Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại buổi thảo luận tổ chiều 10/5 về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả quy hoạch
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch và cho biết, nếu được Luật Quốc hội thông qua chúng ta sẽ tổ chức chính địa phương theo mô hình 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã, trong cấp xã sẽ có phường, xã, đặc khu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: Media.quochoi.vn
Do vậy, phải quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; tăng cường các yếu tố phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy hoạch...
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, quy hoạch phải bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ. Phải quy định công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến Nhân dân, đặc biệt là lấy ý kiến đối với nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quy hoạch; đồng thời, thiết lập cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ.
Đối với nội dung triển khai quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, phải tăng cường cơ chế thực thi và cơ chế giám sát. Quốc hội, HĐND các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân giám sát. Nếu quy hoạch được công khai, minh bạch để Nhân dân giám sát, Nhân dân đồng thuận thì việc triển khai quy hoạch sẽ tốt, khả thi, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) tham gia thảo luận - Ảnh: Như Ý
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Dự thảo Luật lần này đã đối mới mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng... Đề nghị đánh giá cụ thể những vướng mắc trong thực tiễn dẫn đến cần phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Tháo gỡ khó khăn cho các điểm nghẽn
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, lần sửa đổi Luật lần này cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi là tháo gỡ khó khăn cho các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho phát triển; tránh tình trạng sửa luật để khơi thông điểm nghẽn này nhưng lại làm nghẽn điểm khác.
Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch, đại biểu tán thành quy định nhằm phát huy tính chủ động các địa phương. Tại điều 34, Chính phủ đề xuất được trao quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, vốn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cân nhắc nội dung này, trong trường hợp phân quyền cho Chính phủ, thì các quy hoạch này cần đưa vào trong quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận - Ảnh: Như Ý
Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội) nêu thực tế, thời gian qua một loạt quy hoạch cấp huyện đã lựa chọn tư vấn, triển khai thực hiện, nhưng chưa được phê duyệt. Các địa phương đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, thẩm định qua các tầng nấc khác nhau trước khi đi đến bước cuối cùng. Vì thế, việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này cần bổ sung quy định chuyển tiếp để các quy hoạch cấp huyện tiếp tục được thực hiện khi thực hiện chính quyền 2 cấp, không còn cấp huyện.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung điều 15, 16 của Dự thảo Luật theo hướng phân quyền, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh từ Thủ tướng Chính phủ về UBND cấp tỉnh, sau khi có ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn.
Quang cảnh thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Ảnh: Khánh Duy
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh (đoàn TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi điều chỉnh thành lập chính quyền địa phương 2 cấp thì các quy hoạch cũ đã phê duyệt sẽ ra sao; đồng thời, đại biểu kiến nghị giữ lại tất cả các quy hoạch đó cho đến khi có quy trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Và quy trình điều chỉnh cục bộ cũng tiến hành theo tinh thần rút gọn, không kéo dài mất thời gian.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng,Dự thảo Luật lần này chưa đặt ra được những vấn đề mang tính căn cơ, phần lớn đang điều chỉnh những vấn đề liên quan phân quyền lập, điều chỉnh quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục để đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện tinh gọn bộ máy...
Theo đại biểu, "làm quy hoạch để có tầm nhìn, có định hướng lâu dài, nhưng với điều kiện quy hoạch phải có tầm nhìn, có tính khả thi, có đủ điều kiện, nguồn lực để bảo đảm thực hiện. Nếu quy hoạch đưa ra cho có thì có khi lại trở thành "vòng kim cô" cản trở lại hoạt động của xã hội, của địa phương, của quốc gia".
Thịnh An