“Văn học là cách mà một dân tộc gìn giữ linh hồn của chính mình... Văn học ở thời đại nào cũng phải quan tâm đến số phận con người và những vấn đề lớn lao của dân tộc, đất nước” - Là "tuyên ngôn nghề nghiệp" của nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận và phê bình văn học Trần Khánh Thành trọn đời sống và làm việc theo triết lý "giữ văn học là giữ lấy con người".
PGS.TS Trần Khánh Thành qua đời do đột quỵ, hưởng thọ 68 tuổi.
PGS.TS Trần Khánh Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương đột ngột ra đi vào ngày 11/5/2025; tuy nhiên "di sản" mà ông để lại vô cùng quý giá với giới học thuật.
Văn học ở thời đại nào cũng phải quan tâm đến số phận con người
Theo PGS.TS Trần Khánh Thành, văn học không chỉ là sự khéo léo về hình thức, mà phải là tiếng nói có chiều sâu của tư tưởng, của thân phận, của cuộc sống con người.
“Tác phẩm văn chương ngày nay chưa đặt ra được những vấn đề lớn của thời đại”, vị PGS.TS thẳng thắn nhận xét và nhấn mạnh rằng, thời đại nào cũng cần những tác phẩm chạm tới số phận người – những con người đang vật lộn với mưu sinh, tổn thương, khát vọng được sống đúng với giá trị nhân phẩm.
Ông Trần Khánh Thành chia sẻ: “Chúng ta có thể có những ngôn ngữ mới, cách viết mới, nhưng điều cốt lõi vẫn là con người". Quan điểm ấy không dừng ở lý luận, mà còn thể hiện ở những bài giảng, công trình nghiên cứu, buổi tọa đàm mà ông tham dự.
Nhà nghiên cứu lý luận và phê bình văn học Trần Khánh Thành luôn khước từ sự dễ dãi, hời hợt trong tiếp cận văn học vì coi văn chương phải làm nhiệm vụ tinh thần lớn lao, chứ không phải để ru ngủ, mà để lay thức.
Nhà khoa học nghiêm túc, cẩn trọng, tận tụy
Ở cương vị Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ 2021–2026, PGS.TS Trần Khánh Thành luôn "âm thầm" tổ chức, cố vấn, điều phối học thuật cho nhiều hoạt động lý luận lớn. Khi cơ quan được sáp nhập vào Hội đồng Lý luận Trung ương, ông là người góp công lớn “đưa con tàu về bến mới một cách tốt đẹp”.
“Ông là nhà khoa học nghiêm túc, cẩn trọng, tận tụy với công việc. Ông giúp tôi và Hội đồng rất nhiều việc”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định.
Chia sẻ về người bạn, người đồng nghiệp Trần Khánh Thành, PGS.TS Đoàn Lê Giang nghẹn ngào: “Anh là nhà lý luận văn học uyên bác, cấp tiến; một người thầy tận tụy, nghiêm túc… Sự ra đi của anh khiến tôi cảm thấy đột ngột và mất mát”.
PGS.TS La Khắc Hòa, nguyên Trưởng bộ môn Lý luận văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “PGS.TS Trần Khánh Thành, người am tường lẽ đời, phân biệt đúng - sai, phải - trái trong khoa học ngữ văn, sống thuận theo lẽ "tùy duyên", mà ra đi quá sớm, quá đột ngột”.
ThS Lê Hương Giang (ngoài cùng bìa trái) cùng các học viên đến thăm PGS.TS Trần Khánh Thành. Ảnh: NVCC.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ThS Lê Hương Giang, học trò của PGS.TS Trần Khánh Thành chia sẻ, Thầy là người truyền cảm hứng sống và viết. Nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh nhắc hoài tên Thầy như một nhà giáo với tinh thần thép và tâm hồn nghệ sĩ.
“Đôi khi, vào ngày lễ, Tết, Thầy nhắn tin chúc mừng, hỏi han học trò. Thầy thực sự gần gũi, tình cảm. Tôi và nhiều học viên hẹn tới thăm Thầy, nhưng chưa kịp thì Thầy đã ra đi đột ngột quá”, ThS Giang đau buồn nói.
Người đã ra đi, nhưng cây bút còn... dở dang
Theo học trò Lê Hương Giang, người làm khoa học chết khi họ buông bút nhưng với Thầy Trần Khánh Thành, cây bút còn dở dang. Những trang viết của Thầy để lại không chỉ là công trình nghiên cứu, mà còn là nhân cách, tư tưởng, đòi hỏi lương tâm với văn chương.
Ông Trần Khánh Thành là tác giả và đồng tác giả của hàng chục đầu sách chuyên khảo, giáo trình, bình giảng văn học như Lý luận văn học, Giảng văn văn học Việt Nam, Huy Cận – đời và thơ, Nguyễn Đình Thi – về tác giả và tác phẩm, ông khẳng định vị trí vững chắc trong giới học thuật như một nhà phê bình sắc sảo, giàu tính học thuật nhưng luôn gắn bó với hiện thực đời sống và con người.
Sinh năm 1957 tại Nghệ An, ông Trần Khánh Thành học ngành Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, là sinh viên, ông nhập ngũ, chiến đấu tại biên giới Hà Giang trong đội hình Trung đoàn 877, rồi trở về giảng dạy tại Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1983.
Từ giảng đường đến hội trường khoa học, ông Trần Khánh Thành không ngừng vun bồi cho mình vốn tri thức, phẩm hạnh và lòng yêu nghề sâu sắc.
Tối 11/5/2025, giới văn chương và học thuật Việt Nam bàng hoàng khi hay tin PGS.TS Trần Khánh Thành – nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận và phê bình văn học – qua đời do đột quỵ, hưởng thọ 68 tuổi.
Sự ra đi ấy không chỉ là mất mát cá nhân đối với người thân, đồng nghiệp và học trò, mà còn để lại khoảng trống lớn trong nền lý luận phê bình văn học nghệ thuật nước nhà.
Mai Loan