Phải quy định rõ trách nhiệm cơ quan nào chỉ định thầu dự án nhà ở xã hội?

Phải quy định rõ trách nhiệm cơ quan nào chỉ định thầu dự án nhà ở xã hội?
9 giờ trướcBài gốc
Dự án nhà ở xã hội nên được áp dụng trình tự thủ tục rút gọn
Thảo luận tại tổ sáng nay (21/5) về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với việc bỏ quy định về thẩm định phê duyệt dự án khả thi, tiền khả thi, phê duyệt chủ trương quy hoạch và cho rằng điều này là hoàn toàn cần thiết.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thảo luận.
Về giá bán nhà ở xã hội, đại biểu phân tích, theo quy định hiện hành các dự án nhà ở xã hội xây dựng xong móng mới được quyền bán nên giá bán tại thời điểm đó chỉ mang tính dự kiến. Doanh nghiệp dự kiến giá bán trình cơ quan nhà nước thẩm tra, sau khi xây dựng xong mới quyết toán, tính ra giá bán mới. Nếu giá này cao hơn giá công bố thì không được thu thêm, nếu thấp hơn thì phải trả lại cho người mua. Như vậy, cơ quan Nhà nước phải 2 lần thẩm tra giá bán nhà ở xã hội. Để giải quyết vấn đề đó, dự thảo Nghị quyết đã bỏ quy định này.
Về quy đề xuất xây dựng Quỹ Nhà ở quốc gia (quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương), đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, do các dự án nhà ở xã hội có vốn sinh lợi thấp nên cần có quỹ này. Đặc biệt, nhà ở xã hội cho thuê thường có giá thấp, nhiều khi nguồn thu chỉ đủ để vận hành, duy trì nên không nhà đầu tư nào mặn mà. Do vậy, phải có Quỹ Nhà ở, trong đó ưu tiên các dự án nhà ở xã hội cho thuê.
Về đề xuất giao trực tiếp dự án nhà ở xã hội cho nhà đầu tư, đại biểu cho biết, theo quy định hiện hành nếu có 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm đến cùng 1 dự án phải tổ chức đấu thầu. Dự thảo Nghị quyết cho phép chỉ định nhà đầu tư nhưng chỉ định đơn vị nào cần xem xét kỹ, có thể đưa ra tiêu chí ai xây dựng hoàn thành sớm hơn thì được nhận dự án.
Cùng cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho ý kiến về quy định dự án nhà ở xã hội được áp dụng trình tự thủ tục rút gọn, không qua đấu thầu. Theo đại biểu, để các dự án nhà ở xã hội đảm bảo chất lượng cần bổ sung trách nhiệm cơ quan chỉ định thầu vì điều này liên quan trực tiếp đến an toàn, tính mạng của người dân.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu.
Về đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội, do đối tượng rất rộng trong khi nguồn lực có hạn nên cần có tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng, có trình tự ưu tiên rõ ràng, tránh lợi dụng chính sách - đại biểu kiến nghị.
Về Quỹ Nhà ở Quốc gia, đại biểu đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, nguồn, cơ chế sử dụng, trách nhiệm trong quản lý quỹ, cơ chế thanh tra kiểm soát.
Về xác định giá bán, giá thuê, mua nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết đưa ra 3 vấn đề, đó là căn cứ phương pháp, xác định mức giá, nghiệm thu… nhưng nội dung vẫn còn chung chung. Đại biểu nêu thực tế từ việc người lao động và người thu nhập thấp để tiếp cận mua nhà ở xã hội này trong thời gian vừa qua còn rất hạn chế, nguyên nhân là do ngoài việc cơ chế đã khó để tiếp cận, còn mức giá để người lao động, người thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở xã hội cũng khá bất cập…
Còn theo đại biểu Trần Việt Anh (đoàn Hà Nội), quá trình tham gia đoàn giám sát Luật Nhà ở 2014 đã cho thấy những tồn tại không nhỏ trong các dự án nhả ở xã hội, như việc các chủ đầu tư thường chỉ tập trung vào 20% diện tích đất dành cho nhà thương mại để bán, còn lại 80% đất dành cho nhà ở xã hội thì triển khai khá chậm. Điều này đã được dự thảo Nghị quyết giải quyết khá triệt để.
Đại biểu cũng cho rằng, do đối tượng được ở nhà xã hội và đối tượng sở hữu nhà ở xã hội là khác nhau, nên cần đặc biệt quan tâm đến việc cho thuê nhà ở xã hội.
Nhà ở xã hội chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng: nhà ở xã hội ngày càng cấp thiết, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu công nghiệp, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc do cơ chế thiếu linh hoạt, thủ tục kéo dài và chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.
“Việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội là cần thiết và kịp thời, nhằm tháo gỡ nút thắt pháp lý, tạo đột phá về thể chế và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội một cách thực chất, hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay”, ông So nói.
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Ông cho rằng dự thảo nghị quyết giao chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với đặc thù của loại hình nhà ở phục vụ an sinh xã hội.
Tuy vậy, tiêu chí này chưa thực sự hợp lý khi yêu cầu chủ đầu tư phải có chức năng kinh doanh bất động sản, đảm bảo các điều kiện tài chính nghiêm ngặt. “Thực tế, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư không bắt buộc chủ đầu tư phải có kinh nghiệm tương tự, mà chỉ yêu cầu đáp ứng năng lực tài chính và điều kiện hành nghề theo quy định. Do đó, việc duy trì tiêu chí “đã từng thực hiện dự án nhà ở xã hội” như một điều kiện cứng là không cần thiết và làm giảm đáng kể tính tiếp cận của chính sách”, đại biểu So nhận định.
Ông đề nghị bổ sung cơ chế công khai, minh bạch để tránh dư luận không tích cực về cơ chế không qua đấu thầu, một cơ chế hợp lý trong bối cảnh đặc thù của nhà ở xã hội.
“Nên bổ sung yêu cầu UBND cấp tỉnh công khai danh mục dự án, tiêu chí và lý do giao chủ đầu tư không qua đấu thầu trên cổng thông tin của địa phương để đảm bảo tính minh bạch và tạo môi trường đầu tư công bằng”, ông So nói.
Ông cũng kiến nghị về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội là một nội dung then chốt, tác động trực tiếp đến khả năng thu hút nhà đầu tư cũng như tính minh bạch và hiệu quả của chính sách nhà ở xã hội. “Việc “ấn định cứng” trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch mà không cho phép điều chỉnh trong biên độ hợp lý là một rào cản lớn, khiến doanh nghiệp khó tiên lượng lợi nhuận, không dám đầu tư hoặc phải tính biên phòng rủi ro cao, dẫn tới tăng giá khởi điểm”, ông So thẳng thắn.
Đặc biệt, với quy định quan nhằm tháo gỡ rào cản về quỹ đất sạch trong triển khai các dự án nhà ở xã hội, ông So nhận định một số nội dung trong quy định hiện tại vẫn chưa được cụ thể hóa, dẫn đến nguy cơ tạo ra sự chậm trễ trong việc hoàn trả kinh phí cho chủ đầu tư, cũng như làm giảm tính hấp dẫn của chính sách đối với khu vực tư nhân.
“Tôi đề xuất bổ sung quy định: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định và hoàn trả hoặc khấu trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho chủ đầu tư trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Điều khoản này không trái với Luật Ngân sách nhà nước hay Luật Đất đai, đồng thời góp phần nâng cao tính kỷ luật tài chính – hành chính trong triển khai các chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội”, ông So kiến nghị.
Phi Long/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/phai-quy-dinh-ro-trach-nhiem-co-quan-nao-chi-dinh-thau-du-an-nha-o-xa-hoi-post1201110.vov