Phác họa chính sách tiền tệ quý IV

Phác họa chính sách tiền tệ quý IV
2 giờ trướcBài gốc
Định hướng của ngành ngân hàng là ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu hạ lãi suất cho vay. Ảnh: Dũng Minh
Kỳ vọng tiếp tục nới lỏng
Nhận định về chính sách tiền tệ trong nước, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rất tốt vai trò điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Hải kỳ vọng cơ quan quản lý tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là việc giảm lãi suất OMO và lãi suất điều hành.
Kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm 2024, song ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cũng lưu ý đến rủi ro lạm phát.
Từ đầu năm đến hết tháng 8, CPI toàn phần tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn một chút so với mục tiêu 4,5% và theo chuyên gia UOB, lạm phát có thể sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm do gián đoạn về sản lượng nông nghiệp (bão Yagi và mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc), trong khi các mặt hàng thực phẩm chiếm tới 34% trọng số rổ tính CPI.
“Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp trong khu vực bị ảnh hưởng, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Do đó, chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm, trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác”, ông Suan Teck Kin nói.
Tương tự, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, chính sách tiền tệ trong nước tiếp tục duy trì theo hướng hỗ trợ, với việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,5%/năm.
Liên quan đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại kỳ họp tháng 9 vừa qua, ông Suan Teck Kin cho rằng, có thể làm tăng khả năng (và áp lực) nới lỏng chính sách tiền tệ đối với Ngân hàng Nhà nước. Cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực, tỷ giá VND (so với USD) đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, với 3,2%, đạt mức 24.630 VND/USD. Áp lực bên ngoài (từ sức mạnh của USD) giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất, trong khi các yếu tố nội tại của kinh tế Việt Nam cho thấy sự ổn định hơn nữa là hai lý do chính giúp giá trị VND phục hồi.
“Bất chấp ảnh hưởng của siêu bão Yagi, đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam dự báo được thúc đẩy bởi cả hoạt động sản xuất, thương mại và nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2025. Kỳ vọng về chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND”, chuyên gia UOB nhấn mạnh
Trong diễn biến có liên quan, ông Khoa cảnh báo, việc Fed mới bắt đầu bước vào chu kỳ giảm lãi suất với rất nhiều kịch bản phía trước, những khác biệt về chính sách có khả năng vẫn còn duy trì, cùng với xu hướng tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục là yếu tố chính ảnh hưởng tới thanh khoản và lãi suất VND.
Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa
Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của từng tổ chức tín dụng, đồng thời nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua đó khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng việc thi hành các luật vừa được sửa đổi, bổ sung; rà soát để tiếp tục tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý đối với các dự án, đối với việc xử lý tài sản đảm bảo thi hành án; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; mở rộng chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản”.
Khẳng định việc phối hợp các chính sách đóng vai trò quan trọng với phục hồi kinh tế trong bối cảnh giá cả tăng nhẹ và cầu còn yếu, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực hiện chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh tế. Chính sách tiền tệ sẽ theo đuổi mục tiêu kép là ổn định giá cả và tăng trưởng, cho dù không gian chính sách bị hạn chế.
Cũng theo ông Shantanu Chakraborty, chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào hai mục tiêu ổn định giá cả và hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù không gian chính sách hạn chế. Bất kỳ biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bổ sung nào cũng nên được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, cùng với việc đẩy nhanh cải cách thể chế để hỗ trợ nền kinh tế.
“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ, song năng lực thực hiện chính sách này đã bị hạn chế đáng kể. Do vậy, cần thiết phải đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tài khóa, tăng cường giải ngân đầu tư công và cải cách quản lý nhà nước hơn nữa để giảm bớt gánh nặng lên chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy nền kinh tế”, lãnh đạo ADB nhấn mạnh.
Hồng Dung
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/phac-hoa-chinh-sach-tien-te-quy-iv-post354827.html