Động lực chính thúc đẩy GDP
Theo dự báo mới nhất từ Oxford Economics, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới được đánh giá sẽ vượt trội so với nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN-6).
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam được kỳ vọng đạt 6,7% trong năm nay và 6,5% vào năm sau, nhờ vào sự ổn định của ngành chế biến chế tạo và sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Dự báo từ Oxford Economics tương đồng với nhận định của nhiều tổ chức tài chính khác. Vào tháng 10, ngân hàng HSBC dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025, cao nhất trong nhóm ASEAN-6.
Ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra con số 6,7% cho năm 2025, trong khi UOB dự báo Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,6% vào năm 2024, dẫn đầu ASEAN-6. Tuy nhiên, UOB cũng cảnh báo rằng căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro mới có thể xuất hiện khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong báo cáo gần đây, đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,4% cho năm nay và 6,6% vào năm 2025.
Theo Oxford Economics, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi xuất khẩu hàng chế biến chế tạo. Việt Nam hiện là trung tâm đóng gói và kiểm thử (APT) của ngành chip bán dẫn, với hai nhà máy tiêu biểu từ Intel và Amkor Technology.
Việt Nam hiện là trung tâm đóng gói và kiểm thử (APT) của ngành chip bán dẫn. Ảnh: Istock.
Mặc dù nhu cầu chip toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm tới, ngành này vẫn đóng góp tích cực. Tình trạng dư thừa tồn kho sau các đứt gãy chuỗi cung ứng đã làm yếu đi nhu cầu trong lĩnh vực ô tô, điện thoại và máy tính. Chỉ số xuất khẩu chip tại châu Á cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chip đã giảm từ đầu năm 2024.
Tại Việt Nam, sự sụt giảm sản lượng linh kiện điện tử từ giữa năm 2024 cùng với sự đi xuống trong sản xuất phụ kiện ngành điện tử cho thấy tác động rõ rệt. Tuy nhiên, ngành chế biến chế tạo được kỳ vọng sẽ có lực đẩy mới vào năm 2025, nhờ vào các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là đầu tư gia tăng vào trung tâm dữ liệu trên toàn cầu. Dù chưa sản xuất chip, vai trò trung tâm APT sẽ tiếp tục giúp Việt Nam hưởng lợi.
Ngoài chip bán dẫn, các mặt hàng xuất khẩu lớn khác như máy móc, thiết bị điện, dệt may và nông sản được dự báo duy trì đà tăng trưởng. Một yếu tố thúc đẩy nữa là việc các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu trước nguy cơ thuế quan tăng, giúp bù đắp sự suy yếu ngắn hạn của nhu cầu hàng điện tử. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa nới lỏng của Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam, bởi Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất.
FDI vẫn "sáng cửa"
Các chuyên gia từ Oxford Economics nhận định rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, dù tốc độ có phần chậm lại. Hiện tại, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và dòng vốn FDI này được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nhờ lo ngại về thuế cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
Theo tổ chức này, đầu năm sau, dòng vốn FDI vào Việt Nam có khả năng giảm tốc do sự bất định liên quan đến việc Mỹ có áp thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam hay không. Trong trường hợp áp dụng, mức thuế 10% sẽ được áp lên các mặt hàng như ô tô, kim loại, và pin năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, những tác động từ thuế suất của Mỹ sẽ chưa ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam trong năm 2025 do độ trễ từ lúc tuyên bố áp thuế đến khi thực thi.
Dòng vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nhờ lo ngại về thuế cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: VGP.
“Những ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan này có thể chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 2026. Dẫu vậy, với nền tảng sản xuất vững chắc, Việt Nam sẽ duy trì khả năng phục hồi tốt. Bên cạnh đó, vị trí chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu giúp Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc + 1”, báo cáo của Oxford Economics khẳng định.
Ở khu vực trong nước, tiêu dùng cá nhân và hoạt động của doanh nghiệp nội địa đang có xu hướng phục hồi ổn định. Mặc dù tăng trưởng tín dụng được dự báo khó quay lại mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2025, nhưng vẫn đạt mức cao hơn so với hiện tại.
Khi các doanh nghiệp nội địa khôi phục hoạt động, đầu tư cũng sẽ có dấu hiệu khởi sắc. Trong ngắn hạn, dòng vốn FDI năm nay được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Theo dự báo, tăng trưởng đầu tư năm tới có thể đạt 7,2%, cao hơn mức 6,9% ước tính của năm nay.
Về tiêu dùng, triển vọng vẫn lạc quan với mức tăng trưởng đã quay lại gần bằng giai đoạn trước đại dịch. Điều này chủ yếu nhờ mức tăng lương dự kiến trong năm 2025, đặc biệt trong khu vực FDI. Năm 2022, lương của lao động trong khu vực FDI cao hơn khu vực phi nhà nước khoảng 14%.
Ngành du lịch cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế, dù mức độ đóng góp được dự báo sẽ giảm so với năm 2024. Năm 2023, du lịch chiếm 6,6% GDP danh nghĩa, và Việt Nam đứng thứ hai ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản, về mức độ hưởng lợi từ sự hồi phục của ngành này. Báo cáo cũng cho biết, hiệu ứng lan tỏa từ thu nhập liên quan đến du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng.
Thanh Thắng