Peru từ chối đầu tư vào dự án đường sắt Brazil-Trung Quốc qua Amazon

Peru từ chối đầu tư vào dự án đường sắt Brazil-Trung Quốc qua Amazon
11 giờ trướcBài gốc
Cảng Chancay ở Peru. (Ảnh: CGTN)
Ngày 12/7, Ngoại trưởng Peru Elmer Schialer tuyên bố không quốc gia nào có thể tiếp cận Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của nước này.
Phát biểu của ông Schialer được đưa ra sau khi Brazil và Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ nhằm khởi động các nghiên cứu về khả năng xây dựng tuyến đường sắt kết nối bang Bahia với cảng Chancay của Peru đi qua rừng rậm Amazon.
Ngoại trưởng Schialer cũng cho biết Peru từ lâu đã khuyến khích việc kết nối hạ tầng giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Điển hình là Sáng kiến Tích hợp Cơ sở hạ tầng Khu vực ở Nam Mỹ (IIRSA)-một sáng kiến của 12 quốc gia Nam Mỹ nhằm quy hoạch và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông trong khu vực, với mục tiêu đẩy mạnh hội nhập và tăng trưởng công bằng.
Tuy nhiên, ông thừa nhận dự án đường sắt gặp nhiều khó khăn về môi trường, kỹ thuật và tài chính.
Trước đó, Thủ tướng Peru Eduardo Arana khẳng định nước này “không cấp phép và cũng không có ý định đầu tư” vào dự án đường sắt của Brazil và Trung Quốc.
Ngày 7/7, Brazil và Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy nghiên cứu và quy hoạch hệ thống giao thông tích hợp kết nối Brazil với cảng Chancay của Peru thông qua một tuyến đường sắt xuyên lục địa.
Đây là một bước đi quan trọng trong việc tăng cường liên kết khu vực và hội nhập vào chuỗi vận tải toàn cầu, đặc biệt là với thị trường châu Á.
Biên bản ghi nhớ được ký giữa công ty Brazil Infra, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải Brazil và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quy hoạch Đường sắt Trung Quốc, một đơn vị trực thuộc tập đoàn quốc doanh China State Railway Group.
Theo thỏa thuận này, phía Brazil sẽ mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các dự án nhượng quyền trong lĩnh vực đường sắt tại nước này.
Tuyến đường sắt mới, nếu được hiện thực hóa, sẽ đóng vai trò là một phần trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu với mục tiêu thúc đẩy kết nối thương mại quốc tế.
Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành "trục xương sống" của tuyến vận tải xuyên lục địa mới, giúp Brazil gia tăng sức cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Brazil hiện nay.
Trung tâm của kế hoạch này là cảng Chancay, nằm cách thủ đô Lima (Peru) khoảng 80 km về phía bắc. Đây là cảng biển hiện đại và tự động hóa bậc nhất khu vực Mỹ Latinh, với 60% cổ phần thuộc về tập đoàn nhà nước Trung Quốc Cosco Shipping và 40% còn lại do công ty khai khoáng Peru Volcán Companĩá Minera nắm giữ.
Cảng Chancay được xem là “cửa ngõ chiến lược” giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa giữa Nam Mỹ và các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nhờ khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng tải và hệ thống hạ tầng hậu cần hiện đại.
Dự kiến, cảng Chancay sẽ chính thức đi vào vận hành từ cuối năm 2025, đánh dấu bước ngoặt trong kết nối thương mại xuyên Thái Bình Dương, đồng thời mở ra cơ hội mới cho Brazil, Peru và toàn khu vực trong việc khai thác tiềm năng giao thương với châu Á./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/peru-tu-choi-dau-tu-vao-du-an-duong-sat-brazil-trung-quoc-qua-amazon-post1049398.vnp