Nghiên cứu của Albert Mehrabian vào năm 1972 đã khẳng định một điều đáng kinh ngạc, rằng 93% ý nghĩa trong quá trình giao thiệp của chúng ta bắt nguồn từ việc giao tiếp phi ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể và các yếu tố phi ngôn ngữ khác. Ông cho rằng rằng, chỉ có 7% sự thấu hiểu đến từ nội dung bằng lời nói, trong đó 38% là các yếu tố nội chủ như âm điệu và tiếng nói, 55% còn lại là các tín hiệu thị giác.
Nghiên cứu của Mehrabian đã vấp phải một số chỉ trích trong nhiều thập kỷ. Năm 1987, Trimboli và Walker đã chỉ ra vai trò của “đặc tính yêu cầu”. Trong tâm lý học, nó có nghĩa là khi người thực hiện thí nghiệm ảnh hưởng đến tâm lý những người tham gia, khiến họ hành động theo cách mà bản thân nghĩ rằng người thực hiện thử nghiệm mong muốn mình làm. Nó cho thấy mong muốn được yêu thích và làm hài lòng có thể gây ra sự sai lệch về kết quả.
Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik.
Bất chấp những tranh luận xung quanh tỉ lệ phần trăm của Mehrabian, ý tưởng cốt lõi vẫn có giá trị: Hiểu được ngôn ngữ cơ thể mang lại nhận thức tốt hơn về suy nghĩ và cảm xúc của người khác và của chính chúng ta. Ngôn ngữ cơ thể mở ra một cánh cửa nhìn vào những cảm xúc chân thực nhất mà não bộ dường như muốn che đậy.
Ví dụ, bạn có thể khăng khăng tuyên bố mình không hề sợ độ cao, cố gắng thuyết phục bản thân và những người xung quanh về điều đó. Tuy nhiên, đôi chân run rẩy, hành vi vô thức bám nắm và thường xuyên nhắm chặt mắt đã vạch trần nỗi sợ hãi thực sự trong bạn. Ngôn ngữ cơ thể là dấu hiệu nhận biết sự mâu thuẫn so với lời nói của bạn.
Những tín hiệu không thống nhất có thể làm giảm bớt độ tin cậy, dù cho người nhận tín hiệu để ý thấy một cách rõ ràng hay chỉ đơn thuần cảm nhận mơ hồ về sự bất đồng ấy. Khi bạn gặp lại ai đó sau một khoảng thời gian rất dài, người ấy chào đón bạn bằng một nụ cười tươi rạng rỡ nhưng vẫn khoanh tay và xoay người về phía lối ra. Như vậy bạn đã tiếp nhận thông điệp, rằng họ không thực sự vui vẻ khi gặp bạn như họ đã tỏ ra.
Ngôn ngữ cơ thể chứa đựng tiềm thức của chúng ta, trong khi lời nói thường phản ánh tâm trí có ý thức. Điều này không có nghĩa là tiềm thức của chúng ta luôn “đúng”. Nó là một hệ thống phản ánh cảm xúc có gốc rễ sâu xa từ những trải nghiệm quá khứ và chứa đựng những bản năng. Tuy nhiên, ngôn ngữ cơ thể thường phản ánh những cảm xúc một cách chân thực hơn.Thế nên, nếu bạn muốn hiểu hơn suy nghĩ của ai đó, hãy chú ý kỹ đến ngôn ngữ cơ thể của họ.
Mọi người không phải lúc nào cũng nói ra điều họ thật sự nghĩ hay cảm thấy. Nếu bạn muốn tìm hiểu tận cùng cảm giác của một ai đó, bạn sẽ phải khám phá những điều ẩn chứa sau lời nói của họ. Mặc dù cuốn sách này không hướng dẫn về ngôn ngữ cơ thể một cách toàn diện, nhưng nó sẽ nêu bật những khía cạnh quan trọng, giúp bạn khám phá mọi cảm xúc bị che giấu. Để nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ cơ thể, tôi đề xuất bạn tham khảo các tác phẩm của Allan và Barbara Pease, ví dụ như Cuốn sách hoàn hảo về Ngôn ngữ Cơ thể , cuốn Tín Hiệu, hay cuốn Khi cơ thể “cất tiếng” của Joe Navarro.
Mấu chốt để giải mã cảm xúc là nhìn vào các dấu hiệu nhận biết. Nếu ai đó đang khóc, có lẽ người đó đang buồn, đang đau đớn, hoặc đau khổ. Nhưng nước mắt cũng có thể là niềm vui khi chúng xuất hiện cùng tiếng cười. Có những giọt lệ thể hiện niềm mong đợi sự cảm thông, do đó tạo ra một ảo tưởng về cảm xúc. Hãy luôn xem xét bối cảnh, tình huống để có được lời giải thích chính xác hơn.
Những biểu hiện của các trạng thái cảm xúc như giận dữ, bồn chồn hay lo lắng thường được diễn đạt thông qua nét mặt và ngôn ngữ cơ thể. Biểu cảm trên mặt là dấu hiệu dễ đọc nhất, sau đó là ngôn ngữ cơ thể, bao gồm nhu cầu về không gian riêng và tư thế. Một người khoanh tay trước ngực và giậm chân theo nhịp đều đều, rõ ràng là đang bồn chồn. Tuy nhiên, nếu họ khoanh tay và cúi gằm mặt nhìn xuống, lê chân một cách lúng túng, hẳn là họ đang bộc lộ sự lo lắng hoặc rụt rè.
Làm thế nào để khẳng định được một nụ cười là giả tạo? Dấu hiệu đầu tiên của một nụ cười rạng rỡ chân thật nhất nằm ở đôi mắt. Trong trường hợp này, đôi môi sẽ cong lên và những nếp nhăn nho nhỏ quanh mắt sẽ hiện ra. Khi nói “cheese” với người chụp ảnh, chúng ta tạo ra biểu hiện khuôn mặt như đang mỉm cười bởi những cơ gò má được kéo về phía sau, còn đôi mắt thì không thay đổi. Đó là một nụ cười giả trân hoàn hảo.
Zoe Mckey/Bách Việt Books - NXB Dân Trí