Pakistan mừng, Ấn Độ áp lực với lệnh ngừng bắn ông Trump hòa giải

Pakistan mừng, Ấn Độ áp lực với lệnh ngừng bắn ông Trump hòa giải
8 giờ trướcBài gốc
Ấn Độ và Pakistan đã cùng lùi bước để ngăn xung đột tại Kashmir diễn tiến thành chiến tranh toàn diện, dưới sự thúc đẩy từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng nhiều chuyên gia cho biết tham vọng trở thành cường quốc ngoại giao của Ấn Độ đang bị thách thức bởi cuộc xung đột này, nhất là sau đề nghị làm trung gian hòa giải của ông Trump.
Đến thời điểm hiện tại, lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn được hai bên tuân thủ, dù trước đó hai nước cáo buộc nhau vi phạm, theo đài CNN.
Bất lợi hay cơ hội từ sự can thiệp của Mỹ?
Vào ngày 10-5, Tổng thống Trump cho biết ông đã thành công thuyết phục lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan ngừng bắn.
“Sau nhiều phiên hội đàm do Mỹ dẫn dắt, tôi lấy làm vui khi thông báo rằng Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn toàn diện ngay lập tức” - ông Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social.
Ngay sau khi bài đăng của ông Trump được đăng tải, lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan đã xác nhận lệnh ngừng bắn này. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng cho biết hai nước “sẽ tiến hành đàm phán về nhiều vấn đề tại một địa điểm trung lập”.
Lời đề nghị làm trung gian hòa giải của ông Trump đã nhận được sự tán thưởng từ phía chính quyền Pakistan. Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif thậm chí cho rằng chỉ có Tổng thống Trump có thể “hồi sinh quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường quan hệ Mỹ-Pakistan”, theo hãng tin AP Pakistan.
Mặt khác, Ấn Độ lại không thừa nhận vai trò nào từ bên thứ ba trong lệnh ngừng bắn, bao gồm Mỹ. Bộ Thông tin Ấn Độ cho biết lệnh ngừng bắn là “do hai nước cùng đồng ý” và sẽ không có “đối thoại mở rộng” nào giữa Ấn Độ và Pakistan.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: ANI
Phản ứng trái ngược này cho thấy lập trường riêng của mỗi nước về cách thức giải quyết xung đột tại Kashmir. GS. Aparna Pande từ Viện Hudson (Mỹ) cho biết một cường quốc khu vực có sức ảnh hưởng quốc tế đáng kể như Ấn Độ từ lâu đã phản đối mọi đề xuất làm trung gian hòa giải cho những mâu thuẫn trong khu vực Nam Á.
“Ấn Độ chưa từng chấp nhận mọi hình thức trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột trong khu vực. Nhưng Pakistan - một nước lệ thuộc vào viện trợ quốc tế, họ luôn mong đợi quốc tế vào cuộc để gây áp lực buộc Ấn Độ đàm phán và giải quyết mâu thuẫn tại Kashmir.” - bà Pande chia sẻ với đài CNN.
Tuyên bố sau đó của Tổng thống Trump về việc Mỹ sẽ thúc đẩy thương mại và “làm việc với hai nước để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tại Kashmir” càng đẩy lợi thế về phía Pakistan, trong bối cảnh Washington thể hiện sự quan ngại trước những cuộc không kích vào căn cứ quân sự giữa hai quốc gia hạt nhân này.
Chuyên gia về các vấn đề Nam Á - ông Michael Kugelman cho biết lệnh ngừng bắn này “đã được chắp vá một cách vội vã” đương lúc xung đột tại Kashmir đang leo thang.
“Ấn Độ có thể sẽ không có hứng thú với các cuộc đàm phán mở rộng [mà lệnh ngừng bắn] đang thúc đẩy. Việc duy trì lệnh ngừng bắn có thể sẽ gặp nhiều thách thức” - ông Kugelman chia sẻ.
Dù vậy, cuộc xả súng tại Pahalgam (Kashmir) hôm 22-4 cũng đã mở ra lại những tranh luận về việc rút Pakistan khỏi Khối đồng minh không thuộc Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (Major non-NATO Ally) của Mỹ bởi mối quan hệ không còn mặn mà giữa hai nước sau khi chiến tranh Afghanistan kết thúc.
Chuyên gia từ Atlantic Council (Mỹ) - ông Srujan Palkar cho rằng cuộc giao tranh dữ dội từ hai nước đã phần nào bộc lộ sự “mất cân bằng về chiến lược” tại Nam Á của Mỹ, và việc chính quyền ông Trump tiếp tục duy trì trạng thái MNNA cho Pakistan đang gửi những “tín hiệu đối lập” cho Ấn Độ về mục tiêu ổn định an ninh khu vực của Washington.
Tranh cãi nội chính và dư luận
Kể từ khi cuộc thảm sát tại Pahalgam diễn ra, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhận định rằng Pakistan chịu trách nhiệm cho cuộc thảm sát và ra loạt chỉ thị cấm thị thực và thương mại với Pakistan, cũng như rút khỏi Hiệp ước nước sông Ấn.
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan tiếp tục leo thang sau khi chính quyền Modi mở Chiến dịch Sindoor được cho là để đáp trả lại cuộc xả súng bằng cách không kích vào các căn cứ của khủng bố và căn cứ quân sự của Pakistan, buộc Pakistan chính thức đáp trả lại. Cuộc tranh đấu song phương đã khiến cộng đồng quốc tế như ngồi trên chảo nóng trước nguy cơ chiến tranh toàn diện của hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Loạt tên lửa bắn vào Pakistan đã cho thấy khả năng chấp nhận rủi ro của Thủ tướng Narendra Modi cao hơn những người tiền nhiệm, nhưng lập trường cứng rắn của ông đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đảng phái chính trị và người dân Ấn Độ.
Ban lãnh đạo Lực lượng Không quân Ấn Độ họp báo hôm 11-5 về Chiến dịch Sindoor sau lệnh ngừng bắn. Ảnh: Sushil Kumar Verma/THE HINDU
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đột ngột đã khiến chính phủ của ông Modi phải chịu nhiều chỉ trích từ dư luận trong nước.
Một mặt, Lãnh đạo đối lập tại Viện Liên bang và Viện Nhân dân của Quốc hội Ấn Độ đã yêu cầu chính phủ ông Modi mở kỳ họp bất thường của Quốc hội để giải thích về vụ thảm sát tại Pahalgam, Chiến dịch Sindoor, và “thông báo ngừng bắn từ Washington DC”.
Thư ký đảng Quốc đại Ấn Độ (INP - đảng dẫn dắt chính phủ đối lập) - ông Sachin Pilot chia sẻ với tờ The Hindu rằng tuyên bố lệnh ngừng bắn của ông Trump đánh dấu lần đầu một quốc gia thứ ba đưa ra tuyên bố thay cho Ấn Độ và Pakistan.
“Đã có một nỗ lực quốc tế hóa vấn đề giữa Ấn Độ và Pakistan. Lệnh ngừng bắn này đã được tuyên bố dựa trên điều kiện nào, có đảm bảo gì để [việc nước ngoài can thiệp] này sẽ không tái diễn vì [Pakistan] không còn đáng tin sau những hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn này” - ông Pilot chất vấn.
Mặt khác, tờ The Hindu đã ghi nhận một bộ phận người dân Ấn Độ cũng đã tràn vào mạng xã hội X của Ngoại trưởng Ấn Độ - ông Vikram Misri để chỉ trích ông và gia quyến sau khi ông tuyên bố chính phủ Ấn Độ đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Pakistan.
Nguyên Thượng Nghị sĩ đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP - đảng dẫn dắt chính phủ liên hiệp) - ông Swapan Dasgupta cho biết lệnh ngừng bắn không được người dân Ấn Độ chấp nhận một phần là vì “ông Trump đột nhiên xuất hiện từ hư không và tuyên bố phán quyết của mình”.
Trong khi căng thẳng Ấn Độ-Pakistan đã tạm dừng leo thang, giữa hai nước vẫn còn một số điểm mấu chốt sẽ thách thức quyết tâm của Ấn Độ và có thể khiến nước này áp dụng lập trường cứng rắn hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan - ông Khawaja Asif cho biết vấn đề hàng đầu mà Pakistan quan tâm trong những “đối thoại mở rộng” với Ấn Độ sẽ là Hiệp ước nước sông Ấn, vấn đề tại Kashmir và nạn khủng bố đang đe dọa đến an ninh khu vực, theo AP Pakistan.
“Pakistan sẽ không đồng ý [ngừng bắn] nếu không có sự đảm bảo của Mỹ về một cuộc đối thoại mở rộng” - theo lời chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan - ông Bilawal Bhutto Zardari.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Pakistan - ông Moeed Yusuf cũng cho biết cần có một thỏa thuận rộng rãi để phá vỡ chu kỳ căng thẳng về Kashmir.
"Vì những mâu thuẫn còn tồn tại, cứ sáu tháng, một năm, hai năm, ba năm, một sự kiện như thế này lại xảy ra và sau đó hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân lại quay trở lại bờ vực chiến tranh".
MINH CHIẾN
Nguồn PLO : https://plo.vn/pakistan-mung-an-do-ap-luc-voi-lenh-ngung-ban-ong-trump-hoa-giai-post849390.html