3 thiếu niên trong vụ cướp đoạt tài sản tại huyện Gia Lâm bị cơ quan Công an bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp
"Đi cướp nếu bị bắt sẽ không phải đi tù"
Mới đây, CA huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tạm giữ 3 thiếu niên, cùng SN 2009, cư trú ở quận Long Biên và huyện Gia Lâm, để điều tra hành vi “Cướp tài sản”. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, tối 10/2, các thiếu niên này đi trên một xe máy đi dọc các con phố ở huyện Gia Lâm nhằm tìm "con mồi" để cướp tài sản. Khoảng 22h30, nhóm này chặn xe máy của cô gái 19 tuổi, dí dao vào cổ đe dọa, cướp một điện thoại iPhone 11 Pro. Khoảng 23h05 cùng ngày, nhóm lại chặn xe một thiếu niên 16 tuổi cướp điện thoại iphone 11.
Ngày 13/2, CA đã xác định được 3 nghi phạm gây án, thu tang vật là con dao gọt hoa quả. Các thiếu niên khai được các "anh lớn" mách nước đi cướp khi ở tuổi vị thành niên, nếu bị bắt sẽ không bị xử lý, đi tù. Câu chuyện trên một lần nữa đặt ra các vấn đề về tâm lý tội phạm, sự nhận thức pháp luật một cách nửa vời và cách thức xử lý tội phạm vị thành niên.
Theo Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi là bị can, bị cáo, bị hại trong các vụ án hình sự tại Việt Nam năm 2022, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có số lượng, tỉ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội bị khởi tố bị can cao nhất so với tổng số người dưới 18 tuổi phạm tội bị khởi tố bị can trên toàn quốc; trong đó, Hà Nội là 683/6.090 bị can (chiếm 11,22%), TP Hồ Chí Minh là 512/6.090 bị can (chiếm 8,41%). Năm 2022, gần 60% người dưới 18 tuổi bị khởi tố bị can là về một trong ba tội danh sau: tội “Gây rối trật tự công cộng” - Điều 318 (1.526/6.090 bị can, chiếm 25,06%), tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” - Điều 134 (1.194/6.090 bị can, chiếm 19,61%) và tội “Trộm cắp tài sản” - Điều 173 (837/6.090 bị can, chiếm 13,74%). Xét về độ tuổi, có tới 92,599% trẻ ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi bị khởi tố bị can và hơn 7% trẻ trong độ tuổi từ 14-16%; trên 97% trẻ phạm tội là nam giới.
Phiên tòa giả định được tổ chức tại trường Trung học phổ thông Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) vào cuối năm 2024. Ảnh: Minh Dương
Việc truyền thông pháp luật cần thực tế và dễ tiếp cận hơn
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách, đạo đức. Đây là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu các kỹ năng sống, những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí và có thể dẫn đến hành vi phạm tội. Thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục định hướng các em có nhận thức đúng và có hành vi phù hợp là một nguyên nhân quan trọng. Đây là lỗ hổng rất lớn khiến các em dễ dàng bị tác động, nghe xúi giục từ những đối tượng xấu.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, ông đã tham gia trợ giúp pháp lý cũng như tham gia nhiều phiên tòa có bị can, bị cáo là trẻ chưa thành niên. Ông cho rằng, câu chuyện “mách nước” phạm tội khi còn chưa thành niên sẽ không bị đi tù không phải bịa đặt. “Có thể “các anh lớn” đã tìm hiểu và dựa vào quy định trong Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong khi đó, tội "Cướp tài sản" theo quy định tại Điều 168 Bộ luật này là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tức là vẫn thuộc diện bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu hành vi chưa đủ mức độ "rất nghiêm trọng", có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng phân tích.
Đối với người dưới 18 tuổi, dù có bị xử lý hình sự thì vẫn được hưởng chính sách khoan hồng, với mục tiêu giáo dục, cải tạo thay vì trừng phạt nặng nề như đối với người trưởng thành. Chính sách này thể hiện sự nhân văn của pháp luật, nhằm giúp trẻ vị thành niên có cơ hội sửa sai và tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, đây cũng là điểm để một số đối tượng đã hiểu sai hoặc cố tình lợi dụng để xúi giục, lôi kéo trẻ em phạm pháp. Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, thực tế hành vi của 3 thiếu niên trong vụ việc cướp tài sản ở Gia Lâm đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khung hình phạt đối với hành vi này sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm. Và do các đối tượng chưa đủ 16 tuổi, theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất áp dụng cho người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không được vượt quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Việc gia tăng các vụ án do trẻ chưa thành niên gây ra gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng cần tăng mức phạt với các hành vi phạm tội do trẻ gây ra. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, việc tăng mức hình phạt chưa hẳn đã là giải pháp tốt nhất. Để ngăn ngừa từ gốc, luật sư Nguyễn Tiến Hùng cũng cho rằng, việc truyền thông pháp luật cần thực tế và dễ tiếp cận hơn, thay vì chỉ dừng lại ở những bài giảng lý thuyết.
“Việc đưa các vụ án thực tế vào phiên tòa giả định là một phương pháp giáo dục pháp luật hiệu quả, giúp thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về trách nhiệm pháp lý và hậu quả của hành vi phạm tội. Khi trực tiếp đóng vai thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư hay bị cáo, các em học sinh sẽ cảm nhận rõ hơn sự nghiêm minh của pháp luật, thay vì chỉ tiếp thu lý thuyết khô khan. Đặc biệt, những vụ án có sự tham gia của người chưa thành niên sẽ giúp các em nhận thức rõ rằng dù ở độ tuổi nào, vi phạm pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm” – luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết.
Phiên tòa giả định giúp xóa bỏ quan niệm sai lầm rằng, "trẻ em thì không thể bị đi tù". Việc thực tế hóa pháp luật qua những tình huống sống động này qua các phiên tòa giả định không chỉ giúp trẻ ý thức hơn về hành vi của mình, mà còn góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho toàn xã hội, hạn chế tình trạng tội phạm vị thành niên ngay từ gốc rễ.
Ngọc Dung