PAN Group đầu tư hơn 9.800 tỷ vào chứng khoán kinh doanh

PAN Group đầu tư hơn 9.800 tỷ vào chứng khoán kinh doanh
7 giờ trướcBài gốc
CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group, HoSE: PAN) công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.267 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 25,2%, cải thiện so với mức 23,7% của quý 4/2023.
PAN Group cho biết các mảng kinh doanh có đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận quý 4/2024 gồm tôm xuất khẩu (114%); cá tra xuất khẩu (41%); hạt và hoa quả sấy (21%), trong khi mảng nông dược và khử trùng giữ được mức tương đương với quý 4/2023. Các mảng giống cây trồng, gạo đóng túi và bánh kẹo suy giảm nhẹ từ 8 – 10% do yếu tố lệch mùa vụ kinh doanh.
Trong đó, lĩnh vực thủy sản với tôm và cá tra xuất khẩu có lợi nhuận vượt trội trong quý IV/2024 do có thêm nhiều đơn hàng giá trị gia tăng cao kết hợp giá nguyên liệu rẻ đã mua tích trữ từ giữa năm nên biên lãi gộp lên tới 30% - 40%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 225 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Trong khi, chi phí tài chính được tiết giảm 11% về mức 134 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lần lượt 18% và 4%, ở mức 420 tỷ đồng và 242 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt 506 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 427 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2024, PAN Group đạt 16.184 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 23% so với 2023 và vượt 9% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần đầu vượt mốc nghìn tỷ đồng với 1.148 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà PAN đạt được trong lịch sử hoạt đồng và là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục lợi nhuận.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng đạt mức cao kỷ lục 594 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với năm 2023.
Ảnh minh họa
Giải trình về kết quả kinh doanh, PAN cho biết điểm chung là lợi nhuận tăng trưởng cao hơn so với doanh thu khi các yếu tố kinh doanh đầu vào (vận tải, nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi..) giảm nhiệt so với 2023, đồng thời trong năm các công ty thành viên tận dụng được nhiều thời điểm để tích trữ, thu mua được nguyên vật liệu giá thấp, từ đó cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều thành viên cũng phát triển được các thị trường mới, sản phẩm mới.
Cụ thể, CTCP Khử trùng Việt Nam (Mã: VFC) tăng trưởng 7% doanh số và 52% lợi nhuận trước thuế (LNTT); CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) tăng 36% doanh số và 39% LNTT; CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Mã: ABT) tăng trưởng 8% doanh số và 30% LNTT.
CTCP Bibica (Mã: BBC) tăng trưởng 20% doanh số và 24% LNTT; CTCP CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco) tăng 8% doanh số và 57% LNTT; doanh số CTCP Thủy sản 584 Nha Trang tăng 16% doanh số và 26% LNTT; Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã: NSC) tăng 20% về doanh số còn LNTT tăng 2% do chịu ảnh hưởng nhiều của giá lúa cao trong suốt cả năm, đi kèm với ảnh hưởng từ cơn bão Yagi.
Tại thời điểm cuối năm 2024, quy mô tài sản của PAN đạt 23.853 tỷ đồng, tăng hơn 3.800 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, PAN đang nắm giữ gần 3.000 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 12/2024, Tập đoàn PAN ghi nhận 9.895 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, tăng 48% so với đầu năm. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Tập đoàn PAN cho biết, khoản chứng khoán kinh doanh trên bao gồm chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và không quá 12 tháng tại các ngân hàng thương mại và hưởng lãi suất áp dụng.
Cuối năm 2024, tổng nợ phải trả cuối kỳ PAN là hơn 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ vay của PAN là 11.700 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm, chiếm 49% tổng nguồn vốn và vượt vốn chủ sở hữu (8.839 tỷ). Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm chủ yếu với 11.441 tỷ đồng.
Minh Vy
Nguồn Vietnamdaily : https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/pan-group-dau-tu-hon-9800-ty-vao-chung-khoan-kinh-doanh-237828.html