Phải tỉ mỉ để 'gác cửa' hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ

Phải tỉ mỉ để 'gác cửa' hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ
2 giờ trướcBài gốc
Các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Ảnh: Hồng Vân
Thủ đoạn khôn lường
Ông Mai Ngọc Thạch - Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Anh Khuê Watch - đơn vị phân phối độc quyền máy tính và đồng hồ Casio cho biết, trong 19 năm qua, lực lượng chức năng đã tịch thu 115.773 máy tính Casio giả. Chiêu thức thường gặp là các đối tượng trưng bày vài mẫu hoặc vỏ hộp, sau đó, họ sẽ giới thiệu cho người tiêu dùng đây là sản phẩm loại 2. Hoặc thậm chí, ban đầu đối tượng sẽ đặt mua hàng chính hãng, trộn lẫn với hàng giả và sẽ đưa sản phẩm thật khi bị kiểm tra để qua mặt cơ quan chức năng. Một số khác đăng hình ảnh sản phẩm thật trên trang thương mại điện tử với giá cực rẻ nhưng khi giao cho khách lại là sản phẩm giả…
Buôn bán hàng giả tràn lan trên mạng xã hội
Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hiện được công khai trên các website thương mại điện tử. Điều này đã tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước, gây tác hại cho nền kinh tế, làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Tương tự với nhãn hiệu Apple. Các sản phẩm của Apple thường bị làm giả gồm: điện thoại iPhone, máy nghe nhạc iPod, tai nghe AirPods, đồng hồ thông minh Apple Watch… Để chống hàng giả, từ iPhone 14, Apple chuyển sang sử dụng lớp niêm phong bằng giấy thay màng nilon trên hộp đựng điện thoại. Đến thế hệ iPhone 15, hãng cải tiến thêm cơ chế quét tia UV lên seal nhằm giúp người dùng nhận biết hộp thật. Cách thức này được đánh giá sẽ khiến giới kinh doanh điện thoại khó bắt chước hơn. Tuy nhiên, một lượng lớn seal được làm giả vẫn nhanh chóng có mặt trên thị trường.
Từ tình hình trên, để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (SHTT) và hàng xâm phạm quyền SHTT năm 2024 (Kế hoạch 1244) với nhiều giải pháp.
Kết quả đấu tranh những tháng đầu năm 2024, chỉ riêng Đội 4 (Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) - Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện 16 vụ việc có liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ. Điển hình là vụ việc ngày 20/6/2024, Đội 4 đã chủ trì, phối hợp với Hải quan Hải Phòng bắt giữ, tịch thu 117.200 sản phẩm bản lề dùng cho tủ bếp hiệu BLUMaxi đã xâm phạm nhãn hiệu BLUM đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Gọi là điển hình bởi thủ đoạn của vụ việc này hoàn toàn mới và tinh vi. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng giả đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “BLUMAXI” – viết hoa tất cả chữ cái - tại Việt Nam cho hàng hóa của mình. Hồ sơ của doanh nghiệp được coi là hợp lệ vì chưa ai đăng ký nhãn hiệu này, song vẫn chưa được cấp phép. Tuy nhiên, thực tế hàng doanh nghiệp nhập về lại ghi chữ “BLUMaxi” (3 chữ cuối viết thường trong nhãn hiệu này lại vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ là BLUM). Nếu không nghiên cứu cụ thể, tỉ mỉ sẽ rất khó để phát hiện ra thủ đoạn.
Bà Hoàng Bích Ngọc - Trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH Blum tại Hà Nội cho hay, vụ việc cũng giúp hãng tin tưởng hơn vào tính hiệu quả và năng lực chuyên môn của cơ quan chức năng trong quá trình phối hợp điều tra bắt giữ các trường hợp vi phạm. Đồng thời tạo thuận lợi cho hãng trong quá trình kinh doanh tại thị trường Việt Nam khi vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dần được các cơ quan chức năng lưu tâm xử lý, giúp giảm hàng hóa kém chất lượng trên thị trường...
Tập trung vào mặt hàng trọng điểm
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để xác định địa bàn, đối tượng, hành vi, loại hình trọng điểm. Trên cơ sở đó kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về SHTT, hàng xâm phạm quyền SHTT đối với các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ tập trung chú trọng và các mặt hàng, địa bàn trọng; các lĩnh vực trọng điểm; loại hình trọng điểm; đối tượng trọng điểm…
Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng đã có văn bản gửi các cục hải quan địa phương đề nghị tăng cường thu thập thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu; hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh theo các tuyến, địa bản, mặt hàng, đối tượng trọng điểm. Bên cạnh đó, tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: quần áo, giày dép túi xách... giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng; máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định, linh kiện điện tử, đồ gia dụng; phụ tùng ô tô, xe máy, gỗ và các sản phẩm gỗ... để gia công, sản xuất xuất khâu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế.
Đặc biệt, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc kiểm tra, chỉ đạo công tác chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền SHTT tại các địa bàn trọng điểm như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
Phối hợp chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh
Hầu hết hàng hóa đưa vào thị trường Việt Nam đều thông qua 2 con đường chính (nhập khẩu chính ngạch và nhập tiểu ngạch). Cơ quan hải quan là hàng rào đầu tiên bảo vệ thị trường Việt Nam khỏi hàng hóa kém chất lượng thông quan vào thị trường và thu giữ những lô hàng kém chất lượng, giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu lớn trên thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.
Qua quá trình làm việc với các cơ quan chức năng nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa hoặc đại diện cho các nhãn hàng lớn đều nhận thấy việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam khá phức tạp về hành vi, phương thức, thủ đoạn và mô hình… của các cá nhân, công ty đang kinh doanh loại hình hàng hóa này.
Để đấu tranh hiệu quả, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan chức năng gồm: Hải quan, Quản lý thị trường, Công an và cả doanh nghiệp là chủ thể sở hữu các nhãn hiệu chính hãng là hết sức quan trọng và cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Về phần giám định hàng hóa hoặc giám định nhãn hàng vi phạm, cần có sự đồng bộ hơn giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan giám định quyền sở hữu trí tuệ và cơ quan đăng kí bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ. Một số doanh nghiệp đã phản ánh có sự thiếu đồng bộ về ý kiến phê duyệt đăng kí quyền sở hữu trí tuệ giữa các cơ quan chức năng liên quan khiến thời gian giám định và xử lý sự việc bị kéo dài.
Ngoài ra, quy định xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay còn thiếu tính răn đe. Do đó, cần tăng mức xử phạt và mức giá trị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để có tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, giảm rủi ro thiệt hại cho đơn vị bị xâm phạm quyền SHTT. Các cơ quan thực thi cần rút ngắn thời gian xử lý đơn kiện trong lĩnh vực SHTT, phải có thời hạn cụ thể, không để tình trạng các vụ việc kéo dài nhiều năm./.
Hồng Vân
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phai-ti-mi-de-gac-cua-hang-xam-pham-so-huu-tri-tue-159898.html