Đây là một mô hình ngôn ngữ có trọng số mở với tham số huấn luyện được công khai, cho phép các nhà phát triển phân tích và tinh chỉnh nó cho các tác vụ cụ thể mà không cần dữ liệu huấn luyện gốc.
No khác với mô hình nguồn mở, vốn cung cấp đầy đủ mã nguồn, dữ liệu huấn luyện và phương pháp huấn luyện.
Sam Altman cho biết trong một bài đăng trên X rằng công ty sẽ trao đổi với các nhà phát triển về cách làm cho mô hình ngôn ngữ mở trở nên hữu ích.
Sự kiện đầu tiên về mô hình ngôn ngữ mở này sẽ diễn ra tại thành phố San Francisco (Mỹ) trong vài tuần tới, sau đó sẽ có các phiên thảo luận tại châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi vẫn còn một số quyết định cần đưa ra, nên sẽ tổ chức các sự kiện dành cho nhà phát triển để thu thập ý kiến phản hồi và sau đó thử nghiệm các nguyên mẫu ban đầu”, Sam Altman nói.
Vào tháng 2, Sam Altman từng tuyên bố OpenAI sẽ đơn giản hóa các sản phẩm AI trong lộ trình phát triển các mô hình mới nhất của mình, vì hệ thống hiện tại với nhiều mô hình khác nhau và tùy chọn mô hình gây ra không ít khó khăn cho cả nhà phát triển lẫn người dùng.
“Chúng tôi muốn AI chỉ hoạt động theo cách bạn mong đợi. Chúng tôi nhận ra rằng danh mục mô hình và sản phẩm của mình đã trở nên quá phức tạp. Chúng tôi cũng ghét tùy chọn mô hình như các bạn và muốn quay trở lại với AI thống nhất đầy ma thuật”, ông thổ lộ.
Sam Altman tiết lộ OpenAI đang có kế hoạch phát hành mô hình ngôn ngữ mở đầu tiên của mình với khả năng lập luận kể từ thời GPT-2 (năm 2019) trong những tháng tới - Ảnh: Reuters
OpenAI huy động 40 tỉ USD để thúc đẩy nỗ lực AI
Hôm 31.3, OpenAI cho biết sẽ huy động 40 tỉ USD trong một vòng gọi vốn mới do SoftBank Group dẫn đầu, định giá công ty khởi nghiệp AI ở mức 300 tỉ USD nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI, mở rộng cơ sở hạ tầng tính toán và cải thiện các công cụ của mình.
Theo một nguồn tin, SoftBank Group sẽ đóng góp 75% số vốn trong 40 tỉ USD, phần còn lại đến từ Microsoft, Coatue Management, Altimeter Capital và Thrive Capital.
OpenAI đặt mục tiêu cung cấp các công cụ AI ngày càng mạnh mẽ hơn cho 500 triệu người dùng ChatGPT mỗi tuần.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư với lĩnh vực AI đã tăng mạnh những năm gần đây, nhờ vào sự phổ biến của chatbot và các tác tử AI tiên tiến.
Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.
Đặc điểm của một tác tử AI
Tự động: Có khả năng hoạt động độc lập mà không cần sự can thiệp của con người trong suốt quá trình xử lý.
Nhận thức môi trường: Có thể cảm nhận hoặc thu thập dữ liệu từ môi trường thông qua các cảm biến, API, hoặc dữ liệu được cung cấp.
Ra quyết định: Dựa trên các thuật toán hoặc mô hình học máy, tác tử AI có thể phân tích dữ liệu và chọn hành động phù hợp.
Hành động: Tác tử thực hiện các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu, ví dụ như gửi thông báo, điều khiển thiết bị, hoặc cập nhật dữ liệu.
Các loại tác tử AI phổ biến
Reactive Agent (tác tử phản ứng): Hoạt động dựa trên các quy tắc đơn giản và phản ứng ngay lập tức với những thay đổi trong môi trường.
Goal-based Agent (tác tử dựa trên mục tiêu): Được thiết kế để đạt được một hoặc nhiều mục tiêu cụ thể thông qua việc lập kế hoạch và hành động.
Learning Agent (tác tử học tập): Sử dụng các kỹ thuật học máy để tự cải thiện hiệu suất và khả năng ra quyết định qua thời gian.
Multi-agent Systems (hệ thống đa tác tử): Một nhóm các tác tử AI hoạt động cùng nhau để giải quyết các nhiệm vụ phức tạp.
Ứng dụng của tác tử AI
Trợ lý ảo: Siri, Alexa, Google Assistant.
Tác tử tìm kiếm: Công cụ thu thập dữ liệu và cung cấp thông tin từ internet.
Tự động hóa công việc: Robot xử lý tài liệu, chatbot trả lời khách hàng.
Điều khiển hệ thống: Tác tử AI trong các hệ thống thông minh như nhà thông minh, ô tô tự hành.
Tác tử AI là một phần quan trọng trong sự phát triển của AI, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ khách hàng và công nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã tích hợp AI để tinh gọn quy trình vận hành và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang cạnh tranh để rót vốn vào những công ty khởi nghiệp AI tiềm năng.
Vào tháng 10.2024, OpenAI đã huy động được 6,6 tỉ USD, đưa định giá công ty lên 157 tỉ USD. Vòng gọi vốn mới sẽ gần như nhân đôi mức định giá của công ty khởi nghiệp AI này.
“OpenAI có những kế hoạch rất tham vọng trên nhiều lĩnh vực và cần một lượng vốn lớn để thực hiện”, Gil Luria, chuyên gia phân tích của hãng D.A. Davidson & Co, nhận định. Ông cũng lưu ý rằng danh sách các nhà đầu tư đủ khả năng tài trợ quy mô này đang thu hẹp và có thể chỉ còn SoftBank Group, dù tập đoàn Nhật Bản này có thể không đủ vốn để đáp ứng hoàn toàn.
Ngoài ra, OpenAI đang hợp tác với SoftBank Group và Oracle để xây dựng mạng lưới trung tâm dữ liệu trị giá 500 tỉ USD trong dự án Stargate, nhằm cung cấp hạ tầng AI tại Mỹ.
OpenAI lên kế hoạch cải tổ mô hình kinh doanh, dự kiến thành lập một công ty vì lợi ích công cộng nhằm thu hút thêm vốn đầu tư, đồng thời cân bằng giữa lợi ích cổ đông và lợi ích xã hội.
Một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng OpenAI phải chuyển đổi thành công ty vì lợi nhuận trước cuối năm nay để đảm bảo gói tài trợ 40 tỉ USD do SoftBank Group dẫn đầu.
Nếu thành công, OpenAI sẽ gia nhập hàng ngũ các công ty tư nhân giá trị nhất thế giới, gồm SpaceX, ByteDance (Trung Quốc) và Stripe.
Trình tạo ảnh hoạt hình của OpenAI gây bão trên internet
Hôm 25.3, OpenAI ra mắt tính năng tạo ảnh hoạt hình ngay trong ChatGPT và nhanh chóng trở thành hiện tượng.
Công cụ mới này, được hỗ trợ bởi mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4o, cho phép người dùng tạo hình ảnh trực tiếp trong ChatGPT mà không cần chuyển qua DALL-E. Nó lập tức trở thành trào lưu, với người dùng biến ảnh thực thành chân dung phong cách anime, thường mô phỏng Hayao Miyazaki - nhà sáng lập hãng Studio Ghibl.
Ông Hayao Miyazaki (84 tuổi) nổi tiếng với phong cách vẽ tay tỉ mỉ và cách kể chuyện đầy cảm hứng. Studio Ghibli là hãng phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản đứng sau Spirited Away (Vùng đất linh hồn) và những bộ phim được yêu thích khác.
Người hâm mộ Studio Ghibli rất vui mừng khi tính năng mới trên ChatGPT cho phép họ tái tạo các meme phổ biến trên internet hoặc ảnh cá nhân dạng hoạt hình. Tuy nhiên, xu hướng này làm dấy lên những lo ngại về đạo đức liên quan đến việc các công cụ AI được huấn luyện dựa trên những tác phẩm sáng tạo có bản quyền và tác động của điều đó với tương lai của các nghệ sĩ.
Tối 26.3, một số người phát hiện rằng các yêu cầu tạo hình ảnh theo phong cách Studio Ghibli và một số nghệ sĩ khác bị chặn. OpenAI sau đó cho biết công cụ mới sẽ áp dụng "cách tiếp cận thận trọng" khi mô phỏng tính thẩm mỹ của từng nghệ sĩ. Công ty xác nhận đã thêm một "cơ chế từ chối khi người dùng cố gắng tạo hình ảnh theo phong cách của một nghệ sĩ còn sống".
Thế nhưng, OpenAI tuyên bố rằng công cụ này "cho phép mô phỏng phong cách xưởng phim rộng hơn, mà nhiều người đã sử dụng để tạo ra và chia sẻ một số tác phẩm thực sự thú vị và đầy cảm hứng của người hâm mộ".
Ảnh anime do ChatGPT tạo
Nhu cầu sử dụng quá lớn khiến Sam Altmantuyên bố sẽ áp dụng giới hạn tốc độ tạm thời trong khi đội ngũ của ông làm việc để cải thiện tính năng hình ảnh.
"Thật tuyệt khi thấy nhiều người thích tạo hình ảnh trong ChatGPT. Nhưng GPU (bộ xử lý đồ họa) của chúng tôi đang quá tải. Phiên bản miễn phí của ChatGPT sẽ chỉ được tạo 3 hình ảnh mỗi ngày trong thời gian tới", Sam Altman thông báo.
Dù vậy, tính năng này không phải là không có vấn đề, khi một số người nhận thấy ChatGPT gặp khó khăn trong việc hiển thị hình ảnh "người phụ nữ quyến rũ". Sam Altman cho biết trên mạng xã hội X rằng đó là một "lỗi" và sẽ được sửa.
Sơn Vân