Penang Malaysia: Mất 50 năm để trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn của Đông Nam Á

Penang Malaysia: Mất 50 năm để trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn của Đông Nam Á
15 giờ trướcBài gốc
Penang (Malaysia) được mệnh danh là Thung lũng Silicon của phương Đông
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã thúc đẩy các nhà sản xuất chất bán dẫn dịch chuyển Đông Nam Á, và Penang, một bang của Malaysia – nổi bật nhờ vị trí chiến lược và hạ tầng công nghiệp phát triển, đã và đang trở thành cứ điểm bán dẫn hàng đầu khu vực
Năm 2022, Penang thu hút 12,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt tổng mức đầu tư từ năm 2013 đến năm 2020 cộng lại. Hàng loạt tên tuổi lớn đã đầu tư vào khu vực này. Chẳng hạn như Intel đã thành lập một nhà máy trị giá 7 tỷ USD. Micron đã thành lập nhà máy lắp ráp và thử nghiệm thứ hai. Và Infineon đã công bố kế hoạch đầu tư 5,4 tỷ USD để mở rộng cơ sở của mình trong năm năm tới.
Thủ hiến bang Penang, Chow Kon Yeow đã từng nhận định lệnh hạn chế của Mỹ đối với Trung Quốc “mang lại lợi ích cho cả Đông Nam Á, nơi nằm ngay trung tâm của châu Á-Thái Bình Dương, và tạo ra những cơ hội mới cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Malaysia".
THÀNH CÔNG CỦA PENANG KHÔNG XUẤT PHÁT TỪ SỰ MAY MẮN
Thành công của Penang không xuất phát từ may mắn. Đó là kết quả của hơn 50 năm Penang kiên trì phát triển nền tảng công nghiệp vững chắc.
Thủ hiến bang Penang, Chow Kon Yeow
Năm 1972, Penang bắt đầu thành lập khu vực thương mại tự do đầu tiên, Bayan Lepas.
Nhờ sự tham gia đầu tư của 8 công ty đa quốc gia, bao gồm National Semiconductor, Advanced Micro Devices, Intel, Litronix, Hewlett-Packard, Bosch, Hitachi và Clarion, Bayan Lepas nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất điện và điện tử (E&E) của không chỉ Penang mà còn của cả Malaysia.
Đến năm 1980, Penang đã thu hút 25 công ty lắp ráp điện tử, tạo ra 25.000 việc làm. Năm 1990, có khoảng 500 doanh nghiệp quốc tế và địa phương có trụ sở tại khu công nghiệp Penang, tạo công ăn việc làm cho 120.000 người.
Năm 2010, với 1.400 công ty sản xuất hoạt động, Penang đã tạo ra 200.000 việc làm. Trong năm này, thậm chí, thu nhập bình quân đầu người tại Penang còn cao hơn 17% so với mức trung bình quốc gia.
HẬU CẦN HIỆN ĐẠI, HÀNH LANG PHÁP LÝ MINH BẠCH GIÚP PENANG THU HÚT HÀNG LOẠT ĐẠI BÀNG
Là một trong tám công ty điện tử đầu tiên đặt chân đến Penang, tập đoàn Bosch đã hiện diện tại đây từ hơn một thế kỷ. Hiện nay, Penang là nơi tọa lạc cơ sở sản xuất lớn nhất của Bosch tại Đông Nam Á.
Vào tháng 8 năm ngoái, Bosch tiếp tục củng cố vị thế tại Penang bằng việc khai trương một cơ sở phụ trợ bán dẫn mới, chuyên thử nghiệm giai đoạn cuối cho chip và cảm biến ô tô – một bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Tính đến cuối năm 2023, Bosch đã đầu tư tổng cộng 235 triệu ringgit (khoảng 50 triệu USD) vào Malaysia, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.
Nhà máy Bosch tại Penang
Lý giải sức hút của Penang, ông Klaus Landhaeusser, Giám đốc Điều hành Bosch Malaysia, cho biết quyết định lựa chọn Penang làm địa điểm sản xuất chiến lược nhờ những lợi thế như hệ thống quy định minh bạch và cơ sở hạ tầng hậu cần hiện đại.
Penang cũng là nơi đặt một trong những dây chuyền sản xuất quan trọng nhất của Intel. Nhà sản xuất chip này đã gia nhập Penang vào năm 1972, và chỉ sau ba năm, các cơ sở tại đây đã đóng góp hơn một nửa tổng công suất lắp ráp toàn cầu của Intel. Cách đây 4 năm, tập đoàn đã công bố khoản đầu tư 7 tỷ USD để xây dựng nhà máy đóng gói chip 3D tiên tiến đầu tiên bên ngoài Hoa Kỳ, đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược toàn cầu của mình.
Cơ sở hạ tầng hậu cần, vận chuyển tiên tiến, môi trường sống lý tưởng với các trường học chất lượng quốc tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đã biến nơi đây thành một điểm đến lý tưởng cho chuyên gia và gia đình họ từ khắp nơi trên thế giới.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia cũng đang tận dụng hệ sinh thái công nghiệp có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia, đổ xô đến hòn đảo này để đồng hành cùng các đại bàng với vai trò là nhà cung cấp bản địa.
PENANG HIỆN ĐỐI DIỆN VỚI KHÔNG ÍT THÁCH THỨC
Ngành sản xuất bán dẫn bao gồm bốn giai đoạn chính: thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm. Trong số này, Malaysia nổi bật với thế mạnh về đóng gói và thử nghiệm, chiếm khoảng 13% thị phần toàn cầu.
Quy trình đóng gói và thử nghiệm xử lý các tấm wafer đã qua kiểm định, tạo ra các chip hoàn chỉnh, và đòi hỏi một lượng lớn nước sạch. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với Penang, nơi nguồn tài nguyên nước và đất đai bị hạn chế bởi đặc điểm địa lý của hòn đảo.
Thủ hiến bang Penang, Chow Kon Yeow thẳng thắn thừa nhận rằng Penang đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung nước. Tình trạng thiếu nước ngày càng cấp bách do biến đổi khí hậu và ô nhiễm nguồn nước. Hiện tại, hòn đảo chỉ có thể đáp ứng 15% nhu cầu nước nội địa và phải phụ thuộc vào nguồn cung từ bang Kedah lân cận để bù đắp phần còn lại.
Khi nhu cầu sản xuất ngày càng tăng lên, sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Penang sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không thể đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định. Chưa kể, chính quyền bang Penang dự báo rằng quỹ đất sẽ bị sử dụng hết vào năm 2030.
Malaysia đối diện với tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn
Chưa kể, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Malaysia trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) những năm qua đều chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ nước này (mục tiêu 60%). Cuộc cạnh tranh toàn cầu về nhân tài trong ngành bán dẫn ngày càng gay gắt, trong khi mức lương tương đối thấp tại Malaysia khiến việc thu hút nhân tài cho ngành trở nên khó khăn.
Thủ hiến Penang cho biết, Chính phủ Malaysia đã nhận thức rõ vấn đề này và đang có biện pháp tăng lương. “Mức lương khởi điểm cho sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật đã tăng từ 3.000 ringgit lên khoảng 4.500 ringgit. Chính phủ cũng đang cung cấp học bổng và thúc đẩy đào tạo nghề để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng đang kêu gọi các nhà tuyển dụng chung tay tăng chỉnh mức lương kỹ sư để thu hút nhân tài và tránh tình trạng chảy máu chất xám.
MALAYSIA THAM VỌNG XÂY DỰNG CHUỖI GIÁ TRỊ BÁN DẪN TOÀN DIỆN
Xác định công nghiệp bán dẫn trở thành trụ cột kinh tế của đất nước, một số bang của Malaysia cũng đang tham vọng giành cho mình một phần trong miếng bánh này.
Bang Selangor, với sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang, đang xây dựng khu công nghiệp thiết kế mạch tích hợp (IC) lớn nhất Đông Nam Á, dự kiến hoạt động từ tháng 7, kèm các ưu đãi như trợ cấp, miễn thuế, và thị thực. Bang Sarawak cũng không ngoài cuộc khi đã hợp tác với một công ty của Anh để ra mắt Sarawak Microelectronics Design (SMD) Semiconductors, trung tâm thiết kế chip.
Mặc dù có lo ngại rằng sự cạnh tranh này có thể làm suy giảm vị thế của Penang, các chuyên gia tại đất nước này cho biết mỗi bang có thể tập trung vào các công đoạn khác nhau, từ đó bổ sung cho nhau và tạo nên một chuỗi cung ứng bán dẫn toàn diện tại Malaysia.
Hiện tại, ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia chủ yếu tập trung vào các công đoạn đóng gói và thử nghiệm – phân khúc cuối cùng trong chuỗi cung ứng, nơi giá trị gia tăng và lợi nhuận còn khá hạn chế. Tuy nhiên, các nhà chức trách Malaysia mong muốn thay đổi tình hình này, đặt mục tiêu nâng cấp ngành công nghiệp lên các phân khúc trung và cao cấp hơn trong chuỗi giá trị.
Chúng tôi hoàn toàn có thể xây dựng một hệ sinh thái thượng nguồn mới, trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu chuỗi giá trị bán dẫn hoàn chỉnh
Wong Siew Hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia
Các chuyên gia nhận định rằng mặc dù nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn đã thiết lập các cơ sở tại Malaysia, thế nhưng, mức độ liên kết giữa họ với các doanh nghiệp địa phương vẫn còn khá lỏng lẻo, đồng thời việc chuyển giao công nghệ diễn ra rất hạn chế.
Lĩnh vực chế tạo wafer tại Malaysia phát triển chậm, chủ yếu do các nhà cung cấp địa phương thiếu sự năng động và ít tham gia vào các công đoạn giá trị gia tăng, làm suy giảm tiềm năng đổi mới.
Thực tế, không chỉ riêng Malaysia, đây là tình trạng chung của hầu hết các quốc gia tại Đông Nam Á, bao gồm cả Thái Lan và chính Việt Nam. Các thị trường hiện chủ yếu tập trun tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, mà chưa chú trọng đầy đủ đến việc phát triển công nghệ nội địa...
Hạ Chi
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/penang-malaysia-mat-50-nam-de-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-ban-dan-cua-dong-nam-a.htm