PGS.TS Lê Minh Thông: 'Cần cuộc cách mạng thực sự về bộ máy' để đất nước vươn mình

PGS.TS Lê Minh Thông: 'Cần cuộc cách mạng thực sự về bộ máy' để đất nước vươn mình
2 giờ trướcBài gốc
Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn".
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" có thể xem là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân bước vào một công cuộc mới – công cuộc phát triển mạnh mẽ để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện mục tiêu đến 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: P.H.
Ông Thông nêu, gần 40 năm đổi mới vừa qua có thể gọi là "kỷ nguyên đổi mới" - kỷ nguyên làm nên những kỳ tích của Việt Nam, đã giải phóng được những nguồn lực phát triển rất lớn để Việt Nam có được cơ đồ, vị trí như ngày nay. Tuy nhiên, theo ông Thông, những động lực, nguồn lực phát triển trong 40 năm qua đã đến ngưỡng, nếu không tạo ra động lực mới, không tạo ra xung lực mới thì sẽ bị luẩn quẩn trong bẫy thu nhập trung bình.
"Có thể nói, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nghĩa là bước vào cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta phải tổ chức lại lực lượng, tạo ra động lực mới, nguồn lực mới để tạo ra những bước nhảy vọt, có tính đột phá để đất nước phát triển, có thu nhập cao", ông Thông nhấn mạnh.
Nêu việc hiện nay, bên cạnh những thành tựu, thuận lợi, thời cơ, đất nước cũng đứng trước vô vàn những khó khăn, ông Thông cho rằng, nếu không có quyết tâm chính trị cao, có cách làm quyết liệt thì khó có thể vượt qua thách thức. Một trong những thách thức ấy là phải tạo ra động lực mới. "Động lực mới không tự nhiên mà có, chúng ta phải tạo ra, cũng như chúng ta từng tạo ra nguồn lực, động lực mới trong 40 năm đổi mới đất nước", ông Thông nói.
PGS.TS Lê Minh Thông nêu, trong 7 định hướng để đất nước vươn mình của Tổng Bí thư Tô Lâm, có 4 định hướng liên quan đến vấn đề thể chế. Theo ông Thông, có thể nói thể chế là một điểm nghẽn căn bản, là một thách thức phải vượt qua.
"Nhân vật làm ra thể chế chính là hệ thống chính trị. Đột phá thể chế thì trước hết phải đột phá vào nơi sản sinh ra, đó là hệ thống chính trị. Đổi mới hệ thống chính trị là khâu đột phá trong đột phá về thể chế", ông Thông khẳng định.
Phân tích thêm, ông Thông nói, đổi mới về hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả cần được xem là "một cuộc cách mạng thực sự". Nếu chỉ dừng lại ở "đổi mới, cải cách", nhưng trước đây, theo ông Thông, sẽ khó mà vượt qua được những căn bệnh cố hữu như: cồng kềnh, trì trệ, kém linh hoạt.
Ông Thông cũng lưu ý, đổi mới bộ máy hệ thống chính trị, đổi mới thể chế trong bộ máy chính trị là một trong những nhiệm vụ căn bản, cách mạng nhưng rất khó khăn, bởi động đến rất nhiều mối quan hệ, nếu không quyết liệt sẽ không làm được.
Để thực hiện đổi mới hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới, ông Thông cho rằng, như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đảng phải tiên phong đổi mới chính mình để dẫn dắt quá trình đổi mới của các cấp, các ngành.
PGS.TS Lê Minh Thông tham luận tại hội thảo. Ảnh: P.H.
Ông Thông nêu, Đảng cần chú trọng đổi mới bộ máy. Cùng với việc xây dựng đảng về chính trị, về tư tưởng, đạo đức - là rất quan trọng để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh - nhưng cần chú trọng đổi mới về tổ chức cán bộ để tạo ra động lực phát triển.
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, có lẽ, đầu tiên, Đảng cần khắc phục quyết liệt việc "song trùng bộ máy". Nếu không khắc phục được thì bộ máy còn cồng kềnh. Đảng cần sử dụng bộ máy nhà nước như "công cụ tham mưu quan trọng nhất của mình" để tinh gọn bộ máy. Đảng là Đảng cầm quyền, phải sử dụng cơ quan nhà nước như cơ quan tham mưu.
Vấn đề nữa, theo ông Thông, cần nghiên cứu việc nhất thể hóa các chức vụ lãnh đạo giữa Đảng và nhà nước theo nguyên lý trong một tổ chức, địa phương chỉ có 1 người đứng đầu. Người đứng đầu cấp ủy phải là đồng thời người đứng đầu chính quyền. Như vậy mới gọn, mạnh và liên thông với nhau, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn…
Ông Thông cũng nhấn mạnh phương thức cầm quyền phải đổi mới. Cơ quan nhà nước phải chuyển từ tư duy quyền sang tư duy nghĩa vụ. Nhà nước chỉ làm những việc mà xã hội không làm được. Nếu ôm đồm sẽ rất nhiều việc, làm không đến nơi đến chốn. Các cơ quan chỉ nên tập trung vào vấn đề xây dựng thể chế, tạo khung khổ để các đơn vị tự giải quyết công việc của mình, nhà nước không làm thay.
Nhà nước phải tinh gọn chính mình, quyết liệt xây dựng bộ máy trên nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực để thu gọn bộ máy. Chính phủ cần tinh gọn, Quốc hội cũng cần tinh gọn. Quốc hội cần thay đổi tư duy lập pháp, chỉ làm luật trong phạm vi thẩm quyền hiến định, tôn trọng quyền lập quy của Chính phủ.
"Bây giờ cái gì Quốc hội cũng bàn thì không có thời gian và không đi sâu được. Luật ban hành phải ổn định lâu dài, không nên đi vào chi tiết. Nếu chi tiết quá thì gò bó, không phát triển được; cần trao quyền đó cho Chính phủ", ông Thông nói.
Theo ông Thông, cách làm cần có hướng "từ trên xuống", chứ nếu để các cơ quan đề xuất lên thì "không ăn thua". "Đổi mới cách mạng phải làm từ trên làm xuống thì mới chuyển được", ông Thông khẳng định. Đồng thời, theo ông Thông, cần kiên nhẫn, kiên trì việc phân cấp, phân quyền cho địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Tuy nhiên, cũng tránh phân quyền tràn lan, để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các địa phương.
Đúc kết lại, ông Thông khẳng định, mấu chốt vấn đề con người. Tinh gọn nhưng chất lượng không chuẩn thì không mang lại hiệu quả. Cốt lõi của tinh gọn là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phẩm chất chính trị. Phải đổi mới công tác cán bộ, bởi đây là chìa khóa, là then chốt của then chốt; lựa chọn cán bộ một cách minh bạch, có tính cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu của "sự vươn mình".
Ông Thông cũng nhắc vấn đề" đổi mới trong bầu cử", "công khai hóa công tác cán bộ"; phải dựa vào dân để làm công tác cán bộ. "Công tác cán bộ chỉ hiệu quả khi dựa vào dân, giúp khắc phục tình trạng đúng quy trình mà không đúng người", ông Thông nói thêm.
Trường Phong - Văn Kiên
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/pgsts-le-minh-thong-can-cuoc-cach-mang-thuc-su-ve-bo-may-de-dat-nuoc-vuon-minh-post1691848.tpo