Ph.Ăng-ghen - người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản

Ph.Ăng-ghen - người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản
3 giờ trướcBài gốc
Ph.Ăng-ghen - Người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản. Ảnh: T.L
Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Ba-rơ-men tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức), trong một gia đình chủ xưởng dệt. Sau cuộc gặp gỡ C.Mác năm 1844, ông đã trở thành người bạn, người đồng chí gần gũi thân thiết của C.Mác, xây đắp nên một tình bạn cảm động và vĩ đại nhất của các lãnh tụ giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Toàn bộ học thuyết của C.Mác và Ph.Ăng-ghen là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc và đồ sộ, giải đáp được nhiều vấn đề mà nhân loại đặt ra. Công lao, đóng góp, cống hiến vĩ đại đối với Chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân quốc tế của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, đó là: Tạo lập nền tảng tư tưởng và hoàn thiện lý luận cho học thuyết cách mạng; Có những cống hiến trong học thuyết giá trị thặng dư - phát hiện vĩ đại thứ hai của học thuyết Mác; Có cống hiến đặc sắc trong việc phát hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân - phát hiện vĩ đại thứ ba của học thuyết Mác; Bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác luôn có giá trị khoa học và cách mạng.
Ông viết hoặc cùng C.Mác viết nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như: “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”, cuốn sách “Gia đình Thần thánh”, công trình nổi tiếng “Hệ tư tưởng Đức”, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”... Tháng 3/1848, cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen thảo ra “Những yêu sách của Đảng Cộng sản Đức” được Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản thông qua như là văn kiện có tính chất cương lĩnh cho hành động của giai cấp vô sản Đức.
Tháng 4/1848 -10/1948, Ăng-ghen tiếp tục hoạt động cách mạng và được bổ sung vào Ban Quân sự, trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng công sự, trông coi tất cả các chiến lũy trong thành phố, đồng thời kiêm nhiệm phụ trách pháo binh. Trong thời kỳ này, Ph.Ăng-ghen tham gia trực tiếp 04 trận đánh lớn, trong đó có trận Rastatt, một trận có ý nghĩa đặc biệt to lớn; sau này, đã viết “Luận văn quân sự” nổi tiếng thể hiện khả năng thiên tài quân sự của Ông.
Tháng 11/1849, Ph.Ăng-ghen đến Luân Đôn (Anh) và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản. Trong thời gian này, ông đã viết hai tác phẩm “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức” và “Cuộc chiến tranh nông dân ở Đức”. Tháng 11/1850 – 9/1870, Ph.Ăng-ghen buộc phải chuyển đến Man-che-xtơ (Anh) và làm việc ở văn phòng thương mại. Điều này tạo điều kiện cho Ph.Ăng-ghen có thể giúp đỡ về vật chất cho C.Mác hoạt động cách mạng. Ph.Ăng-ghen đặc biệt chú ý nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, quân sự, chính sách quốc tế. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đến Luân Đôn tham gia lãnh đạo Quốc tế Cộng sản I, và được đưa vào Tổng Hội đồng của Quốc tế Cộng sản I. Ph.Ăng-ghen kiên trì đấu tranh chống lại quan điểm cơ hội của phái Pruđông, Latxan, Bacunin.
Năm 1871, Ph.Ăng-ghen tham gia vào việc tổ chức chiến dịch bảo vệ Công xã Pari. Trong thời gian này, Ph.Ăng-ghen đã viết một số tác phẩm có giá trị lý luận, đặc biệt là cuốn “Chống Đuy rinh” (1878), góp phần to lớn cho việc hoàn thiện lý luận cho chủ nghĩa Mác.
Sau khi C.Mác qua đời (1883), Ph.Ăng-ghen là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, chuẩn bị cho in tập 2 và 3 của bộ Tư bản mà C.Mác chưa kịp hoàn thành. Ph.Ăng-ghen viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời, như: Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và Nhà nước (1884), Lút-vích Phoi ơ bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1886), Biện chứng tự nhiên, Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức (1894); đồng thời tiếp tục làm cố vấn và là người lãnh đạo của những người xã hội chủ nghĩa châu Âu. Ph.Ăng-ghen đã tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội trong các đảng công nhân, vạch trần và phê phán kịch liệt những khuyết điểm của các đảng đó, giúp các đảng đó có một phương hướng cách mạng trong công tác. Tác phẩm “Phê phán dự thảo Cương lĩnh của Đảng xã hội dân chủ năm 1891”, viết năm 1891, là một văn kiện quan trọng của Ph.Ăng-ghen đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và thể hiện nghị lực phi thường, trí tuệ uyên bác và trái tim nồng nhiệt của ông cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân - giai cấp vô sản, giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất…
Sinh thời, Ph.Ăng-ghen rất khiêm tốn, luôn tự nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh Mác”, nhưng những cống hiến to lớn về tư tưởng của Ph.Ăng-ghen được C.Mác ghi nhận là một khối óc sắc sảo, một pho bách khoa toàn thư. Là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài, Ph.Ăng-ghen còn là người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học thuyết mácxít về quân đội, về chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng. Những đóng góp của Ph.Ăng-ghen trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật quân sự đã góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn di sản lý luận của chủ nghĩa Mác trong kho tàng tri thức, văn hóa nhân loại, một mẫu mực về sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nhận thức, giải thích một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là chiến tranh và hòa bình, quân sự và quốc phòng, khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh cách mạng, xây dựng quân đội cách mạng và bảo vệ Tổ quốc.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph.Ăng-ghen, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và hiện nay đang lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Kỷ niệm 204 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28/11/1820 - 28/11/2024) là dịp để chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân sự thông thái của ông - nhà bác học, người thầy lỗi lạc của giai cấp vô sản hiện đại. Đồng thời hiểu rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn, cống hiến vĩ đại của Ph.Ăng-ghen đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản trên toàn thế giới; nhận thức đầy đủ, vận dụng và phát triển tư tưởng của Ph.Ăng-ghen vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong tình hình mới với bản lĩnh, năng động, sáng tạo và tư duy mới về phát triển bền vững, phù hợp với quốc tế.
P.V (T/h)
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/ph-ang-ghen-nguoi-thay-vi-dai-cua-giai-cap-vo-san-3173872.html