PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh.
8h sáng 16-7 tới, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025. Đây là mốc thời gian cho các thí sinh bắt đầu đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học năm 2025 trên hệ thống quản lý tuyển sinh của Bộ GDĐT.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh đại học, cho biết: “Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều điểm mới, thí sinh cần thận trọng khi đưa ra quyết định đăng ký nguyện vọng”.
Nhiều thay đổi trong quy chế tuyển sinh
Xin ông cho biết, quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GDĐT năm nay có những thay đổi gì so với các năm trước?
- Năm 2025, quy chế tuyển sinh đại học có những điểm mới quan trọng nhằm tăng tính công bằng và minh bạch giữa các phương thức xét tuyển. Thứ nhất là, Bộ GDĐT đã bỏ hoàn toàn phương thức xét tuyển sớm, tất cả thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, trừ thí sinh thuộc diện ưu tiên. Thứ hai là, xét tuyển học bạ THPT phải sử dụng kết quả học tập của cả 3 năm học THPT (từ lớp 10 đến hết lớp 12). Thứ ba là, các trường phải công khai cách quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển. Thứ tư là, bỏ giới hạn số tổ hợp xét tuyển cho mỗi ngành, giúp thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề.
Bên cạnh đó, cấu trúc đề thi năm nay được đánh giá có độ phân hóa cao hơn, tăng cường đánh giá năng lực tư duy, phục vụ đồng thời cho cả tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh: “Vào đại học không quá khó, cánh cổng này khép lại, cánh cổng khác sẽ mở ra. Điều quan trọng nhất là thí sinh phải chọn được đúng ngành nghề mình yêu thích, phát huy được sở trường cá nhân, đồng thời phải gắn với cơ hội việc làm trong tương lai”.
Thí sinh cần lưu ý những mốc thời gian quan trọng nào trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, thưa ông?
- Năm nay, theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT ban hành, quá trình xét tuyển diễn ra trong thời gian ngắn.
Thí sinh chỉ được phép chính thức đăng ký xét tuyển đại học khi Bộ GDĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT từ 8h sáng 16-7 đến ngày 28-7. Trong quá trình đăng ký xét tuyển, thí sinh cần lưu ý không bị giới hạn số lần đăng ký nguyện vọng, hay số lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đã đăng ký trước đó, cho đến khi hệ thống chính thức đóng lại vào ngày 28-7. Sau khi kết thúc đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần chú ý thực hiện bước tiếp theo là nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, diễn ra từ ngày 29-7 đến hết 17h ngày 5-8.
Thời điểm mong chờ nhất chính là 17h ngày 20-8, khi các trường bắt đầu công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển đợt 1. Sau khi đã biết kết quả trúng tuyển, thí sinh phải thực hiện ngay bước quan trọng cuối cùng là xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Nếu thí sinh đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống thì coi như đã bỏ qua cơ hội.
Thí sinh cần lưu ý một số mốc thời gian khác: ngày 21-7, Bộ GDĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe. Đối với nhiều trường đại học, sau ngày 1-9 vẫn có thể còn xét tuyển bổ sung, do chưa đủ chỉ tiêu.
Năm nay, có nhiều phương thức xét tuyển. Theo ông, thí sinh nên ưu tiên chọn phương thức xét tuyển nào cho phù hợp, qua đó tăng cơ hội trúng tuyển?
- Thí sinh nên ưu tiên chọn phương thức xét tuyển phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân để tăng cơ hội trúng tuyển. Nếu thuộc diện được xét tuyển thẳng thì nên tận dụng ngay vì mức độ cạnh tranh khi xét tuyển thấp, cơ hội trúng tuyển cao.
Với các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…, thí sinh nên cân nhắc tham gia, vì nhiều trường đại học lớn thường ưu tiên xét tuyển theo kết quả của các kỳ thi này (chiếm tới 40-50% chỉ tiêu xét tuyển). Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức truyền thống, phổ biến nhất, với chỉ tiêu lớn nhất (chiếm từ 40-80% tùy trường). Nếu có học lực ổn định, điểm cao, thí sinh có thể đăng ký xét học bạ, nhưng cần lưu ý không phải trường nào cũng áp dụng. Một số trường còn chấp nhận xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT, đặc biệt ở nhóm ngành ngoại ngữ, kinh doanh quốc tế, phương thức xét tuyển này thường phù hợp với thí sinh đã có sự đầu tư chuẩn bị từ sớm.
Cuối cùng, thí sinh nên tận dụng cơ chế phối hợp nhiều phương thức xét tuyển, vì nhiều trường hiện quy đổi điểm về một thang điểm chung và xét từ cao xuống thấp, nghĩa là càng có nhiều phương thức, cơ hội trúng tuyển càng cao. Như ở Trường đại học Lạc Hồng, thí sinh có thể áp dụng cả 4 phương thức để xét tuyển: học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc do chính Trường đại học Lạc Hồng tổ chức.
Dự báo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có thể có những biến động, do đề thi tốt nghiệp ở một số môn được cho là khá khó. Vậy điểm thi tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng thế nào đến quá trình xét tuyển đại học của thí sinh sắp tới?
- Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được đánh giá có độ phân hóa cao và khó hơn so với năm trước, đặc biệt ở các môn Toán và Tiếng Anh, dẫn đến phổ điểm dự kiến sẽ giảm, nhất là ở nhóm điểm trung bình - khá. Vì vậy, các trường sử dụng điểm thi THPT làm phương thức xét tuyển chính, đặc biệt là với các ngành có tính ổn định, dự báo sẽ có xu hướng hạ điểm chuẩn khoảng 1-2 điểm so với năm 2024. Tuy nhiên, với những ngành có xét tuyển tổng hợp nhiều phương thức như: học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, hay chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT, thì tổng điểm trúng tuyển dự kiến vẫn có thể giữ ổn định, hoặc chỉ biến động nhẹ.
Chọn ngành, nghề phù hợp
Đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới, trong đó khoa học công nghệ được xem là lĩnh vực đột phá. Thí sinh nên xem xét xu hướng phát triển mới này như thế nào trong quá trình lựa chọn ngành nghề để đón cơ hội phát triển mới này?
- Trong bối cảnh khoa học công nghệ được xác định là lĩnh vực đột phá của đất nước, đặc biệt khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thí sinh cần xem đây là cơ hội chiến lược, từ đó có những lựa chọn ngành nghề phù hợp cho bản thân. Trong giai đoạn phát triển mới, thí sinh nên ưu tiên các ngành công nghệ mũi nhọn như: trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch - bán dẫn, công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ điện tử, logistics... Bên cạnh đó, thí sinh cân nhắc thêm các ngành có tính ứng dụng đa lĩnh vực như: y tế kỹ thuật số, công nghệ sinh học…
Năm nay, nhiều trường đại học sẽ bỏ phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT. Thí sinh nên tính toán cân nhắc ra sao khi đăng ký xét tuyển, thưa ông?
- Bỏ xét tuyển học bạ THPT nhưng vẫn còn nhiều phương án xét tuyển khác, các thí sinh nên áp dụng nhiều phương án để tăng cơ hội trúng tuyển cho mình. Với những trường bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT, thí sinh cần cân nhắc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, hay điểm thi đánh giá năng lực.
Nhưng lưu ý rằng, những trường bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ thường có tính cạnh tranh rất cao, thí sinh muốn xét tuyển vào các trường này phải rất cân nhắc năng lực của mình để tăng cơ hội trúng tuyển ngay từ nguyện vọng đợt 1.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ vi mạch bán dẫn, AI, tự động hóa tìm đến Việt Nam đầu tư. Thí sinh cần những tố chất gì để học ở các ngành này?
- Trước hết phải nói rằng, học ngành gì cũng cần có những tố chất nhất định gắn với đặc thù của ngành đó. Việc chọn ngành cần dựa trên cả đam mê cá nhân, năng lực bản thân và xu hướng thị trường lao động trong tương lai. Ngoài kiến thức chuyên môn, cần rèn kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tư duy số và kinh nghiệm thực hành để không bị tụt lại trong kỷ nguyên chuyển đổi số, xã hội số.
Để học tốt các ngành công nghệ như: vi mạch bán dẫn, AI, tự động hóa, thí sinh cần có đam mê khám phá kỹ thuật công nghệ, có nền tảng kiến thức ở các môn Toán, Vật lý vững, có tư duy logic - hệ thống, tính kiên trì, cẩn thận, khả năng sáng tạo và đổi mới. Ngoài ra, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ và tinh thần chủ động, vượt qua áp lực cũng là những tố chất không thể thiếu để học và phát triển bản thân trong lĩnh vực này.
Với các thí sinh Đồng Nai, việc lựa chọn học các ngành lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ vi mạch bán dẫn, AI, tự động hóa thì cơ hội xét tuyển ra sao?
- Trường đại học Lạc Hồng đang hợp tác chiến lược với Đại học Bang Arizona (ASU) của Hoa Kỳ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ theo chuẩn quốc tế, đồng thời tăng cường năng lực ngoại ngữ, giúp sinh viên tự tin hội nhập và làm việc trong môi trường toàn cầu. Tại Đồng Nai, Trường đại học Lạc Hồng đang là trường đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này có mở ngành đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI. Chúng tôi dự kiến sẽ có ưu tiên về học phí, chính sách học bổng đối với sinh viên xét tuyển vào những ngành thuộc lĩnh vực công nghệ.
Xin cảm ơn PGS-TS!
Công Nghĩa (thực hiện