Rạch ròi đúng-sai trong vấn đề này, quả là chín người mười ý!
Trong khi dư luận chưa nguôi chuyện một vài sinh viên có thái độ vô lễ với các cựu chiến binh, thì việc xuất hiện hành động đẹp của 6 bạn sinh viên đã tạo hiệu ứng tương phản rất rõ. Trong chuyện này, chúng ta cần nhân cái đẹp, dẹp cái xấu. Và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ngay và luôn, có hình thức tôn vinh để lan tỏa lối sống đẹp trong giới học đường là rất cần thiết. Vấn đề là, lựa chọn hình thức, cách làm phù hợp để mang lại hiệu quả giáo dục tốt. Trong trường hợp này, một hình thức biểu dương, nhân rộng, học tập, lan tỏa... là đủ.
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo
Làm được việc tốt là phải khen! Nhưng, khen thế nào cho phải?
Tuân Tử, triết gia vĩ đại của Trung Quốc từng nói: Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta.
Khen quá, tức là khen không phải hoặc chưa phải. Khen vống lên, lại thành ra bệnh thành tích. Đáng bàn là, chuyện này trong đời sống xã hội lại diễn ra nhan nhản. Một tập thơ làng nhàng cũng khen vống lên thành “thi phẩm”. Một cuộc thi “ao làng” cũng vống lên thành “ngôi sao”, hoa nọ, hoa kia. Năng lực có một thì vống lên mười... Vống đến mức, nhiều người phải thốt lên, ở xứ ta, cứ bước ra đường là gặp... “hoa hậu”, đến quán nhậu là đụng... “ngôi sao”!
Khen không phải là tác dụng ngược!
PHAN TÙNG SƠN