Sáng 30/10, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Nội dung này cũng được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ ngay sau đó.
Phải bỏ việc “không làm được thì cấm” và cơ chế “xin – cho”
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội với chủ trương của Trung ương, tinh thần của Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tư duy làm luật. Đây là tư tưởng rất mới, rất đột phá.
Đó là xây dựng pháp luật phải vừa phục vụ quản lý, vừa phải kiến tạo phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Phải bỏ việc “không làm được thì cấm” và cơ chế “xin – cho”. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, trước đây cũng hay níu kéo quyền anh, quyền tôi. Quy định trong các luật chung, rồi luật chuyên ngành nhưng cuối cùng cũng tạo ra các thủ tục và các cơ chế xin – cho. Điều đó không theo kịp sự phát triển, cản trở đất nước, do đó lần này phải khắc phục.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phân cấp, phân quyền triệt để hơn; cắt giảm thủ tục hành chính triệt để hơn, làm sao ngắn gọn hơn, giảm thời gian, chi phí, không đánh mất cơ hội của nhà đầu tư.
Chuyển sang luật có tính chất khung, nguyên tắc, những vấn đề thay đổi thường xuyên, phát sinh trong cuộc sống thì cố gắng giao Chính phủ điều chỉnh để điều hành, kịp thời với thực tiễn.
"Quản chặt quá thì bó cứng, mở quá lại thả gà ra đuổi"
Đề cập dự án Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, các vấn đề chọn sửa đổi lần này rà soát theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cấp bách, khơi thông điểm nghẽn, còn chưa cấp bách để sửa tổng thể sau. Các vấn đề đã rất tập trung nhưng không cầu toàn, không nóng vội. Vấn đề đặt ra là quy định đến mức nào, vì chung chung quá thì thành nghị quyết, mà chi tiết quá lại thành nghị định.
“Quản lý chặt chẽ quá thì bó cứng, lại cản trở phát triển. Mở quá lại thả gà ra đuổi, phát sinh bất cập, sau này lại phải xử lý hậu quả. Mối quan hệ này phải nghiên cứu hết sức thấu đáo, chặt chẽ, vừa quản lý được,vừa kiến tạo phát triển” – ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, dự án đổi đất lấy hạ tầng BT trước đây đã bỏ, giờ khôi phục nhưng phải đưa ra yếu tố quản lý, giám sát, không để thất thoát, đảm bảo quyền lợi cho nhà nước.
Về luật Quy hoạch, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch ngành quốc gia, định hướng, không quy định chi tiết cho từng dự án. Các quy hoạch ngành quốc gia đưa luôn dự án vào luật thì bó cứng lại, sau này thay đổi công suất một chút lại phải thay đổi quy hoạch.
Với Luật Đầu tư, ban soạn thảo muốn thiết kế trường hợp thủ tục đặc biệt, vì trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư gay gắt, các nước không ngừng đổi mới, ta không đổi mới để cạnh tranh thì nhà đầu tư sẽ đi mất.
“Nhà nước có rất nhiều quyền, cho ai làm, làm ở đâu, làm thế nào, ra sao. Tất tần tật đều do chúng ta. Nhà đầu tư chỉ có một quyền thôi, đấy là không làm. Mà nhà đầu tư không làm thì chả có gì xảy ra cả. Vì vậy phải hài hòa quản lý nhà nước nhưng cũng thu hút, khuyến khích đầu tư để nhà đầu tư mạnh dạn bỏ tiền, cả trong nước lẫn nước ngoài”, theo ông Nguyễn Chí Dũng.
Vị bộ trưởng cũng dẫn ví dụ một nhà máy ô tô Trung Quốc hàng tỉ đô la từ khi khởi công đến khánh thành mất có 11 tháng; trung tâm thương mại hàng triệu đô la từ khi khởi công tới khi khánh thành chỉ 68 ngày. Hay ở Dubai, một thành phố có diện tích 260 ha, 500 tòa nhà cao tầng, trị giá 20 tỉ đô la Mỹ làm đúng 5 năm, không sai một ngày.
Đề cập nguyên nhân, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết họ chỉ quy định và yêu cầu ngắn gọn, nhà đầu tư tự làm theo quy định, xong mô hình thì người có trách nhiệm và thẩm quyền đến xem và duyệt trong 2 tiếng đồng hồ. Đó là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Thế giới phát triển như vũ bão, chúng ta không thể chậm trễ hơn được. Sắp tới không dừng lại ở đây, mở rộng quyền cho ban quản lý khu công nghiệp theo hướng ta định hướng, tiêu chí, tiêu chuẩn, kỹ thuật định mức, cứ thế mà làm. Trường hợp đặc biệt chúng tôi đề xuất cũng thế, nhà đầu tư không cần làm một số thủ tục thì mới rút ngắn được thời gian, để cạnh tranh trong tình hình hiện nay, thu hút nhà đầu tư” – ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Liên quan Luật PPP, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết vốn Nhà nước tham gia có thể trên 50% nhưng không quá 70%, cùng với đó sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan để thu hút nhà đầu tư.
“Tinh thần là một đợt cải cách hết sức mạnh mẽ, là cuộc cách mạng rất lớn. Tuy nhiên, chỉ là bước đầu, còn tiếp tục theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư. Chúng ta cũng cần phải nghiên cứu thận trọng, thấu đáo trước khi quyết định những vấn đề đột phá thế này. Mong đại biểu ủng hộ để đáp ứng kỷ nguyên vươn mình, phát triển” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ngọc Thành/VOV.VN