Perplexity đề nghị sáp nhập với TikTok ở Mỹ khi ông Trump có thể hoãn lệnh cấm trong 90 ngày

Perplexity đề nghị sáp nhập với TikTok ở Mỹ khi ông Trump có thể hoãn lệnh cấm trong 90 ngày
4 giờ trướcBài gốc
"Việc gia hạn 90 ngày là điều rất có khả năng xảy ra, vì nó phù hợp. Nếu quyết định làm điều đó, có lẽ tôi sẽ công bố vào thứ Hai (20.1)", ông Trump nói với kênh NBC.
TikTok là ứng dụng thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), thu hút gần một nửa số dân số Mỹ sử dụng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và định hình văn hóa trực tuyến.
Hôm 17.1, TikTok cho biết sẽ ngừng hoạt động tại Mỹ vào ngày 19.1 trừ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm đảm bảo rằng các công ty như Apple và Google sẽ không bị phạt hoặc chịu hậu quả pháp lý vì tiếp tục hỗ trợ ứng dụng này khi có lệnh cấm.
Hôm 18.1, Nhà Trắng đã bác bỏ bình luận này của TikTok, gọi đó là một chiêu trò, đồng thời nhấn mạnh rằng việc hành động phụ thuộc vào chính quyền Trump sắp tới, làm tăng khả năng ứng dụng sẽ ngừng hoạt động vào ngày 19.1.
"Chúng tôi không thấy lý do nào để TikTok hoặc các công ty khác phải hành động trong vài ngày tới trước khi chính quyền Trump nhậm chức vào thứ Hai", Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời ông Biden, cho biết trong một tuyên bố.
TikTok chưa trả lời ngay lập tức câu hỏi về tuyên bố mới của Nhà Trắng. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hôm 17.1 đã cáo buộc Mỹ sử dụng quyền lực không công bằng để đàn áp TikTok. "Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình", phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói.
Theo một đạo luật được Tổng thống Biden ký vào tháng 4.2024 và được Tòa án Tối cao nhất trí giữ nguyên hôm 18.1, TikTok có thời hạn đến 19.1 để cắt đứt quan hệ với công ty mẹ ByteDance hoặc phải ngừng hoạt động tại Mỹ để giải quyết lo ngại rằng ứng dụng này đe dọa an ninh quốc gia.
Hiện không rõ TikTok có đáp ứng được tiêu chuẩn pháp lý cao để được ông Trump gia hạn 90 ngày hay không, điều này yêu cầu có các thỏa thuận ràng buộc để ByteDance hoàn tất việc bán TikTok ở Mỹ vào giữa tháng 4 tới.
Nhiều người dùng trên TikTok đã nói lời tạm biệt. Một số nhà sáng tạo TikTok tự quay cảnh mình đang cuộn trang một cách điên cuồng hoặc chia sẻ những bí mật cuối cùng với những người theo dõi trước lệnh cấm.
"Có ai biết lệnh cấm TikTok có hiệu lực vào Chủ nhật hay chúng ta vẫn có cả ngày Chủ nhật để tiếp tục sáng tạo không? Tôi cần lên kế hoạch phù hợp", nhà sáng tạo Britany Williams nói trong một video gửi tới 64.000 người theo dõi cô.
Tòa án Tối cao hôm 17.1 duy trì luật cấm TikTok tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia nếu ByteDance không bán ứng dụng này. Quyết định với tỷ lệ 9-0 (9 đồng ý, 0 phản đối) của các thẩm phán Tòa án Tối cao đã đẩy TikTok cùng hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ vào tình trạng bấp bênh. Số phận của TikTok nằm trong tay Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump từng cam kết cứu TikTok sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 20.1.
Nếu Biden không chính thức kích hoạt việc trì hoãn thời hạn thêm 90 ngày, các công ty cung cấp dịch vụ cho TikTok hoặc lưu trữ ứng dụng có nguy cơ bị thiệt hại tài chính nặng nề.
Các chuyên gia cho rằng ông Trump cũng có thể chỉ đạo Bộ Tư pháp "giảm ưu tiên" hoặc không thực thi luật, nhưng không rõ điều đó có đủ để bảo vệ pháp lý cho các nhà cung cấp ứng dụng như Apple, Google cũng như Oracle (cung cấp khả năng lưu trữ dữ liệu quan trọng và các dịch vụ khác cho TikTok).
Sự không chắc chắn về tương lai của TikTok đã khiến người dùng, chủ yếu là giới trẻ, đổ xô sang các ứng dụng thay thế, gồm cả RedNote của Trung Quốc. Các đối thủ của TikTok như Meta Platforms và Snap chứng kiến giá cổ phiếu tăng trong tháng 1 trước khi lệnh cấm TikTok diễn ra, do các nhà đầu tư đặt cược vào sự gia tăng người dùng và doanh thu quảng cáo.
Các công ty tiếp thị phụ thuộc vào TikTok đã gấp rút chuẩn bị kế hoạch dự phòng trong tuần này trong khoảnh khắc mà một giám đốc mô tả là "cuộc khủng hoảng lớn" sau nhiều tháng cho rằng có giải pháp để duy trì hoạt động của ứng dụng.
Đã có những dấu hiệu cho thấy TikTok có thể hoạt động trở lại dưới thời ông Trump, người tuyên bố muốn theo đuổi "giải pháp chính trị" cho vấn đề này và tháng trước thúc giục Tòa án Tối cao Mỹ tạm dừng việc thực hiện lệnh cấm.
Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, dự kiến sẽ tham dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ và một cuộc mít-tinh với ông Trump hôm 19.1, theo một nguồn tin của Reuters.
"TikTok đóng vai trò quan trọng với lợi ích của Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ. Với đòn bẩy đó, Trump có nhiều cơ hội hơn để đạt được điều ông muốn: TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ mà không có bất kỳ mối đe dọa nào với an ninh quốc gia", theo Michael Sobolik, thành viên cấp cao và chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Viện nghiên cứu Hudson Institute.
Perplexity muốn sáp nhập với TikTok ở Mỹ
Tỷ phú Frank McCourt (chủ sở hữu CLB bóng đá Olympique Marseille và chủ cũ đội bóng chày L.A Dodgers) và Kevin O'Leary (một trong những "cá mập" của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank) gần đây bày tỏ ý muốn mua TikTok ở Mỹ. Frank McCourt tin rằng TikTok có giá khoảng 20 tỉ USD mà không bao gồm cả thuật toán của nó. Frank McCourt là doanh nhân và tỷ phú người Mỹ, nổi tiếng với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, thể thao và công nghệ.
Nếu thành công, nhóm này cho biết sẽ xây dựng lại nền tảng theo cách ưu tiên quyền riêng tư của khoảng 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.
“Cùng với Frank, chúng tôi hướng đến mục tiêu cung cấp một nền tảng do người Mỹ sở hữu, bảo vệ an ninh quốc gia. Tôi tin tưởng rằng tầm nhìn chung của chúng tôi, kết hợp với sự nhạy bén trong kinh doanh của Tổng thống đắc cử Trump, sẽ dẫn đến một thỏa thuận có lợi cho tất cả mọi người”, Kevin O'Leary cho biết trong một tuyên bố.
Trước đây, Kevin O'Leary (người Canada) đã bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với các nhà đầu tư khác để mua TikTok ở Mỹ, khởi động một nỗ lực gây quỹ cộng đồng hiện sẽ được đưa vào People's Bid for TikTok. Dự án The People's Bid for TikTok đã đảm bảo được sự hỗ trợ từ ngân hàng đầu tư Guggenheim Securities và Kirkland & Ellis (một trong những công ty luật lớn nhất thế giới).
“Kevin là người ủng hộ không ngừng nghỉ quyền sở hữu mới của TikTok vì ông hiểu được cơ hội to lớn mà việc mua lại nền tảng này mang đến cho các nhà đầu tư, hàng triệu người sáng tạo dựa vào TikTok để kiếm sống và những người Mỹ bình thường yêu thích nền tảng này. Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng công nghệ hoàn toàn mới, do người Mỹ sản xuất và tiếp tục là nhà thầu khả thi duy nhất có thể cung cấp quá trình chuyển đổi liền mạch cho mọi người trên TikTok mà không cần thuật toán hiện có”, Frank McCourt tuyên bố.
Frank McCourt cho biết nỗ lực “kết hợp của cả hai sẽ mang lại một động lực đáng kể” cho thương vụ, nhưng không cung cấp các con số tài chính.
Thông qua Dự án Liberty, Frank McCourt từng đưa ra đề xuất trị giá hơn 20 tỉ USD để mua TikTok và mở ra cái mà ông gọi là bình minh của một "mạng internet được thay thế, nâng cấp" cho phép người dùng kiểm soát nhiều hơn dữ liệu cá nhân của họ. Dự án Liberty gồm cả một tổ chức vì lợi nhuận và một tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, Frank McCourt nhấn mạnh: "Rất khó để có độ chính xác liên quan đến các chi tiết cụ thể của một thương vụ tiềm năng vì rõ ràng là chúng ta không biết ByteDance đang bán cái gì".
Hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Elon Musk, tỷ phú và đồng minh của ông Trump, song công ty đã phủ nhận điều đó.
Perplexity muốn sáp nhập với TikTok ở Mỹ - Ảnh: Internet
Theo Reuters, Perplexity (công ty khởi nghiệp công cụ tìm kiếm trí tuệ nhân tạo của Mỹ) hôm 18.1 đã đưa ra đề nghị cho ByteDance để sáp nhập với TikTok ở Mỹ và tạo nên một thực thể mới bằng cách kết hợp công ty sáp nhập với New Capital Partners.
Perplexity cung cấp công cụ tìm kiếm kiểu hội thoại dựa vào chatbot AI để tóm tắt kết quả tìm kiếm, liệt kê các trích dẫn cho câu trả lời và giúp người dùng tinh chỉnh các truy vấn để nhận được phản hồi tốt nhất.
Thay vì trả kết quả tìm kiếm bằng những liên kết màu xanh da trời theo kiểu của Google, Perplexity tạo ra câu trả lời dạng tường thuật nội dung với các trích dẫn có kèm theo liên kết chứa thông tin nguồn. Sau đó, người dùng có thể đặt các câu hỏi cụ thể hơn để tìm các thông tin chi tiết.
Bằng cách nhấn mạnh vào độ chính xác, Perplexity nhanh chóng tạo ra sự khác biệt cho chatbot của công ty trong một thị trường ngày càng đông đúc. Bộ máy tìm kiếm của Perplexity đã thu hút được những người nổi tiếng. Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, từng cho biết sử dụng chatbot AI của Perplexity hầu như mỗi ngày.
Perplexity đang cung cấp các phiên bản miễn phí và trả phí. Công ty ước tính doanh thu phí hàng năm từ người dùng khoảng 20 triệu USD.
New Capital Partners là công ty đầu tư tư nhân có trụ sở tại thành phố Birmingham, bang Alabama, Mỹ. Công ty này tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc các ngành như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, công nghệ và những lĩnh vực liên quan. New Capital Partners thường làm việc với các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao và hỗ trợ họ trong việc mở rộng quy mô, cải thiện hoạt động và tăng giá trị doanh nghiệp.
ByteDance (công ty tư nhân) có khoảng 60% thuộc sở hữu của các nhà đầu tư tổ chức như BlackRock và General Atlantic, trong khi các nhà sáng lập và nhân viên sở hữu mỗi bên 20%.
TikTok hiện có khoảng 7.000 nhân viên tại Mỹ và sự bất ổn xoay quanh lệnh cấm khiến họ lo lắng về tương lai. Sau khi một tòa phúc thẩm Mỹ vào đầu tháng 12.2024 duy trì luật yêu cầu bán hoặc cấm ứng dụng, nhiều nhân viên TikTok đã bắt đầu lo ngại về khả năng mất việc. Song sau thời điểm đó, TikTok vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân sự, khiến nhiều người bối rối và tìm lời khuyên trên các diễn đàn ẩn danh.
Ở hồ sơ tháng trước, TikTok ước tính khoảng 1/3 trong số 170 triệu người dùng Mỹ sẽ ngừng truy cập nền tảng này nếu lệnh cấm kéo dài một tháng.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/perplexity-de-nghi-sap-nhap-voi-tiktok-o-my-khi-ong-trump-co-the-hoan-lenh-cam-trong-90-ngay-228414.html