Phạm nhân vượt ngục làm tổng giám đốc công ty vệ sĩ sẽ bị xử lý những tội danh nào?

Phạm nhân vượt ngục làm tổng giám đốc công ty vệ sĩ sẽ bị xử lý những tội danh nào?
2 ngày trướcBài gốc
Như PLO đã thông tin, ngày 18-2, Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã bắt giữ phạm nhân trốn truy nã Đặng Đình Bình (46 tuổi, ngụ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Bình đã vượt ngục, trốn truy nã 24 năm qua.
Năm 2001, Bình cùng một số phạm nhân khác phá cửa buồng giam, trốn khỏi nơi giam giữ và bị truy nã.
Theo hồ sơ, tháng 4-2000, Đặng Đình Bình bị TAND TP Pleiku, tỉnh Gia Lai xử phạt 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Trong thời gian bị giam tại nhà tạm giữ Công an TP Pleiku, Bình cùng một số phạm nhân khác hành hung khiến một người tử vong.
Sau đó, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt Đặng Đình Bình 20 năm tù giam về hai tội danh giết người và trộm cắp tài sản.
Phạm nhân vượt ngục Đặng Đình Bình trốn truy nã 24 năm qua. Ảnh: CA
Đến ngày 15-12-2001, Bình cùng hai phạm nhân khác phá chốt cửa buồng giam bỏ trốn vào các tỉnh phía nam như Cà Mau, Bình Dương, TP.HCM… và Bình thay tên đổi họ với giấy tờ giả tên Trương Đình Trung (48 tuổi, quê quán xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Bình nhờ người khác đứng tên thành lập nhiều công ty hoạt động kinh doanh lĩnh vực dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ tại TP.HCM và Bình Dương, còn Bình làm tổng giám đốc.
Đến ngày 11-2-2025, Trại Tạm giam Công an tỉnh Gia Lai phát hiện Đặng Đình Bình là người trốn truy nã đang lẩn trốn tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương nên đã phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ, di lý về Công an tỉnh Gia Lai.
Về trách nhiệm pháp lý của phạm nhân Đặng Đình Bình, theo quy định tại Điều 386 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017; gọi tắt là BLHS): Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định đây là hành vi phạm tội có tổ chức; dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải, thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Như vậy, phạm nhân Đặng Đình Bình sẽ bị đưa ra xét xử trong vụ án liên quan đến hành vi trốn khỏi trại giam, theo Điều 386 BLHS.
Áp dụng Điều 55 BLHS quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội: Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.
Lúc đó, Tòa án sẽ cộng hình phạt của bản án cũ (20 năm tù giam về hai tội danh giết người và trộm cắp tài sản) và bản án mới (về tội trốn khỏi nơi giam giữ), trừ đi thời hạn tù mà phạm nhân Bình đã chấp hành. Đây là hình phạt mới mà phạm nhân Đặng Đình Bình sẽ phải chấp hành.
Giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn
1. Khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.
Mọi trường hợp phạm nhân bỏ trốn đều phải được lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
2. Phạm nhân đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận phạm nhân đầu thú lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc giao phạm nhân đó cho cơ quan thi hành án hình sự nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
(Theo Điều 42 Luật Thi hành án hình sự năm 2019)
MINH CHUNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/pham-nhan-vuot-nguc-lam-tong-giam-doc-cong-ty-ve-si-se-bi-xu-ly-nhung-toi-danh-nao-post834982.html