PGS, TS Trần Lê Hưng
Chiến thắng 30/4 và bài học lịch sử còn nguyên giá trị
Chiến thắng 30/4/1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sau 50 năm nhìn lại, không chỉ là một sự kiện mang tầm vóc lịch sử, mà còn là kho tàng kinh nghiệm quý báu có giá trị thực tiễn sâu sắc cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
Theo PGS. TS Trần Lê Hưng, bài học lớn nhất vẫn còn nguyên giá trị chính là vai trò của Đảng trong việc đưa ra những quyết sách chiến lược đúng đắn, hợp lòng dân. “Chiến thắng 30/4 thể hiện tư duy chiến lược sắc bén, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Đảng ta đã lấy dân làm gốc, kết hợp giữa tài thao lược lãnh đạo và tinh thần đại đoàn kết toàn dân để làm nên chiến thắng lịch sử,” ông Hưng chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, tinh thần sáng tạo, nắm bắt thời cơ, cùng sự phối hợp hiệu quả giữa các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao là những yếu tố then chốt đưa tới thành công của Chiến dịch Hồ Chí Minh. “Chính sự tổng hòa đó đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong thời đại mới – thời đại vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam,” ông nói thêm.
Sau chiến thắng năm 1975, Việt Nam đối mặt với vô vàn khó khăn, từ cấm vận quốc tế, khủng hoảng kinh tế, cho đến hệ lụy của chiến tranh. Tuy nhiên, theo ông Hưng, vượt lên tất cả là tinh thần đoàn kết và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. “Chúng ta đã vượt qua thời kỳ lạm phát phi mã, kinh tế đình đốn để trở thành một đất nước đang phát triển năng động, có tiếng nói và vị thế trên trường quốc tế,” ông nhận định.
Không chỉ về kinh tế, hệ thống hạ tầng, giao thông, đối ngoại cũng có những bước tiến đáng kể. Ông Hưng tự hào cho biết: “Ngày nay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn về du lịch, đầu tư, là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia và có vai trò ngày càng lớn trong các tổ chức quốc tế.”
Thế hệ trẻ – lực lượng tiên phong dựng xây đất nước
Chia sẻ về vai trò của thế hệ trẻ trong giai đoạn mới, ông Hưng cho rằng: “Thanh niên hôm nay không cầm súng như thế hệ trước, nhưng nhiệm vụ cách mạng của họ không hề nhỏ. Họ là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu.”
Ông cũng dẫn lại câu nói nổi tiếng của Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng,” và khẳng định đây vẫn là kim chỉ nam trong thời đại hiện nay. Ông kỳ vọng thế hệ trẻ sẽ phát huy tinh thần “5 tự” để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ.
Kiều bào – nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới
Bên cạnh vai trò của thế hệ trẻ, ông Hưng đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. “Kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Trong 20 năm qua, họ luôn đồng hành, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước,” ông nói.
Với hơn 5 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài, ông Hưng cho rằng họ không chỉ là cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước mà còn là nguồn lực trí tuệ và tài chính quan trọng. “Mỗi người Việt ở nước ngoài là một đại sứ, góp phần đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới về với Việt Nam,” ông chia sẻ.
Về đề xuất nhằm tăng cường mối liên kết giữa kiều bào và quê hương, ông Hưng khẳng định cần đặc biệt chú trọng đến giới trí thức Việt kiều. “Chúng ta cần tạo điều kiện để họ tham gia các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, thiết lập cơ chế để họ có tiếng nói, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách,” ông đề xuất.
Ông cho biết Nghị quyết 57-NQ/TW gần đây của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng Việt kiều, đặc biệt giới trí thức. Ông tin rằng, với chiến lược đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực quý giá này để phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên mới.
Thanh Mai - Đức Anh