Phân biệt dấu hiệu của cảm lạnh và cảm cúm để phòng ngừa biến chứng

Phân biệt dấu hiệu của cảm lạnh và cảm cúm để phòng ngừa biến chứng
8 giờ trướcBài gốc
Dịch cúm đang phát triển mạnh trong mùa Đông. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Cảm cúm và cảm lạnh đều là các bệnh về đường hô hấp do virus gây ra và hai căn bệnh này rất dễ bị nhầm lẫn do chúng có nhiều biểu hiện tương tự nhau. Tuy nhiên, đây là hai bệnh khác nhau hoàn toàn về nguyên nhân và cách điều trị.
Các triệu chứng cảm lạnh thường nhẹ hơn các triệu chứng của cảm cúm. Người bị cảm lạnh thường bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi và không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trong khi cảm cúm thì ngược lại, các triệu chứng nặng hơn cảm lạnh và có thể dẫn đến các biến chứng rất nghiêm trọng.
Cách phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm
Nguyên nhân gây bệnh
Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó hay gặp nhất là các chủng Rhinovirus, riêng virus này lại có tới hơn 100 chủng khác khác nhau.
Các loại virus khác cũng gây cảm lạnh có thể kể đến là: Enterovirus, Coronavirus...
Bệnh cảm lạnh thông thường chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng), và các xoang (viêm xoang). Người bệnh thường sẽ ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho có đờm, cơ thể mệt mỏi và hơi gai lạnh.
Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7-10 ngày.
Trong khi đó, cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm (thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra) và nguy hiểm hơn cảm lạnh
Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh và chủ yếu là lây qua đường hô hấp, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm.
Trong hầu hết các trường hợp, những người bị cảm cúm sẽ khỏi bệnh trong 5-10 ngày. Tuy nhiên có nhiều chủng virus cúm có thể gây bệnh từ nhẹ, hoặc thành đại dịch, một số chủng có độc tính cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Phân biệt triệu chứng
Thời gian bị bệnh
- Cảm lạnh: Thường kéo dài từ 5-10 ngày.
- Cảm cúm: Có thể kéo dài từ 1-2 tuần, với triệu chứng mệt mỏi kéo dài hơn.
Những ai dễ mắc cảm cúm?
Virus gây bệnh cảm cúm tồn tại trong cơ thể người bệnh và lây truyền cho người khác qua đường hô hấp.
Những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội, các lễ hội... sẽ là điều kiện để virus cúm lây lan nhanh
Khi người khỏe mạnh hít phải các giọt nước có chứa virus cúm của người bệnh trong không khí do hắt hơi, ho thì có thể nhiễm bệnh nhanh chóng. Hoặc khi tiếp xúc qua các đồ vật do chạm tay như bàn ghế, điện thoại, máy tính... virus cúm cũng có thể thâm nhập vào cơ thể người lành.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ca mắc cúm bị diễn biến nặng, thậm chí nguy kịch; đa số là người có bệnh nền, không kiểm soát tốt bệnh nền. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Những đối tượng như người già, trẻ em, người ốm yếu có sức đề kháng kém thường dễ mắc cảm cúm do hệ miễn dịch của cơ thể không đủ mạnh để chống lại sức tấn công của virus.
Đặc biệt,đối với phụ nữ mang thai, chỉ một trận cúm nhẹ nếu chủ quan cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản phụ và thai nhi.
Chính vì vậy, người bệnh cần phân biệt cảm lạnh và cảm cúm để có biện pháp điều trị tích cực ngay từ đầu tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cách phòng ngừa và điều trị
Tiêm phòng cúm hàng năm
Vaccine cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và hạn chế biến chứng nặng.
Tiêm vacvine phòng cúm hằng năm để bảo vệ sức khỏe. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Giữ vệ sinh cá nhân
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm.
- Vệ sinh cơ quan hô hấp sạch sẽ (mũi, họng) bằng nước muối.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng để hạn chế virus xâm nhập.
Tăng cường hệ miễn dịch
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin C, D và kẽm.
- Tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng.
- Uống đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ.
Tránh tiếp xúc với người bệnh
- Hạn chế tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh hoặc cảm cúm.
- Nếu bị bệnh, hãy che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang để tránh lây lan.
Giữ môi trường sống sạch sẽ
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn làm việc.
- Sử dụng máy lọc không khí để giảm nguy cơ tiếp xúc với virus./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/phan-biet-dau-hieu-cua-cam-lanh-va-cam-cum-de-phong-ngua-bien-chung-post1011589.vnp