PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: 'Không sợ thiếu nhà hảo tâm đồng hành cùng ngành y tế'

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: 'Không sợ thiếu nhà hảo tâm đồng hành cùng ngành y tế'
2 giờ trướcBài gốc
PV: Thưa ông, là một người đi nhiều, có cơ hội quan sát các mô hình hay trên thế giới, xin ông cho biết việc huy động người dân và doanh nghiệp trong đóng góp xây dựng cơ sở y tế tại các nước hiện nay được triển khai ra sao?
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu: Thực tế các bệnh viện công lập, bệnh viện đại học trên thế giới hiện nay đều không có lãi, đều phải bù lỗ bởi chi phí y tế rất đắt đỏ. Đó là còn chưa kể đến chi phí dành cho nghiên cứu và đào tạo.
Do vậy các bệnh viện lớn đều cần có sự tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân để khám chữa bệnh cho người dân và phát triển.
PV: Tinh thần thiện nguyện là một nét đẹp, truyền thống quý báu của dân tộc, được trao truyền từ đời này qua đời khác, chúng ta cần "khơi thông" tinh thần đó của người dân, doanh nghiệp cho xây dựng ngành y tế ra sao, sẽ phải cần cởi nút thắt nào, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu:Thật ra, chúng ta không cần phải "khơi thông", bởi hàng năm, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tập đoàn luôn luôn có những khoản tiền trích ra cho hoạt động nhân đạo. Không chỉ những doanh nghiệp đâu mà rất nhiều cá nhân đã nỗ lực có nhiều hoạt động thiện nguyện. Bằng chứng là cơn bão số 3 – YAGI vừa qua, rất nhiều mạnh thường quân đến với người dân đang gặp khó khăn, hoạn nạn...
Đối với các cơ sở y tế, những khoản tiền thiện nguyện sẽ được phục vụ trong công tác khám, chữa bệnh dành cho những người bệnh không có khả năng về tài chính và bên cạnh đó dành cho xây dựng cơ sở vật chất hay hỗ trợ mua máy móc trang thiết bị trong những trường hợp bệnh viện không có hoặc số lượng bệnh nhân tăng đột biến.
Ví dụ, năm 2021, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã xây dựng Bệnh viện điều trị COVID-19 tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng đều từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các tập đoàn với mong muốn nước ta sớm đẩy lùi dịch bệnh trong khi "nước sôi lửa bỏng".
Đối với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi thường xuyên nhận được đóng góp từ các nhà hảo tâm, quỹ từ thiện của bệnh viện đã được vận hành từ nhiều năm nay, hàng nghìn ca bệnh được khám và điều trị miễn phí, thậm chí người bệnh còn được hỗ trợ tiền về quê, duy trì cuộc sống sau khi chữa bệnh.
Điều mà những nhà hảo tâm quan tâm đặt niềm tin nhất đó chính là các bác sĩ cứu sống được bao nhiêu bệnh nhân khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi hàng năm có rất nhiều chương trình đi đến các các vùng sâu vùng xa khám bệnh, tặng quà.
Không chỉ vậy, các nhà hảo tâm còn sẵn sàng tài trợ trang thiết bị máy móc trong trường hợp các phương tiện mới bệnh viện chưa kịp mua sắm, đấu thầu hoặc bệnh nhân tăng đột biến.. Cụ thể, tại Khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai, chúng tôi chưa kịp mua máy lọc máu đã có doanh nghiệp tặng, hay những loại thuốc không mua được tại Việt Nam, các nhà hảo tâm sẵn sàng mua gửi tặng về.
Tôi tin rằng những Quỹ thiện nguyện sẽ được nhân rộng lên, hoạt động thật tốt khi ta công khai, minh bạch và làm từ tâm.
PV: Bộ Tài chính đã có chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân và giảm thuế cho doanh nghiệp khi tài trợ bằng hiện vật, tiền, chúng ta sẽ phải có cách làm mạnh mẽ ra sao để khuyến khích người dân ủng hộ cho ngành y tế nói chung?
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu: Thực tế, theo quy địnhđã có chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân và giảm thuế cho doanh nghiệp khi tài trợ bằng hiện vật, tiền. Tuy nhiên thủ tục rất phức tạp. Vì vậy đối với những nhà hảo tâm hỗ trợ với số tiền không nhiều thì thường họ "bỏ qua".
Do vậy, việc đầu tiên có thể làm là đơn giản hóa thủ tục trừ thế thu nhập cá nhân, chỉ cần xác nhận của bệnh viện những nhà hảo tâm có thể kê khai thuế để được trừ. Thứ hai, chúng ta phải có những chính sách khuyến khích, động viên cụ thể các tổ chức cá nhân, nhà nhân đạo sẽ đồng hành cùng các bệnh viện.
Ví dụ, ở Singapore, tôi ủng hộ từ thiện 1 tỷ thì sẽ được miễn thuế thu nhập đến 2 tỷ, người ta còn gọi là Double Tax Deduction, thậm chí nếu cho bệnh viện công 50% số tiền thì chính phủ Singapore sẽ cho thêm 50% số tiền để hoàn thành 100% cho dự án đó. Tôi nghĩ chính sách này rất hiệu quả khi có một Nghị định, hoặc chỉ cần một Thông tư khuyến khích việc hoạt động nhân đạo của tổ chức, cá nhân, tập đoàn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa trong việc chăm sóc sức khỏe, y tế của người dân.
PV: Về phía đơn vị thụ hưởng, chắc chắn các cơ sở y tế sẽ phải có hình thức tri ân những nhà hảo tâm đến với mình?
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu: Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi các nhà hảo tâm hỗ trợ, phía bệnh viện đều đăng trên website của bệnh viện, khi họ giúp xây dựng cơ sở vật chất chúng tôi sẽ ghi tên nhà hảo tâm trên cửa… Theo cá nhân tôi, đối với những nhà hảo tâm điều này cũng không thực sự cần thiết bởi đây đều xuất phát từ tấm lòng nhân đạo.
Điều cần thiết nhất chúng tôi phải làm là công khai minh bạch, "sao kê" mọi chi phí rõ ràng, tuyệt đối không được lợi dụng. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có rất nhiều ca bệnh được hưởng chi phí phẫu thuật từ các nhà hảo tâm, các bác sĩ và điều dưỡng không lấy tiền công mổ…
Và hơn hết, chúng tôi luôn trân trọng và cảm ơn từng tấm lòng từ thiện của các nhà hảo tâm. Điều họ mong muốn đồng tiền họ trao gửi được dành cho người bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất!
PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.
Anh Tuệ - Hồng Ngọc
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/pgsts-nguyen-lan-hieu-khong-so-thieu-nha-hao-tam-dong-hanh-cung-nganh-y-te-169241116152700506.htm