PGS.TS Phạm Trần Vũ 'hiến kế' để TP.HCM trở thành TP thông minh

PGS.TS Phạm Trần Vũ 'hiến kế' để TP.HCM trở thành TP thông minh
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 23-10, trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM phối hợp với Hội Tin học TP.HCM tổ chức phiên thảo luận “Các giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng đô thị thông minh”.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định 3 vấn đề cốt lõi để xây dựng TP thông minh là phục vụ tốt hơn cho người dân, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, chia sẻ tại phiên thảo luận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
PGS.TS Phạm Trần Vũ ví von TP thông minh giống như điện thoại thông minh, đều phải có hệ thống vận hành và nhiều tính năng phục vụ tốt cho cộng đồng.
“Điện thoại thông minh có nhiều ứng dụng và các ứng dụng kết nối với nhau trên một hệ điều hành chung, không thể rời rạc nếu không hoạt động sẽ kém hiệu quả đi. TP thông minh là hệ thống phức tạp hơn, là hệ thống của các hệ thống, và các hệ thống trong TP thông minh phải kết nối với nhau nhịp nhàng, đồng bộ và cần một hệ điều hành thống nhất để điều phối mọi thứ” - ông Vũ lý giải.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Trần Vũ nêu thực tế cách vận hành của TP hiện nay là vận hành theo từng bộ phận chức năng và việc đầu tư xây dựng TP thông minh cũng đầu tư cũng theo bộ phận chức năng.
“Như TP cấp kinh phí cho Sở GTVT để làm giao thông thông minh, cấp kinh phí cho Sở Y tế để làm y tế thông minh… tức là cấp kinh phí cho từng bộ phận, trong khi TP thông minh yêu cầu kết nối một cách đồng bộ, thống nhất” - ông Vũ nói và khẳng định đây là vấn đề thách thức nhất cần giải quyết.
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Ngoài ra, ông Vũ cho rằng khi nói đến TP thông minh tức là đang nói đến hạ tầng số, công nghệ số, điện toán đám mây… Về bản chất, đây đều là công nghệ cao, công nghệ mới.
“Nhưng liệu chúng ta đã đủ nhân lực để làm chưa? Thực tế chúng ta vẫn còn thiếu nhân lực” - ông Vũ nói.
Đi tìm lời giải cho những thách thức nêu trên, PGS.TS Phạm Trần Vũ khẳng định việc đầu tiên cần làm là thay đổi tư duy quản lý và hiểu cốt lõi rằng mục tiêu quan trọng nhất của TP thông minh là phục vụ tốt nhất cho người dân. Để làm được, ông Vũ cho rằng phải xem công dân của đô thị là khách hàng, và ‘khách hàng là thượng đế’.
Cũng theo ông Vũ, để tránh việc kết nối không đồng bộ, phân mảnh, đầu tư không hiệu quả thì cần có lộ trình tổng thể xây dựng đô thị thông minh.
“Nên có mô hình tập trung, cần có kiến trúc sư trưởng và một bộ phận vận hành. Như khi có hệ điều hành thì chúng ta cần một người kiểm soát hệ điều hành đó, từ đó phát triển các tính năng trong hệ điều hành thì hoạt động mới trơn tru, đồng bộ hơn” - ông Vũ nói.
BẢO PHƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/pgsts-pham-tran-vu-hien-ke-de-tphcm-tro-thanh-tp-thong-minh-post816326.html