PGS.TS. Bùi Quang Bình: Tư duy 'mở' về khu thương mại tự do Đà Nẵng

PGS.TS. Bùi Quang Bình: Tư duy 'mở' về khu thương mại tự do Đà Nẵng
6 giờ trướcBài gốc
Khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất với diện tích khoảng 1.000 héc ta - quy mô nhỏ này sẽ hạn chế các tập đoàn đa quốc gia cần quỹ đất lớn, mà chỉ có thể thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Cơ hội từ FTZ Đà Nẵng
KTSG: Báo cáo Logistics Việt Nam 2024: Khu thương mại tự do vừa được Bộ Công Thương công bố đã chỉ ra những thách thức đối với việc hình thành khu thương mại tự do (FTZ) tại Việt Nam, trong đó, có FTZ đầu tiên tại Đà Nẵng. Theo đó, tại thời điểm này, FTZ Đà Nẵng sẽ phải cạnh tranh với các FTZ đã vận hành, chúng ta cũng sẽ gặp khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics và các FTZ... Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
- PGS.TS. Bùi Quang Bình: Quyết định xây dựng FTZ đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng, ngoài việc bắt nguồn từ mong muốn của Đà Nẵng thì còn là một lựa chọn có tính chiến lược, dựa trên những điểm mạnh của Đà Nẵng để có thể hình thành và phát triển mô hình này.
Thứ nhất, về vị trí địa lý, Đà Nẵng là trung tâm của Việt Nam, tức là trung tâm của cả khu vực ASEAN, trung tâm của khu vực kinh tế năng động Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ở những thế kỷ trước, cảng Đà Nẵng là một trong những cảng biến lớn nhất trong khu vực, tham gia rất sớm vào mậu dịch quốc tế và là nơi có chi nhánh của các công ty vận tải đường thủy lớn nhất Đông Dương. Hiện tại, tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông đang vận chuyển khoảng một phần ba tổng lượng hàng hóa toàn cầu và với việc xây dựng cảng nước sâu Liên Chiểu, Đà Nẵng có thể trở thành điểm trung chuyển, quá cảnh hàng hóa cho khu vực và thế giới. So với các FTZ trong khu vực như tại Thượng Hải (Trung Quốc) hay Singapore, Đà Nẵng đang ở vị trí đắc địa hơn.
Thứ hai, vì đã tham gia vào mậu dịch quốc tế từ những thế kỷ trước, Đà Nẵng có kinh nghiệm phong phú hơn, đội ngũ nhân lực các ngành thương mại dịch vụ, logistics của Đà Nẵng tốt nhất ở khu vực miền Trung. Đà Nẵng cũng là trung tâm giáo dục - đào tạo, vì vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho FTZ và các ngành sản xuất trong FTZ sẽ thuận lợi hơn.
Quan trọng nhất, Việt Nam xác định sẽ phát triển các FTZ, khởi đầu từ Đà Nẵng. Lợi thế của Đà Nẵng là lợi thế của Việt Nam và đây cũng sẽ là nơi được thử nghiệm những cơ chế, chính sách thông thoáng nhất, nếu áp dụng thành công ở Đà Nẵng sẽ được áp dụng ở các FTZ khác.
Đà Nẵng phát triển FTZ sau nhưng vì vậy lại có thể học hỏi, rút kinh nghiệm, lựa chọn mô hình phát triển phù hợp nhất theo điều kiện thực tế của thành phố. Do đó, dựa trên cơ sở tổng kết, đối chứng với sáu FTZ trên thế giới, Đà Nẵng dự định chọn mô hình phức hợp, đa chức năng theo cơ chế liên thông khu trong khu.
KTSG: Theo tờ trình về Đề án thành lập FTZ Đà Nẵng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lộ trình xây dựng và vận hành FTZ Đà Nẵng có hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ khi thành lập tới năm 2029 và giai đoạn 2 từ sau năm 2029. Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của năm 2024, ông nhìn nhận như thế nào về khả năng hiện thực hóa lộ trình này?
- Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cho thành phố thời hạn năm năm để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có việc hình thành và vận hành FTZ Đà Nẵng. Hiện Đà Nẵng đang cố gắng hết sức để hoàn thiện đề án, trình Thủ tướng phê duyệt, để sớm có quyết định thành lập FTZ Đà Nẵng. Sau đó, thành phố phải quyết liệt triển khai ngay mới có thể kịp mốc 2029 mà Quốc hội đề ra.
Như vậy, giai đoạn từ khi thành lập tới năm 2029 là vô cùng quan trọng. Giai đoạn này cần số vốn đầu tư lớn, dự kiến chiếm khoảng 90% tổng số vốn đầu tư, chủ yếu cho công tác giải phóng mặt bằng. Đây là giai đoạn cực kỳ khó, yêu cầu phải cực kỳ nỗ lực bởi lẽ nếu không có mặt bằng thì sẽ không thể xây dựng được bất cứ một hạ tầng nào cho FTZ. Khi đã có hạ tầng sẽ tới giai đoạn hình thành khung chức năng. Nếu không triển khai sớm thì sẽ không tận dụng được về cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 136/2024/QH15, làm mất đi lợi thế cạnh tranh của FTZ Đà Nẵng trong mắt nhà đầu tư.
KTSG: Đà Nẵng ước tính khu thương mại tự do có thể đóng góp 8-9% vào GRDP của địa phương, thu hút 41.000 lao động vào năm 2030 và đóng góp 25% vào GRDP, thu hút 137.000 lao động vào năm 2050. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?
- Đây là những kỳ vọng của Đà Nẵng, dựa trên những giả định được phía tư vấn đưa ra. Nghĩa là, nếu lộ trình xây dựng FTZ Đà Nẵng được đảm bảo, số lượng nhà đầu tư tham gia vào ngành logistics, các ngành sản xuất công nghệ cao, thương mại dịch vụ đạt được như mong muốn ban đầu thì đóng góp cho GRDP Đà Nẵng sẽ đạt mức tương ứng như trên.
Tuy nhiên, ngay cả tờ trình nói trên cũng sẽ phải có những sự điều chỉnh nhất định. Sau đó, khi triển khai trên thực tế, dựa trên những điều kiện chủ quan và các tác động khách quan thì mức độ đóng góp của FTZ Đà Nẵng cho kinh tế địa phương sẽ có những thay đổi nhất định, có thể tốt hơn hoặc không đạt như mong muốn.
Dù thế nào, FTZ là cơ hội để Đà Nẵng tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của thành phố. Tăng trưởng của Đà Nẵng đang có xu hướng chậm lại và FTZ cho phép Đà Nẵng vượt qua giới hạn của không gian địa lý rất hạn chế để vươn tầm với một quy mô kinh tế không chỉ trong phạm vi miền Trung, cả nước mà còn vươn tầm quốc tế.
Để thu hút nhà đầu tư chiến lược
KTSG: Trong một diễn đàn về chủ đề này, ông từng nêu ý kiến, với dự án FTZ Đà Nẵng, chúng ta cần một cơ chế, chính sách mở, vì nếu “đóng” thì sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư. Liệu ông có thể giải thích rõ hơn về quan điểm này?
- Tinh thần của Nghị quyết 136/2024/QH15 đã rất cởi mở, thông thoáng, cho phép thí điểm các chính sách chưa từng có ở Việt Nam nhưng vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện các cơ chế, chính sách của FTZ Đà Nẵng được đề xuất dựa trên đối sánh với sáu FTZ khác trên thế giới như ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược, khu phi thuế quan, các miễn giảm thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng...
Dù vậy, thu hút đầu tư vào một FTZ mới như Đà Nẵng sẽ tương tự như việc bán hàng, mỗi đối tượng khách hàng có một nhu cầu, mong muốn khác nhau. Điều kiện này là thông thoáng với nhà đầu tư này nhưng chưa chắc đã đủ thông thoáng với nhà đầu tư khác. Tương tự, những điểm vướng mắc với doanh nghiệp này lại không là vướng mắc với doanh nghiệp khác. Do đó, ngay cả khi đã có một khung ưu đãi chung, vẫn có thể có những sự điều chỉnh nhất định theo nguyện vọng nhà đầu tư và khả năng đáp ứng của phía Việt Nam.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực logistics, xương sống của FTZ Đà Nẵng, nhà đầu tư sẽ tự xây dựng cơ sở hạ tầng rồi cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại hay phía Việt Nam sẽ tự xây dựng cơ sở hạ tầng, rồi kêu gọi nhà đầu tư sơ cấp tham gia phân phối cho các nhà đầu tư thứ cấp. Việt Nam chưa có doanh nghiệp tầm cỡ thế giới về logistics, hàng hóa quốc tế thường chiếm tới 70% tại các FTZ, vì vậy, cần cân nhắc nhắm trước các nhà đầu tư chiến lược về logistics, là những doanh nghiệp quốc tế đã có hoạt động tại Việt Nam như DHL, DB Schenker, CJ Logistics, FedEx..., mời gọi họ tham gia đầu tư vào FTZ Đà Nẵng. Nhằm tăng tính hấp dẫn của FTZ Đà Nẵng, có thể để họ đưa ra các yêu cầu, đề nghị, trên cơ sở nguồn lực và khung khổ pháp lý của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, thỏa thuận với họ để cả hai bên đều đạt được lợi ích tối đa.
KTSG: Một điểm khác được nhiều người quan tâm là làm sao để doanh nghiệp nội tham gia nhiều hơn trong đầu tư xây dựng hạ tầng và sự hoạt động của FTZ Đà Nẵng. Quan điểm của ông như thế nào?
- Đầu tiên, phải thu hút được nhà đầu tư chiến lược, là những doanh nghiệp lớn. Nếu đó là doanh nghiệp nội địa thì vô cùng tốt, còn nếu là doanh nghiệp nước ngoài thì vẫn rất tốt. Tôi được biết, Bộ Công Thương và Đà Nẵng đã có những hoạt động xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp nội địa và một số doanh nghiệp cũng đã tham gia. Chẳng hạn, dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung của cảng Liên Chiểu do một liên doanh các nhà thầu xây dựng Việt Nam đảm nhận.
Nhưng đã có cảng thì phải có hàng, do đó, cần thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp logistics quốc tế như đã đề cập ở trên. Bản thân khu vực sản xuất trong FTZ Đà Nẵng cũng sẽ cung ứng một lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng, nghĩa là, cần sớm thu hút được doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao, chip bán dẫn vào xây dựng nhà máy tại đây.
Về nguyên tắc, đã hoạt động trong FTZ, doanh nghiệp nội địa hay doanh nghiệp nước ngoài đều được hưởng các ưu đãi chung và được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển.
Hoàng Hạnh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/pgs-ts-bui-quang-binh-tu-duy-mo-ve-khu-thuong-mai-tu-do-da-nang/