Theo báo cáo của IMARC Group, thị trường sữa Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng (CAGR) là 9,40% trong giai đoạn từ 2025 đến 2032. Với tốc độ tăng trưởng như trên, dự kiến khối lượng sản xuất sữa tại Việt Nam sẽ đạt 2,53 tỷ kg vào năm 2028. Thị trường sữa dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng về khối lượng là 5% vào năm 2025.
Với tiềm năng tăng trưởng trên, ngành sữa Việt Nam đang là "miếng bánh lớn" của nhiều doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp hàng đầu trong nước bao gồm Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, IDP và Mộc Châu Milk. Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài bao gồm FrieslandCampina (Hà Lan), Nestlé (Thụy Sĩ), Abbott (Mỹ), Mead Johnson (Mỹ) và Fonterra (New Zealand).
Từng đối mặt với thua lỗ trong những năm đầu hoạt động, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF (UPCoM: IDP) đã trải qua một hành trình không ít thăng trầm để vươn lên ổn định và ghi dấu ấn trên bản đồ ngành sữa Việt Nam. Từ vị thế của một "tân binh" lép vế trước những ông lớn trong ngành, IDP đã dần tìm được chỗ đứng riêng.
Thua lỗ dù được các ông lớn rót vốn
Thành lập từ năm 2004, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) được biết đến qua các thương hiệu như Sữa Ba Vì và Love'in Farm. Tuy nhiên, so với những "ông lớn" như Vinamilk, Dutch Lady hay TH Milk, quy mô của Sữa LOF vẫn còn khá khiêm tốn.
Sau đó, vào tháng 11/2014, hai đối tác lớn là VinaCapital và Tập đoàn Daiwa (Nhật Bản) đã rót 75 triệu USD vào công ty với mục tiêu vươn lên trở thành "thế lực mới" trong ngành sữa. Cùng thời điểm, ông Trần Bảo Minh - người từng đứng sau nhiều chiến dịch đình đám của Pepsi, Vinamilk và Asia Foods, chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc của Sữa LOF.
Dây chuyền sản xuất sữa KUN của Sữa Quốc tế.
Dù vậy, kết quả kinh doanh của Sữa LOF đã không quá khởi sắc như kỳ vọng, thậm chí thua lỗ liên tiếp khiến lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2019 lên đến 580 tỷ đồng, rơi vào tình trạng âm vốn chủ. Chỉ bước sang năm 2019 con số kinh doanh mới cải thiện và bắt đầu có lợi nhuận. Đây cũng là thời điểm VinaCapital nhường lại "cuộc chơi" cho chủ mới.
Sự "can thiệp" của Blue Point và Vietcap
Vào năm 2020, khi Sữa Quốc tế LOF đang trong tình trạng khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư đã có những động thái bất ngờ cho một thương vụ thâu tóm.
Theo đó, tháng 8/2020, CTCP Blue Point vừa tăng sở hữu tại Sữa LOF lên hơn 80% vốn, thông qua việc mua vào gần 13 triệu cổ phiếu IDP vào ngày 3/8/2020. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sữa Quốc tế đã thông qua việc chấp thuận cho CTCP Blue Point mua đến 90% tổng số cổ phần của công ty mà không cần chào mua công khai. Thời gian hoàn thành giao dịch dự kiến là tháng 12/2020.
Mặt khác, Chứng khoán Vietcap (Tiền thân là Chứng khoán Bản Việt) cũng hoàn tất mua vào hơn 8,8 triệu cổ phiếu, sở hữu 15% cổ phần của công ty sữa này.
Ông Tô Hải - Chủ tịch HĐQT Sữa LOF.
Như vậy, nhóm quỹ VinaCapital VOF và Daiwa PI Partners đã chính thức thoái vốn tại IDP, sau 5 năm tham gia với tham vọng trở thành thế lực mới trên thị trường sữa.
Bên cạnh đó, Sữa LOF đã thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị là ông Jumpei Nakamura và ông Nguyễn Tuấn Dũng. Đồng thời bổ nhiệm 2 thành viên thay thế là ông Tô Hải - Tổng Giám đốc Chứng khoán Vietcap và ông Hồ Sĩ Tuấn Phát - Tổng Giám đốc Lothamilk. Ngay sau đó, ông Tô Hải đã lên làm Chủ tịch HĐQT Sữa Quốc tế, thay thế cho ông Trần Bảo Minh.
Một điểm đáng chú ý là cổ đông nắm giữ 50% vốn của Blue Point là ông Đoàn Minh Thiện hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Vietcap - đơn vị sở hữu 15% cổ phần Sữa LOF.
Thay da đổi thịt sau về tay chủ mới
Sau khi về tay Vietcap, Sữa Quốc tế LOF đã có những bước chuyển mình vượt bậc với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng vọt. Theo đó, chỉ trong năm 2020, doanh thu thuần của công ty đã tăng gấp đôi lên 3.835 tỷ đồng; lợi nhuận của Sữa Quốc tế LOF đã tăng gấp 4 lần từ 112 tỷ đồng lên 501 tỷ đồng.
Đà tăng trưởng của Sữa LOF vẫn tiếp tục, vượt mốc 820 tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, sang năm 2022, dù doanh thu của công ty tăng vọt lên 6.086 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước đó thì lợi nhuận công ty lại giảm nhẹ xuống còn 810 tỷ đồng.
Đến năm 2023, lợi nhuận của công ty phi mã lên mốc 924 tỷ đồng - mức lãi kỷ lục trong lịch sử kinh doanh của công ty. Biên lãi gộp trong năm của công ty đạt 40,6%, ngang ngửa với Vinamilk.
Năm 2024, Sữa Quốc tế LOF ghi nhận doanh thu thuần 7.658 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023. Dù lợi nhuận gộp cũng tăng nhưng do áp lực chi phí nên lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 5%, đạt 875 tỷ đồng. Tuy nhiên,
Vào tháng 7/2024, công ty chính thức đổi tên thành Sữa Quốc tế LOF, với LOF được giải thích là "Lots of love" (rất nhiều tình yêu). Đồng thời, công ty cũng chuyển trụ sở chính từ Ba Vì, Hà Nội, đến khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Bước sang năm 2025, ông chủ thương hiệu sữa Kun đặt mục tiêu doanh thu đạt khoảng 8.400-8.800 tỷ đồng, tăng 10-14% so với năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt mức 360-440 tỷ đồng, giảm mạnh 50-59% so với năm trước.
Vào tháng 7/2024, công ty chính thức đổi tên thành Sữa Quốc tế LOF, với LOF được giải thích là "Lots of love" (rất nhiều tình yêu).
Sữa Quốc tế LOF đặt mục tiêu như vậy trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2024 không mấy khả quan. IDP nhận định ngành hàng tiêu dùng nhanh đang phục hồi, sức mua dần quay trở lại trong năm 2024.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, buộc phải gia tăng chi phí quảng bá, khuyến mãi và phát triển sản phẩm để duy trì thị phần. Điều này tác động lớn đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Hé lộ hệ sinh thái F&B đằng sau vợ chồng ông Tô Hải
Góp mặt trong hành trình tái thiết và đưa Sữa Quốc tế LOF trở lại đường đua tăng trưởng không chỉ có ông Tô Hải - Chủ tịch HĐQT, mà còn là người bạn đồng hành thân cận là bà Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ ông Hải, đồng thời là Thành viên HĐQT của Sữa LOF.
Không chỉ dừng lại ở vai trò quản trị tại LOF, bà Thiên Kim còn được biết đến là người sáng lập và vận hành nhiều thương hiệu nổi bật trong ngành ẩm thực, đồ uống như Phê La, Katinat… Hiện, Phê La có 27 cơ sở và Katinat có 93 cửa hàng trên cả nước.
Không chỉ dừng lại ở vai trò quản trị tại LOF, bà Thiên Kim còn được biết đến là người sáng lập và vận hành Phê La, Katinat…
Ngoài ra, bà Thiên Kim còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phê La và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty D1 Concepts - chủ sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng như San Fu Lou, Dì Mai, Sorae hay chuỗi cà phê Cafeda. Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực F&B, bà Kim còn nắm giữ 2,18% cổ phần tại Công ty Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI).
Nguyễn Phương Anh