altman khi đó nói công ty cần hàng tỷ USD vốn để mở rộng quy mô mô hình AI, điều một tổ chức phi lợi nhuận không thể thu hút nhiều đầu tư. Đến tháng 12/2024, OpenAI thông báo kế hoạch chuyển nhánh vì lợi nhuận thành một công ty phúc lợi công cộng (PBC), nhằm cân bằng giữa lợi nhuận cổ đông và các mục tiêu xã hội. Kế hoạch này sau đó đã vấp phải sự chỉ trích và thách thức pháp lý nhằm vào OpenAI, trong đó có vụ kiện của tỷ phú Elon Musk từ năm ngoái, cáo buộc công ty đi chệch sứ mệnh phát triển AI vì lợi ích của nhân loại ban đầu.
Theo phương án mới, hội đồng quản trị phi lợi nhuận sẽ tiếp tục kiểm soát công ty PBC và nắm giữ lượng lớn cổ phần trong đó. OpenAI vẫn sẽ thực hiện các thay đổi nhằm nới lỏng hạn chế trong huy động vốn để duy trì tốc độ phát triển trong cuộc đua AI.
Ông Altman khẳng định sẽ không có thay đổi đối với các quan hệ nhà đầu tư hiện tại, và công ty sẽ loại bỏ giới hạn lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể thu được. Ông cũng nhấn mạnh mô hình công ty lợi ích công cộng đang ngày càng phổ biến tại các công ty AI, như Anthropic (được Amazon và Google hậu thuẫn) và xAI của ông Musk.
Trong bối cảnh cuộc đua phát triển AI, OpenAI đang nỗ lực thay đổi để thu hút thêm vốn. Tháng 3, công ty công bố kế hoạch huy động tới 40 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới do tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) dẫn đầu, với mức định giá lên tới 300 tỷ USD. Tuy nhiên, khoản đầu tư này kèm điều kiện OpenAI phải chuyển đổi thành công ty vì lợi nhuận trước cuối năm nay.
OpenAI khẳng định vẫn có thể nhận vốn từ SoftBank sau khi công bố quyết định ngày 5/5. SoftBank và Microsoft đều từ chối bình luận về thông báo này.
Thông báo cũng đặt dấu hỏi cho tương lai vụ kiện của Musk, vốn nhằm ngăn chặn việc OpenAI chuyển đổi khỏi mô hình phi lợi nhuận. Phiên tòa xét xử đã được ấn định vào tháng 3/2026. Trước đó, ông Musk cùng một nhóm nhà đầu tư từng đưa ra đề nghị mua lại OpenAI với giá 97,4 tỷ USD, nhưng ông Altman từ chối.
OpenAI trở thành một trong nhữngkhởi nghiệp thành công nhất Thung lũng Silicon, nổi bật với sự ra mắt của ChatGPT vào năm 2022.
Thùy Liên (TTXVN)