Trưa hè tháng Sáu, Huế đón chúng tôi trong một không gian vừa cổ kính vừa nên thơ. Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức từ ngày 15/6 đến 20/6 năm 2025 là điểm hẹn của những trái tim yêu văn chương và nghệ thuật đến từ nhiều vùng, miền đất nước. Sau những ngày miệt mài với lý thuyết và chia sẻ học thuật, Ban tổ chức tạo điều kiện cho trại viên chúng tôi được “thực địa” – một chuyến đi đặc biệt mang tính văn hóa - lịch sử - du lịch, như một phần thưởng, một sự nối kết giữa sáng tạo lý luận với cảm xúc thực tiễn.
Bình yên Phá Tam Giang - Miền thơ mộng xứ Huế
Buổi sáng ngày 19/6, sau khi đoàn chúng tôi tham quan làng cổ Phước Tích - nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa làng Việt cổ, chúng tôi đến bến Cồn Tộc - cửa ngõ để khám phá Phá Tam Giang. Dẫu đã từng nghe nhiều về vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nhưng phải đến khi hiện diện tại đây, tôi mới thực sự cảm nhận được hết vẻ đẹp kỳ vĩ mà Phá Tam Giang mang lại - một vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa bình yên đến lạ lùng.
Phá Tam Giang là hệ thống đầm phá nằm ở hạ lưu ba con sông lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế: sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương, trải dài qua các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang, với diện tích hơn 52 km² và chiều dài 24 km theo hướng từ Tây Bắc đến Đông Nam. Ở Việt Nam, Phá Tam Giang chiếm khoảng 11% diện tích của các hệ đầm phá ven bờ biển, với độ sâu trung bình từ 2 đến 4 m, địa điểm sâu nhất có thể lên đến 7 m. Đây là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng, độc đáo và có giá trị sinh học cao.
Tại bến Cồn Tộc, chúng tôi chia nhau lên những chiếc thuyền du lịch. Tôi cùng khoảng mười trại viên khác lên thuyền do bác Nguyễn Văn Minh, 63 tuổi, cùng con trai điều khiển. Bác Minh nói: “Tôi làm nghề sông nước ở đây cũng lâu rồi. Nhìn đầm phá, biết ngay con nước, biết mùa tôm, mùa cá... Bây giờ làm thêm du lịch để giới thiệu vùng đất này với khách phương xa.”
Thuyền rẽ sóng chầm chậm, lướt nhẹ trên mặt nước. Gió từ biển Thuận An thổi về mát rượi. Không khí trong lành, không gian mênh mông. Mặt nước sóng sánh ánh bạc. Bầu trời cao và xanh. Tất cả tạo nên một bức tranh thủy mặc sống động khiến cho tâm hồn ai nấy như được giải thoát khỏi bụi bặm của chốn thị thành oi ả.
Thuyền len lỏi chầm chậm qua những lạch bần mướt màu xanh rợp mát khắp bờ vuông. Những tán bần la đà soi bóng mình trong gương nước. Rễ của cây bần mọc sâu xuống dưới bùn đất rồi mọc trồi lên trên mặt bùn, được gọi là rễ thở, bám đất chống xói mòn, sạt lở bờ bao của những vuông nuôi cá, nuôi tôm. Núp dưới rặng bần là những tum nhỏ trên bờ vuông đón du khách dừng chân tổ chức những buổi sinh nhật, liên hoan, sinh hoạt văn hóa… hòa mình trong một không gian xanh, không khí trong lành, thoáng đãng và thơ mộng.
Mọi người tranh thủ chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp của Phá Tam Giang. Mấy nữ nhà văn trong trang phục áo dài tranh thủ tạo dáng ở mũi thuyền để đồng nghiệp bấm máy. Anh “phó nháy” nhiệt tình hướng dẫn tạo dáng sao cho ấn tượng để có được bức ảnh đẹp. Những bức ảnh đó sẽ trở thành những kỷ vật quý giá chẳng thể nào quên, để mỗi khi nhìn lại, ta nhớ Huế đến nao lòng.
Mặt trời đỏ rực như lòng đỏ trứng gà từ từ rơi xuống rìa nước. Mặt phá chuyển dần từ màu xanh lam sang vàng cam rồi tím thẫm – một chuyển động huyền diệu của ánh sáng khiến ai cũng nín lặng thưởng thức với bao điều suy nghĩ. Một trại viên thốt lên: “Đẹp quá! Thật là thơ mộng. Trước đây chỉ biết Phá Tam Giang trên sách báo, ti vi, giờ được thấy tận mắt. Thật vui và hạnh phúc!”. Tôi mỉm cười, trong lòng lâng lâng một niềm tự hào về miền đất thơ mộng này và chợt nhớ đến câu ca xưa:
“Thương em, anh cũng muốn vô/ Sợ chuông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang”,
“Phá Tam Giang chắn ngay nẻo nhớ/ Truông Nhà Hồ làm khổ lòng nhau”.
Ở hai câu ca ấy, tôi cảm nhận được vẻ đẹp của một tình yêu tha thiết nhưng bị ngăn cách bởi địa lý, lịch sử và cả nỗi ám ảnh tâm linh. Hai câu ca không chỉ là lời than thở của người tình si, mà còn là biểu hiện sâu sắc của tâm trạng con người miền Trung – một vùng đất vừa nên thơ vừa khắc nghiệt, đầy bão giông.
Phá Tam Giang và Truông Nhà Hồ không đơn thuần là những địa danh. Trong tâm thức người dân xứ Huế và miền Trung nói chung, đó là những vùng đất hiểm trở, mang tính biểu tượng của sự cách trở, của gian nan, của bao biến cố trong lịch sử và đời sống. Phá Tam Giang - vùng đầm phá mênh mông, là nơi giao điểm của các con sông, cửa ra biển hẹp nên có nhiều vùng nước xoáy, sóng to gió lớn dễ gây lật thuyền. Truông Nhà Hồ - con đường rừng rậm, hoang vu, từng là nơi cướp bóc lộng hành thời xưa. Chỉ nhắc đến hai địa danh này thôi, người dân đã đủ rùng mình vì hiểm nguy, vì mất mát, vì bao lớp người từng “đi mà không trở lại”.
Vậy nên, trong câu hát dân gian, tình yêu bị ngăn cách không chỉ bởi quãng đường xa, mà bởi nỗi sợ từ trong sâu thẳm - sợ không thể vượt qua định mệnh, sợ mất nhau giữa đời. “Thương em, anh cũng muốn vô” - một lời thú nhận chân thành và khắc khoải. Nhưng ngay sau đó là hai nỗi sợ: “Sợ chuông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang” - một cách nói giàu hình tượng và đầy ám ảnh. Chuông nhà Hồ không hẳn là tiếng chuông thực, mà là tiếng vọng của định mệnh, của chia ly. Phá Tam Giang không chỉ là vùng đầm phá, mà là bức tường nước mênh mông chắn lối đến với người thương.
Còn câu: “Phá Tam Giang chắn ngay nẻo nhớ/ Truông Nhà Hồ làm khổ lòng nhau”, người viết dân gian lại khéo léo dùng nỗi nhớ làm trục chính. Phá Tam Giang không chỉ ngăn bước chân, mà còn “chắn ngay nẻo nhớ” – khiến khao khát không thể tìm thấy lối đi. Truông Nhà Hồ không chỉ là con đường rừng, mà “làm khổ lòng nhau” – gợi đến cảm giác bất lực, chia lìa trong yêu thương.
Hai câu ca là tiếng vọng của một thời – thời mà yêu thương không thể dễ dàng bày tỏ, không thể dễ dàng vượt qua khoảng cách không gian. Nhưng cũng chính vì thế, nó khiến tình yêu trở nên sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn và đầy thi vị. Nó nhắc nhở người đọc hôm nay rằng: có những nỗi đau đẹp, những nhớ nhung không thể đến gần nhưng vẫn sống mãi trong lòng người – như Phá Tam Giang, như Truông Nhà Hồ – đẹp đến nao lòng mà cũng buồn đến đắng cay.
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên, Phá Tam Giang còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của cư dân miền sông nước. Làng nghề truyền thống nuôi trồng thủy sản, mò hến vẫn tồn tại bền bỉ theo năm tháng, bởi vùng đầm phá này là mạch sống của bao thế hệ cư dân sông nước nơi đây.
Theo bác Minh kể, những vuông lưới phía trong gần bờ, người dân nuôi tôm, cá, cua…; những vuông lưới phía ngoài xa dùng để bắt tôm, cua, cá tự nhiên. Tất cả các vuông lưới đó đã tạo thành cảnh quan kỳ thú, tạo điểm nhấn vô cùng độc đáo của Phá Tam Giang mà không phải bất cứ nơi nào trên đất nước ta cũng có được. Cơn bão năm ngoái khiến một số người nuôi trồng ở đây trắng tay. Hiện nay, một số người đang gầy dựng lại, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cũng phải cố gắng vượt qua, bởi đó là nguồn sống của gia đình mình.
Nhìn thấy mấy người đầu đội nón, khom người dầm mình dưới làn nước ngập đến tận cổ, tôi tò mò hỏi:
- Họ làm gì vậy bác?
- Họ đang mò hến đấy.
- Vậy hả bác!
- Mò hến là nghề truyền thống của người dân nơi đây, truyền từ đời này qua đời khác. Nhờ có hến mà cuộc sống của họ không bị bữa no bữa đói đấy.
Hến ở đây được khai thác quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước cạn. Người dân thường dùng lưới cào, dùng dũi để bắt hến. Một ngày, mỗi thuyền có thể bắt được 50 đến 70 kg hến. Hên thì hơn. Tùy thời điểm, tùy loại, hến có giá khác nhau, từ 8.000–12.000 đồng/kg. Một ngày cũng được vài trăm ngàn. Vậy là ấm bụng rồi.
Trại viên về với Phá Tam Giang - chạm vào vẻ đẹp bình yên xứ Huế
Nhìn những người mò hến ở đây, bất giác tôi lại nhớ về thuở nhỏ. Cái thuở lên 9 lên 10 bám theo mấy anh chị trong làng đi mò cá, bắt cua ở các con mương trên cánh đồng trong những buổi trưa hè oi ả. Thành quả là chiếc giỏ đầy tôm, cua, cá nhưng đôi khi cũng chỉ lưng lửng giỏ mà thôi. Cá, tôm, cua ăn không hết thì đem ra chợ bán lấy tiền làm kế hoạch nhỏ để mua tập, sách, truyện. Mỗi dịp đi mò cua, bắt cá như thế, cực nhưng mà vui.
Lặng ngắm Phá Tam Giang, tôi cảm thấy thời gian như ngừng trôi. Bao mỏi mệt đời thường dường như cũng tan ra theo những làn nước lăn tăn. Có điều gì đó rất riêng mà Phá Tam Giang đem lại – một sự thanh lọc cả về thể chất lẫn tâm hồn. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt hiểu vì sao nhiều thi sĩ, nhạc sĩ chọn nơi này làm cảm hứng sáng tác. Từ nhạc phẩm “Chiều trên phá Tam Giang” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ từ thơ Tô Thùy Yên đầy mê hoặc, u uẩn, đến những bài thơ về vùng phá gắn với tên tuổi của nhiều nhà thơ xứ Huế – tất cả đều thể hiện một tình yêu sâu sắc với vùng đất này. Một trại viên cùng tôi thủ thỉ:
- Chuyến đi này không chỉ là tham quan. Nó như một hành trình gột rửa tâm hồn, để trở về với chính mình.
Tôi gật đầu. Bởi lẽ, trong cái mênh mông hoang sơ của phá, có khi chỉ cần một cơn gió nhẹ, một ánh hoàng hôn cũng đủ làm mềm lòng người.
Phá Tam Giang đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch sinh thái Huế. Tuy nhiên, bài toán phát triển nơi đây vẫn cần giải quyết trên cơ sở hài hòa giữa bảo tồn và khai thác, bởi hệ sinh thái đầm phá vốn rất nhạy cảm với các hoạt động khai thác thiếu kiểm soát. Ô nhiễm nước, phá rừng ngập mặn, lấn chiếm đất đầm... nếu không được kiểm soát tốt sẽ khiến phá bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, cần có chiến lược rõ ràng về quy hoạch du lịch sinh thái bền vững, dựa trên nền tảng bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng. Ngoài ra, việc đào tạo kỹ năng làm du lịch, văn hóa ứng xử cho người dân địa phương cũng là yếu tố quan trọng. Du khách không chỉ cần một chuyến đi đẹp, mà còn muốn được tiếp đón nồng hậu, chuyên nghiệp và có chiều sâu văn hóa.
Sau khi dùng bữa cơm trưa tại Phá Tam Giang, chúng tôi lên xe, lòng ai cũng luyến tiếc khi phải rời nơi này quá sớm. Có người lặng lẽ viết vài câu thơ vào sổ tay. Có người thầm hứa sẽ trở lại trong một dịp khác. Có người thì thì thầm:
- Chuyến đi đáng nhớ nhất của cả trại viết.
Riêng tôi, trong vai trò một người viết, tôi biết mình vừa được tiếp thêm cảm hứng sống, cảm hứng viết từ vùng đất này. Phá Tam Giang không chỉ hiện diện trong mắt, mà đã khắc vào hồn - nhẹ nhàng, thầm lặng nhưng sâu lắng và bền lâu.
Phá Tam Giang không ồn ào, không náo nhiệt, không màu mè. Nhưng chính sự mộc mạc, thuần khiết và đậm chất văn hóa bản địa ấy lại khiến vùng đất này trở nên đặc biệt trong lòng du khách. Một lần đến, là một lần thương nhớ. Và rồi ai cũng mong có “một thoáng” nữa – dài thêm, sâu hơn – với Phá Tam Giang.
Trương Anh Sáng