Phân biệt các loại xe hybrid HEV, mild hybrid MHEV, hybrid sạc điện PHEV

Phân biệt các loại xe hybrid HEV, mild hybrid MHEV, hybrid sạc điện PHEV
4 giờ trướcBài gốc
Vì lẽ đó, nhiều hãng ô tô đã mở rộng sản phẩm với các phiên bản xe hybrid bên cạnh các phiên bản xe động cơ đốt trong và xe điện.
Cùng là xe hybrid nhưng có nhiều tên gọi khác nhau như mild-hybrid (MHEV), hybrid (HEV) hay plug-in hybrid (PHEV).
Mỗi dòng xe đều có sự khác biệt cũng như ưu nhược điểm của từng loại xe này.
Xe hybrid tự sạc hoàn toàn (Full hybrid - HEV)
HEV đang là lựa chọn phổ biến nhất trên thị trường xe hybrid. Đây là loại xe tự sạc hoàn toàn. Loại xe này đơn giản nhưng rất hiệu quả với cơ chế động cơ đốt trong và động cơ điện hoạt động độc lập hoặc kết hợp với nhau tùy từng điều kiện vận hành.
Về cơ chế hoạt động, khi vừa khởi động, xe vận hành ở chế độ thuần động cơ điện. Chỉ khi đạp ga tăng tốc nhanh hoặc pin lưu trữ gần hết điện, lúc này động cơ xăng mới hoạt động bù vào để bứt tốc hoặc sạc điện.
Xe hybrid ngày càng được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng. (Ảnh minh họa).
Trên cao tốc hoặc chạy đường trường, khi xe đạt đến tốc độ nhất định từ 50 -60 km/h, động cơ điện sẽ tự ngắt để chuyển sang sử dụng động cơ đốt trong. Khi xuống dốc, giảm tốc hay đạp phanh thì động cơ xăng sẽ ngắt và động năng thừa đó sẽ chuyển hóa thành điện năng để sạc vào pin.
Ưu điểm:
Lý tưởng cho việc lái xe trong thành phố, khu đông dân cư.
Tiết kiệm nhiên liệu hơn so với xe chạy nhiên liệu đốt trong truyền thống.
Đặc biệt, không cần bận tâm đến việc cắm sạc.
Nhược điểm:
Không tiết kiệm khi chạy đường dài trên cao tốc.
Giá bán cao hơn xe sử dụng động cơ đốt trong.
Chi phí thay thế pin đắt đỏ.
Xe hybrid nhẹ (Mild hybrid - MHEV)
Sự khác biệt chính là khi một chiếc xe hybrid tự sạc hoàn toàn HEV có thể chỉ chạy hoàn toàn bằng nguồn năng lượng điện thì một chiếc xe mild hybrid (MHEV) lại không thể làm được điều đó khi động cơ điện chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho động cơ đốt trong.
Hệ thống mild hybrid (MHEV) chỉ hoạt động cùng với động cơ đốt trong để hỗ trợ khi tăng tốc mạnh, duy trì gia tốc khi đã ngắt xi-lanh hoặc khởi động lại sau khi xe tắt máy. Bên cạnh đó, việc sử dụng bộ pin 48V giúp cải thiện khả năng tiết kiệm 10-15% cho động cơ xăng, dầu.
Ưu điểm:
Giá xe MHEV rẻ hơn xe HEV do cấu tạo đơn giản.
Không phải cắm sạc.
Cải thiện khả năng tăng tốc.
Bảo trì sửa chữa dễ dàng.
Nhược điểm:
Phát thải CO2 nhiều hơn xe HEV vì không có chế độ chạy thuần điện.
Khả năng tiết kiệm nhiên liệu cũng không bằng xe HEV do động cơ xăng luôn được sử dụng.
Volvo XC90 recharged là một trong số ít những mẫu xe PHEV bán tại Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Xe hybrid cắm sạc (Plug-in hybrid - PHEV)
Xe hybrid cắm sạc hay xe plug-in hybrid (PHEV) là loại xe có thể hoạt động bằng động cơ xăng hoặc động cơ điện. Tuy nhiên pin của động cơ điện loại xe này phải nạp đầy tại trạm sạc tương tự như xe điện hoặc cắm điện ở nhà.
Quãng đường di chuyển của xe PHEV dài hơn, khoảng từ 60-90km nhờ dung lượng pin lớn. Xe PHEV có thể hoạt động hoàn toàn bằng động cơ điện mà không dùng đến động cơ đốt trong. Khi hết pin, xe sẽ chuyển sang sử dụng động cơ đốt trong như xe HEV.
Ưu điểm:
Dễ dàng chuyển đổi giữa sức mạnh động cơ điện và động cơ đốt trong.
Phát thải khí CO2 ít hơn các loại xe hybrid còn lại.
Nhược điểm:
Cần phải sạc pin để sử dụng, trọng lượng pin tăng làm giảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
Động cơ đốt trong nhỏ sẽ ồn ào hơn khi xe hết điện.
HÀ NAM (Tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/phan-biet-cac-loai-xe-hybrid-hev-mild-hybrid-mhev-hybrid-sac-dien-phev-ar906216.html