Chiến lược đầu tư bài bản, những thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và trải nghiệm du lịch đã và đang đưa Phú Quốc trở thành điểm đến được yêu thích hàng đầu trong nước và khu vực.Nhằm đưa ra cái nhìn thấu đáo về sự chuyển mình của Phú Quốc trong thời gian gần đây, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về con đường đưa Phú Quốc từ một “viên ngọc thô” từng bước trở thành điểm đến du lịch toàn cầu.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia.
Mới đây, trong chuyến công tác tại thành phố Phú Quốc vào sáng 14/1, Chủ tịch nước Lương Cường cũng đã chia sẻ, năm 2027 là lần thứ 3 Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), trong đó địa điểm được Trung ương xác định tổ chức là tại TP Phú Quốc. Đây chính là vận hội lớn của Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược
Thưa ông, Phú Quốc đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua. Theo ông, đâu là yếu tố then chốt giúp Phú Quốc đạt được thành tựu hiện tại?
Phú Quốc sở hữu rất nhiều lợi thế tự nhiên, từ hệ sinh thái biển đa dạng đến rừng nguyên sinh rộng lớn. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng đó thành thế mạnh, có vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược.
Sự tham gia của các tập đoàn lớn như Vingroup và Sun Group đã tạo nên bước ngoặt lớn cho du lịch Phú Quốc. Trước đây, những khu vực như thị trấn Dương Đông hay Bãi Dài phát triển thiếu quy hoạch, chủ yếu là tự phát và nhỏ lẻ. Nhưng hiện tại, các dự án quy mô lớn đã đưa Bắc Đảo và Nam Đảo trở thành những điểm đến hấp dẫn, kết hợp giữa yếu tố tự nhiên và các tiện ích du lịch đẳng cấp.
Đặc biệt, khu vực phía Nam với các dự án tại Hòn Thơm không chỉ mang lại trải nghiệm mới lạ mà còn phù hợp với định hướng phát triển bền vững nhờ bảo tồn giá trị sinh thái. Đây chính là hướng đi mà Phú Quốc cần tiếp tục theo đuổi để duy trì sức hút.
Cáp treo Hòn Thơm.
Ông nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch xanh tại Phú Quốc?
Du lịch xanh không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp tất yếu nếu chúng ta muốn phát triển bền vững. Phú Quốc có hệ sinh thái độc đáo, từ biển, rừng đến hệ thống sông – một điều hiếm thấy ở các đảo khác. Những giá trị này tạo ra nền tảng lý tưởng để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái như nghỉ dưỡng bên sông, lặn ngắm san hô, hay công viên đại dương, nhưng hiện vẫn chưa được đầu tư khai thác xứng tầm.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng du lịch sinh thái không phải là việc "bày biện" thiên nhiên để du khách thưởng lãm hoặc kiểu thiên nhiên được trưng bày trong lồng kính. Cách làm này sẽ khiến thiên nhiên mất đi giá trị thực sự của nó. Du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên trong trạng thái hoang sơ và tự nhiên nhất. Những không gian riêng tư, kết hợp giữa tiện ích cao cấp và thiên nhiên hoang dã, sẽ thu hút phân khúc du khách hạng sang.
Ngoài ra, cần chú trọng bảo tồn và phát triển các làng chài truyền thống. Đây không chỉ là di sản văn hóa mà còn là nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân địa phương tham gia vào chuỗi giá trị du lịch.
Định vị bản sắc riêng để cạnh tranh quốc tế
Trong bối cảnh cạnh tranh với các điểm đến quốc tế như Bali hay Phuket, Phú Quốc cần làm gì để định vị bản sắc riêng, thưa ông?
Mỗi điểm đến đều có những thế mạnh riêng, và Phú Quốc cũng không ngoại lệ. Bali nổi bật với văn hóa Hindu độc đáo, Phuket mạnh về giải trí đêm, trong khi lợi thế lớn nhất của Phú Quốc là thiên nhiên hoang sơ. Đây là tài sản vô giá mà chúng ta cần bảo vệ và phát huy.
Ngoài việc tập trung vào thiên nhiên, Phú Quốc cũng có thể khai thác các giá trị văn hóa bản địa. Mặc dù văn hóa cộng đồng ở Phú Quốc không đậm đặc như ở các điểm đến khác, nhưng những nét đặc trưng của đời sống ngư dân và miền Tây sông nước hoàn toàn có thể bổ trợ cho các sản phẩm du lịch.
Điểm quan trọng nữa là xây dựng các biểu tượng du lịch. Gần đây, những công trình như Cầu Hôn hay tháp Khát Vọng đang được đầu tư xây dựng không chỉ góp phần tạo dấu ấn quan trọng để du khách tìm đến, nhớ đến mà còn thu hút du khách quay lại. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng biểu tượng mà cần tập trung vào một vài điểm nhấn thật sự đặc sắc, kết hợp với quy hoạch tổng thể và chính sách phát triển đồng bộ.
Show Symphony of the Sea.
Chính sách đồng bộ để phát triển bền vững
Ông đánh giá thế nào về vai trò của các sản phẩm du lịch mớitrong việc kéo dài thời gian lưu trú và tạo sức hút cho du khách tại Phú Quốc?
Về các sản phẩm du lịch mới tại Phú Quốc, tôi đánh giá cao sự đầu tư của Tập đoàn Sun Group trong việc phát triển các sản phẩm kích thích kinh tế đêm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách đến Phú Quốc và không bị nhàm chán. Những sản phẩm như các show diễn, công trình mới đã đóng góp tích cực cho sự phát triển du lịch tại Phú Quốc, với những sản phẩm đẳng cấp quốc tế như Cầu Hôn tương tự Cầu Vàng ở Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng). Phía Nam hiện phát triển sản phẩm mới rất tốt, cần duy trì và phát triển hơn nữa.
Có một điểm cần lưu ý là cảnh quan bên dưới các tuyến cáp treo dẫn ra đảo vẫn còn chưa được chỉnh trang tốt. Các làng xóm cũ nhìn từ trên cao vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về mặt thẩm mỹ. Việc phối hợp với chính quyền địa phương để phủ xanh hoặc cải thiện cảnh quan này sẽ nâng tầm trải nghiệm của du khách, góp phần tạo nên hình ảnh đẳng cấp hơn cho Phú Quốc.
Hệ sinh thái du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng của Phú Quốc ngày càng hoàn thiện, tạo nên sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
So với các điểm đến khác, Phú Quốc đã có thay đổi ngoạn mục. Mấu chốt vẫn là tầm nhìn của nhà đầu tư có song hành được với quy hoạch, tầm nhìn của ngành, của địa phương hay không. Chiến lược có, quy hoạch có, nhưng nhà đầu tư không có tầm nhìn chiến lược thì họ sẽ vẫn quay lại lối nhìn cũ, tư duy cũ mà thôi.
Chuyển biến của chính quyền địa phương cũng giống việc “lượng đổi, chất đổi”. Còn người dân cảm nhận được sự thay đổi về kinh tế thì họ sẽ thay đổi nhận thức. Vì thế, kinh tế du lịch thẩm thấu nhiều hơn nữa đến cộng đồng. Kinh nghiệm ở Hội An, muốn phát triển du lịch bền vững thì cộng đồng gốc đã làm rất tốt, họ rất thân thiện, vì người dân cảm nhận được phát triển du lịch mang lại lợi ích cho họ.
Tóm lại, Phú Quốc đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, nhưng để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các ngành và một chiến lược dài hạn từ các nhà lãnh đạo.
Sân khấu sự kiện của Coca-Cola đẹp mãn nhãn với đa dạng hiệu ứng từ sân khấu Nụ hôn của biển cả - Kiss of the sea.
Theo ông, chính sách nào là cần thiết để đảm bảo sự phát triển đồng bộ tại Phú Quốc?
Để Phú Quốc phát triển bền vững, cần một loạt chính sách đồng bộ từ quản lý môi trường, phát triển hạ tầng đến sự tham gia của cộng đồng.
Trước hết, cần thu hút đầu tư xanh, khuyến khích các dự án thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ bảo vệ giá trị thiên nhiên mà còn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, cần giữ chân các tập đoàn lớn như Sun Group và Vingroup bằng các chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp họ tiếp tục đầu tư và phát triển dài hạn. Du lịch Phú Quốc muốn phát triển bền vững thì đừng để các nhà đầu tư chiến lược thất vọng.
Thứ hai, chúng ta cần chú trọng đến hạ tầng xử lý chất thải, nguồn nước và bảo vệ cảnh quan. Một hệ thống xử lý chất thải tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh của Phú Quốc trong mắt du khách.
Thứ ba, chính sách miễn visa và giảm giá vé máy bay mùa thấp điểm là giải pháp hiệu quả để thu hút khách quốc tế và nội địa. Việc này cần sự phối hợp giữa ngành hàng không và du lịch, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp lãnh đạo cao nhất.
Tòa nhà Khát Vọng hứa hẹn trở thành biểu tượng mới của đảo ngọc khi hoàn thiện đúng dịp APEC được tổ chức tại Phú Quốc.
Cộng đồng - Nhân tố quyết định thành công
Vai trò của cộng đồng địa phương trong sự phát triển của Phú Quốc là gì, thưa ông?
Cộng đồng địa phương là nhân tố không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược phát triển du lịch nào. Khi người dân nhận thấy lợi ích kinh tế từ du lịch, họ sẽ tham gia một cách tích cực và bền vững hơn.
Tại Phú Quốc, các làng chài truyền thống như Hải Long hay Hòn Thơm cần được bảo tồn và phát triển thành các điểm du lịch cộng đồng. Đồng thời, người dân cần được hỗ trợ đào tạo để tham gia vào các chuỗi giá trị du lịch, từ cung cấp dịch vụ homestay đến hướng dẫn du lịch.
Một ví dụ điển hình là mô hình du lịch cộng đồng ở Hội An. Chính sự tham gia tích cực của cộng đồng đã giúp Hội An duy trì bản sắc và phát triển bền vững trong nhiều năm qua.
The Ritz Carton Reserve Hon Thom.
Theo ông, đâu là yếu tố quyết định để Phú Quốc trở thành biểu tượng du lịch toàn cầu?
Yếu tố quyết định nằm ở tầm nhìn chiến lược và sự đồng bộ trong quản lý, đầu tư và cộng đồng. Chúng ta cần một chiến lược dài hạn, không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn phải bảo vệ giá trị thiên nhiên và văn hóa.
Phú Quốc có tiềm năng lớn để sánh ngang với Bali hay Phuket, nhưng điều này chỉ khả thi nếu chúng ta biết tận dụng đúng thế mạnh, xây dựng hạ tầng hiện đại và phát triển sản phẩm du lịch bền vững.
Và, sự thành công của Phú Quốc không chỉ phụ thuộc vào các nhà đầu tư hay chính sách, mà còn ở sự đồng lòng của toàn xã hội. Chỉ khi tất cả các bên liên quan cùng hành động, Phú Quốc mới có thể thực sự trở thành biểu tượng du lịch toàn cầu, giữ vững giá trị lâu dài và tạo sức hút bền vững.
Năm 2024, Phú Quốc đón xấp xỉ 6 triệu lượt khách, tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế đạt 962.449 lượt, tăng 73,4% so với cùng kỳ, vượt 44,4% kế hoạch năm. Để đặt lên bàn cân cùng thời điểm được xem là "hoàng kim" của du lịch Việt Nam năm 2019, Phú Quốc đón hơn 671.000 lượt khách quốc tế, trong năm 2024 con số tăng trưởng là 43%.
Hạnh Phúc