Con gái tôi bị sốt kèm nổi ban đỏ, xin hỏi bác sĩ đây là dấu hiệu của bệnh gì?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Cẩm Trinh, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ
Ở giai đoạn đầu, trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng hay hô hấp đều có dấu hiệu bị sốt. Trong một số trường hợp, trẻ sẽ nổi ban trên da. Tuy nhiên, tiến triển cơn sốt và nốt ban của các bệnh này có thể được phân biệt dựa trên các yếu tố sau đây.
Bệnh sởi
Sốt trong bệnh sởi: Sốt cao, có thể kéo dài 4-7 ngày. Sốt thường bắt đầu trước khi nổi ban.
Đặc điểm ban sởi: Ban đỏ, có dạng dát sẩn, không có mụn nước, thường xuất hiện từ sau tai, trán, mặt và lan xuống ngực, bụng, lưng, rồi đến tay chân, và biến mất cũng theo trình tự đó. Ban có thể kéo dài từ 5-7 ngày.
Triệu chứng kèm theo: Trước khi phát ban, trẻ thường có triệu chứng giống cảm lạnh như ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, kèm theo mệt mỏi và chấm trắng trong miệng (hạt Koplik). Sau vài ngày sốt, ban đỏ mới xuất hiện.
Tiến triển: Khi ban nổi rõ, sốt có thể giảm dần, nhưng nếu sốt vẫn kéo dài sau khi ban nổi thì cần cảnh giác với biến chứng.
Bệnh tay chân miệng
Sốt trong bệnh tay chân miệng: Sốt thường nhẹ đến vừa, từ 37,5 độ C đến 39 độ C. Sốt kéo dài 1-2 ngày trước khi nổi mụn nước.
Đặc điểm ban trong bệnh tay chân miệng: Ban thường có dạng mụn nước nhỏ, đôi khi xuất hiện những vết loét. Ban thường nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối và đôi khi ở mông, miệng.
Triệu chứng kèm theo: Trẻ có thể quấy khóc, kém ăn do loét miệng và đau họng. Kèm theo là mụn nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông và đôi khi ở khuỷu tay, đầu gối.
Tiến triển: Sốt thường giảm nhanh sau khi ban và mụn nước xuất hiện.
Sốt xuất huyết
Sốt trong bệnh sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột (trên 39 độ C), thường kéo dài từ 2-7 ngày.
Đặc điểm ban sốt xuất huyết: Ban dạng xuất huyết dưới da (chấm hoặc mảng xuất huyết), không nổi cộm, không ngứa. Ban có thể xuất hiện khắp cơ thể, nhưng thường ở hai chân và tay.
Triệu chứng kèm theo: Sốt đi kèm với đau đầu, đau nhức cơ, khớp, đau sau hốc mắt, mệt mỏi. Bệnh nhi có thể có chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu xuất huyết dưới da.
Tiến triển: Sốt cao đột ngột, kéo dài khoảng 2-3 ngày, sau đó nhiệt độ có thể giảm. Tuy nhiên, đây là giai đoạn nguy hiểm vì có thể xảy ra biến chứng sốc hoặc xuất huyết nghiêm trọng.
Nhiễm khuẩn hô hấp
Sốt trong nhiễm khuẩn hô hấp: Sốt có thể nhẹ hoặc cao, tùy thuộc vào nguyên nhân nhiễm trùng (viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,...). Nhiễm vi khuẩn thường gây sốt cao (trên 38,5 độ C) còn nhiễm virus thường gây sốt nhẹ hơn.
Triệu chứng kèm theo: Ho, khò khè, đau họng, khó thở, mệt mỏi. Trong trường hợp viêm phổi, có thể có đau ngực và khó thở.
Tiến triển: Sốt có thể kéo dài vài ngày nếu không được điều trị đúng cách, đặc biệt trong các trường hợp nhiễm khuẩn.
Độc giả Tâm Thanh