Pakistan loay hoay với cảng do Trung Quốc đầu tư xây dựng

Pakistan loay hoay với cảng do Trung Quốc đầu tư xây dựng
5 giờ trướcBài gốc
Cảng Gwadar của Pakistan. Ảnh: Wikimedia Commons.
Các chuyên gia nhận định, tình trạng bất ổn tại địa phương, thiếu các dịch vụ cơ bản, và sự vắng bóng của chiến lược phát triển dài hạn là những nguyên nhân chính.
Sau cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển Pakistan Ahsan Iqbal chủ trì, một thông cáo báo chí ngày 4/1 cho thấy, gần một thập kỷ sau khi các tàu container đầu tiên cập cảng vào năm 2016, chính quyền vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng để khai thác tiềm năng thương mại của cảng Gwadar.
Ông Iqbal nhấn mạnh sự thiếu hụt các phân tích thương mại và kế hoạch vận hành toàn diện, đồng thời yêu cầu xây dựng một kế hoạch trong vòng 6 tháng nhằm thu hút giao thương đến cảng.
Cảng Gwadar, được xây dựng vào năm 2007 với chi phí gần 250 triệu USD và vận hành bởi Công ty cảng biển Trung Quốc từ năm 2013, nằm ở vùng biển ấm của Biển Arap thuộc tỉnh Balochistan, Pakistan. Đây được coi là "ngọc quý" trong Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá khoảng 60 tỷ USD, một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ hàng hải Pakistan, trong năm tài chính 2022-2023, cảng Gwadar, nhỏ nhất trong ba cảng của Pakistan, chỉ xử lý chưa tới 1% lượng hàng hóa giao thương bằng đường biển của quốc gia.
Ông Muhammad Faisal, chuyên gia về chính sách đối ngoại Pakistan tại Đại học Công nghệ Sydney (Australia), nhận định: "Ngay từ đầu, cảng Gwadar mang tính chất địa chính trị nhiều hơn là một dự án thương mại thuần túy".
Để thúc đẩy hoạt động tại cảng, Thủ tướng Shahbaz Sharif đã chỉ đạo rằng 60% hàng hóa xuất nhập khẩu từ khu vực công phải đi qua Gwadar, sau khi yêu cầu tương tự được đưa ra vào tháng 8/2023. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi chỉ trích cảng này thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực để xử lý khối lượng hàng hóa lớn. Ông cho rằng phải đầu tư thêm từ 3 đến 4 tỷ USD nữa mới có thể gọi là cảng đẳng cấp thế giới.
Hiện tại, công ty Trung Quốc quản lý cảng Gwadar có kế hoạch xây dựng tổng cộng 100 bến tàu vào năm 2045.
Dù sân bay quốc tế mới tại Gwadar, được xây dựng bằng khoản viện trợ 230 triệu USD từ Trung Quốc, đã khánh thành vào năm 2023, nơi này vẫn chủ yếu bị bỏ không. Theo trang Skyscanner, sân bay chỉ có ba chuyến bay nội địa hàng tuần tới Karachi và một chuyến quốc tế tới Oman.
Ông Abbasi, người cũng là chuyên gia hàng không, chỉ ra rằng việc thiếu nước, điện và an ninh khiến Gwadar không thể thu hút hành khách hay các hãng hàng không.
Thêm vào đó, tình trạng bất ổn tại Balochistan, nơi diễn ra cuộc nổi dậy ly khai suốt hai thập kỷ qua, đã cản trở sự phát triển. Gần đây, một cuộc tấn công nhằm vào khu phức hợp của cảng Gwadar khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, bao gồm nhân viên an ninh và phiến quân.
Dù gặp khó khăn, cảng Gwadar vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược địa chính trị của Pakistan. Cảng này cung cấp tuyến đường ngắn hơn để Trung Quốc giao thương với Trung Đông và Trung Á.
Chuyên gia Mustafa Hyder Sayed, Giám đốc Viện Pakistan-Trung Quốc tại Islamabad, nhận định: "Mối quan hệ giữa hai quốc gia dựa trên lợi ích chiến lược dài hạn, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ dự án hay sự kiện cụ thể nào".
Dù vậy, để Gwadar phát huy hết tiềm năng, Pakistan cần một chiến lược phát triển toàn diện, đi kèm với đầu tư mạnh mẽ và nỗ lực cải thiện an ninh, hạ tầng.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo eurasiareview)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/pakistan-loay-hoay-voi-cang-do-trung-quoc-dau-tu-xay-dung-20250112100944432.htm