Phẩm chất cao quý của người nữ qua hình tượng trí tuệ, từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm

Phẩm chất cao quý của người nữ qua hình tượng trí tuệ, từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm
2 giờ trướcBài gốc
Hôm nay, 19 tháng 9 Âm lịch – Ngày vía Quán Thế Âm Bồ tát, liền sát ngày 20 tháng 10 dương lịch vừa qua – Ngày Quốc tế Phụ nữ, là dịp để chúng ta cùng suy ngẫm về lòng từ bi, tình yêu thương và sự chăm sóc thầm lặng. Những phẩm chất này, không chỉ là biểu tượng cao cả của Bồ tát Quán Thế Âm mà còn là hiện thân trong cuộc sống hàng ngày qua hình ảnh những người phụ nữ với trái tim đầy bao dung và hy sinh.
Quán Thế Âm Bồ tát là vị Bồ tát đại diện cho lòng từ bi vô hạn. Tên gọi “Quán Thế Âm” không chỉ biểu hiện sự lắng nghe âm thanh khổ đau của chúng sinh, mà còn là sự quán chiếu sâu xa vào sắc và tâm của mọi người. Theo Quán Âm Huyền Nghĩa, Bồ tát không chỉ dừng lại ở việc nghe tiếng kêu cứu mà còn cảm nhận toàn bộ khổ đau ẩn sâu trong tâm tư của mỗi người.
Đây không chỉ là hành động của lòng từ bi, mà còn là biểu hiện của trí tuệ giác ngộ. Ngài không chỉ lắng nghe bằng âm thanh, mà còn quán chiếu bằng tâm thanh tịnh, không phân biệt giữa “năng” và “sở”, đó là sự tương ứng, hay “ứng” với căn cơ của mỗi chúng sinh.
Ảnh biểu tượng, sưu tầm
Lý thuyết “Cảm ứng” trong tông Thiên Thai đã chỉ rõ: “Chúng sinh có nhân quả gọi là ‘cảm’, Thánh nhân không có nhân quả gọi là ‘ứng’. ”Tâm từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm chính là sự phản ánh của tâm thanh tịnh, không bị ràng buộc bởi những gì chúng sinh có thể “cảm nhận” qua giác quan hữu hạn. Từ đó, ngài cứu độ chúng sinh bằng trí tuệ sâu xa, vượt khỏi những biểu hiện hữu hình và hư ảo của thế gian. Đây là sự khác biệt giữa phàm phu và Bồ tát, khi phàm phu còn chấp trước vào âm thanh và những khổ đau bên ngoài thì Bồ tát đã tự tại trong việc lắng nghe và quán chiếu, không còn sự phân biệt giữa “năng quán” và “sở quán”".
Tuy nhiên, trong giáo lý của Bồ tát Quán Âm, mỗi người đều có khả năng tiếp cận được sự giác ngộ này, khi tâm từ bi và trí tuệ được khơi dậy. Kinh Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật dạy rằng, khi hành giả thanh tịnh hóa tâm, hình ảnh trang nghiêm của Bồ tát Quán Thế Âm hiện ra rõ ràng trong tâm thức, giúp hành giả hòa nhập vào tâm từ bi của Ngài, không còn phân biệt giữa mình và người.
Sự hòa quyện giữa tâm từ bi và trí tuệ là cốt lõi của con đường tu tập theo hạnh nguyện Bồ tát
Trong kinh Kim Cang Đỉnh Du Già Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự tại Bồ tát Tu Hành Nghi Quỹ, phương pháp tu tập Tứ Vô Lượng Tâm hướng đến việc quán chiếu từ bi, hỷ xả và bình đẳng với tất cả chúng sinh. Đây là sự khuyến khích mỗi người tự quán chiếu nội tâm và phát khởi những đức tính cao quý, đồng thời nhận ra rằng, từ bi không chỉ là một trạng thái cảm xúc mà là sự thực hành liên tục trong đời sống.
Pháp môn của Bồ tát Quán Âm dạy chúng ta rằng, mỗi chúng sinh đều có thể thành Quán Thế Âm khi nuôi dưỡng lòng từ bi và trí tuệ. Trong Thiền tông, Lục Tổ Huệ Năng đã khẳng định: “Tự tính mê lầm thì là chúng sinh, tự tính giác ngộ thì là Phật. Từ bi là Quán Âm, hỷ xả là Thế Chí, thanh tịnh là Thích Ca và ngay thẳng là A Di Đà.”
Đây chính là lời nhắc nhở rằng, trong mỗi chúng ta đều tồn tại tiềm năng của một vị Bồ tát, chỉ cần biết quán chiếu và thực hành, mọi người đều có thể thành tựu.
Ngày Quốc tế Phụ nữ mang lại sự đồng cảm sâu sắc hơn khi chúng ta thấy được nét tương đồng giữa lòng từ bi của Bồ tát Quán Âm và những phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ. Với tình yêu thương, sự chăm sóc người thân vô điều kiện, họ là những hiện thân sống động của Bồ tát Quán Thế Âm trong cuộc sống hàng ngày.
Những hy sinh thầm lặng, những trái tim đầy bao dung chính là biểu hiện của sự từ bi và trí tuệ trong đời sống thực tiễn.
Bồ tát Quán Âm thành Phật bằng tâm thanh tịnh và chúng ta cũng có thể thành tựu bằng chính tâm thanh tịnh ấy. Tâm thanh tịnh là phật tính vốn có sẵn trong tất cả chúng sinh, chỉ cần chúng ta biết quay về và nuôi dưỡng. Đúng như câu: “Quay về nguồn cội là hợp nhất với pháp thân, tướng dụng vô lượng là báo thân và ứng hóa thân. Mỗi người đều có thể thành Quán Thế Âm, từng niệm không chấp trước là chân tâm Phật.”
Hãy để ngày vía của Bồ tát Quán Thế Âm trở thành cơ hội để chúng ta quay về với lòng từ bi và trí tuệ vốn sẵn có trong tâm, biết lắng nghe và cảm nhận không chỉ bằng giác quan, mà còn bằng tâm thanh tịnh. Mỗi người trong chúng ta, khi thấu hiểu và thực hành được điều này, đều có thể trở thành Quán Thế Âm trong chính cuộc sống của mình, lan tỏa tình yêu thương và sự giác ngộ đến mọi người.
Tác giả: Diệu Thường
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/pham-chat-cao-quy-cua-nguoi-nu-qua-hinh-tuong-tri-tue-tu-bi-cua-bo-tat-quan-the-am.html