Nick Turley, Giám đốc sản phẩm OpenAI, đã đưa ra tuyên bố này khi làm chứng tại phiên tòa, nơi Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm cách buộc Google thực hiện các biện pháp sâu rộng nhằm khôi phục sự cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.
Thẩm phán giám sát vụ kiện này đã kết luận vào năm ngoái rằng Google đang nắm thế độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo liên quan.
Google chưa từng chào bán Chrome và có kế hoạch kháng cáo phán quyết cho rằng họ đang nắm độc quyền.
Theo Nick Turley, OpenAI sẽ quan tâm đến việc mua Chrome nếu các cơ quan chống độc quyền buộc Google bán trình duyệt web phổ biến này - Ảnh: Internet
Phiên tòa này cũng cho thấy một phần về cuộc đua AI tạo sinh, khi các hãng công nghệ lớn cùng các công ty khởi nghiệp đang cạnh tranh để phát triển ứng dụng và thu hút người dùng.
Trong phần mở đầu phiên tòa hôm 21.4, các công tố viên bày tỏ lo ngại rằng việc độc quyền trong tìm kiếm giúp Google cải thiện các sản phẩm AI của họ, đồng thời cũng là cách để dẫn người dùng quay lại với công cụ tìm kiếm Google.
Google chỉ ra rằng có sự cạnh tranh từ các công ty cũng đang cung cấp sản phẩm AI tạo sinh như Meta Platforms và Microsoft.
Nick Turley viết vào năm ngoái rằng ChatGPT đang dẫn đầu thị trường chatbot tiêu dùng và không xem Google là đối thủ lớn nhất của mình, theo một tài liệu nội bộ OpenAI mà luật sư Google trình bày tại phiên tòa. Nick Turley làm rõ rằng tài liệu đó nhằm truyền cảm hứng cho nhân viên OpenAI và công ty khởi nghiệp này vẫn hưởng lợi từ các quan hệ đối tác phân phối.
Quan hệ đối tác phân phối là các thỏa thuận hợp tác giữa hai hoặc nhiều công ty, trong đó một bên giúp phân phối, quảng bá hoặc đưa sản phẩm/dịch vụ của bên kia đến với người tiêu dùng.
“Google từ chối đề nghị của OpenAI”
Nick Turley, nhân chứng của chính phủ Mỹ, khai trước đó trong ngày 22.4 rằng Google đã từ chối đề nghị từ OpenAI để sử dụng công nghệ tìm kiếm của họ trong ChatGPT.
OpenAI đã liên hệ với Google sau khi gặp sự cố với nhà cung cấp tìm kiếm hiện tại, Nick Turley cho biết, nhưng không nêu tên nhà cung cấp đó. ChatGPT hiện dùng công nghệ từ công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.
"Chúng tôi tin rằng việc có nhiều đối tác, đặc biệt là API của Google, sẽ giúp chúng tôi cung cấp sản phẩm tốt hơn cho người dùng", OpenAI đề cập với Google, theo một email được trình chiếu tại phiên tòa.
API (Application Programming Interface) là giao diện lập trình ứng dụng. Nói một cách đơn giản, API là tập hợp các quy tắc cho phép các phần mềm hoặc hệ thống khác nhau giao tiếp với nhau. Nó giống một cửa sổ hoặc cổng mà qua đó ứng dụng có thể "nói chuyện" với ứng dụng khác mà không cần biết nội bộ bên trong hoạt động ra sao.
OpenAI liên hệ lần đầu hồi tháng 7.2024 và Google từ chối đề nghị đó vào tháng 8 với lý do việc này sẽ liên quan đến quá nhiều đối thủ cạnh tranh, theo email.
"Hiện tại chúng tôi không có mối quan hệ hợp tác nào với Google", Nick Turley nói.
Nick Turley cho biết đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ buộc Google phải chia sẻ dữ liệu tìm kiếm với đối thủ như một cách để khôi phục sự cạnh tranh sẽ giúp tăng tốc nỗ lực cải thiện ChatGPT.
Tìm kiếm là phần thiết yếu của ChatGPT để đưa ra các câu trả lời cập nhật và chính xác cho truy vấn của người dùng, Nick Turley nói thêm. ChatGPT còn cách xa mục tiêu có thể sử dụng công nghệ tìm kiếm riêng để tự trả lời 80% các câu hỏi, ông thừa nhận.
Chấm dứt các thỏa thuận độc quyền
Tháng 8.2024, Thẩm phán liên bang Amit Mehta đã kết luận rằng Google bảo vệ vị thế độc quyền tìm kiếm của mình thông qua các thỏa thuận độc quyền với Samsung Electronics và các bên khác, để công cụ tìm kiếm của họ được cài làm mặc định trên thiết bị mới.
Google từng xem xét các thỏa thuận với nhà sản xuất điện thoại Android như Samsung để giành quyền độc quyền không chỉ cho ứng dụng tìm kiếm của mình, mà còn cả ứng dụng AI Gemini và trình duyệt Chrome, theo một tài liệu được trình tại tòa.
Tuy nhiên, thay vì ký thêm các thỏa thuận độc quyền, Google đã nới lỏng các thỏa thuận gần đây với nhà sản xuất thiết bị như Samsung, Motorola cùng những nhà mạng không dây như AT&T và Verizon, cho phép họ cài đặt các công cụ tìm kiếm đối thủ, theo các tài liệu khác.
Các thỏa thuận không độc quyền này phản ánh giải pháp mà Google cho rằng là phù hợp để giải quyết phán quyết của thẩm phán Amit Mehta. Bộ Tư pháp Mỹ muốn thẩm phán đi xa hơn, bằng cách cấm Google trả các khoản tiền lớn để đổi lấy việc cài đặt ứng dụng tìm kiếm của họ làm mặc định trên thiết bị.
Song theo Google, việc chấm dứt các khoản thanh toán cho các nhà sản xuất thiết bị và trình duyệt sẽ làm tăng chi phí smartphone, gây nguy hiểm cho sự tồn tại của các công ty như Mozilla – vốn hoạt động dựa vào nguồn thu này.
Google dự kiến sẽ mời nhân chứng từ Mozilla, Verizon và Apple – công ty đưa ra nỗ lực can thiệp không thành công vào vụ án.
Google đã gửi thư, gần đây nhất là tuần trước, nhấn mạnh rằng các thỏa thuận của họ không cấm các công ty cài đặt các sản phẩm AI khác trên thiết bị mới, theo lời khai của Peter Fitzgerald (Phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối tác nền tảng và thiết bị tại Google) hôm 22.4.
Hôm 21.4, luật sư David Dahlquist của Bộ Tư pháp Mỹ nói trong phần phát biểu mở đầu phiên tòa: “Bây giờ là thời điểm để nói với Google và tất cả công ty độc quyền khác rằng sẽ có hậu quả khi vi phạm luật chống độc quyền”,
Bộ Tư pháp Mỹ và một liên minh rộng lớn nhiều tổng chưởng lý bang thúc đẩy các biện pháp khắc phục mà họ tin rằng sẽ khôi phục sự cạnh tranh, ngay cả khi lĩnh vực tìm kiếm đang tiến hóa để dần hòa nhập với các sản phẩm AI tạo sinh như ChatGPT.
“Phán quyết của tòa án nên mang tính hướng tới tương lai và không bỏ qua những gì sắp xảy ra”, David Dahlquist nhấn mạnh.
Google đồng ý trả tiền hàng tháng cho Samsung để cài đặt ứng dụng AI Gemini của mình trên các thiết bị, theo các tài liệu được công bố tại phiên tòa. Dù điều khoản tài chính không được tiết lộ, David Dahlquist mô tả số tiền hàng tháng là một “khoản khổng lồ”.
John Schmidtlein, luật sư của Google, nói trong phần mở đầu rằng các đề xuất từ Bộ Tư pháp Mỹ không khác gì “danh sách điều ước cho các đối thủ cạnh tranh muốn hưởng lợi từ những đổi mới vượt bậc của Google”. Ông nói rằng các đối thủ AI “cũng muốn được trợ giúp, dù họ đang cạnh tranh khá tốt”.
Google lập luận rằng các sản phẩm AI của họ nằm ngoài phạm vi vụ kiện, vốn tập trung vào công cụ tìm kiếm. Việc áp dụng các biện pháp khắc phục mà Bộ Tư pháp đề xuất “sẽ cản trở sự đổi mới của Mỹ vào thời điểm then chốt”, bà Lee-Anne Mulholland, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý và quy định tại Google, viết trong bài đăng blog hôm 20.4.
Google cho biết sẽ kháng cáo sau khi có phán quyết cuối cùng.
“Không đảng phái”
Vụ kiện này là một phần trong cuộc chiến dịch chống độc quyền với các hãng công nghệ lớn, được khởi động từ thời chính quyền Trump đầu tiên và vẫn tiếp tục, bất chấp những lời đề nghị mà các hãng công nghệ và giám đốc điều hành của họ gửi tới Nhà Trắng.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Gail Slater và các quan chức khác thuộc bộ này đã có mặt tại tòa để thể hiện rằng vụ kiện, được khởi xướng từ chính quyền Trump đầu tiên và tiếp tục dưới thời ông Joe Biden, đưa ra các biện pháp “không mang tính đảng phái” và “nhận được sự ủng hộ đầy đủ của Bộ Tư pháp Mỹ, cả trong quá khứ lẫn hiện tại”, David Dahlquist nói.
Hôm 17.4, Gail Slater ăn mừng chiến thắng trong một vụ kiện chống độc quyền khác với Google liên quan đến công nghệ quảng cáo, được nộp dưới thời chính quyền Biden.
Sơn Vân